VnReview
Hà Nội

Chuyện về Microsoft Surface, chiếc tablet tốt đến nỗi Apple cũng phải “copy”

Không thể phủ nhận Surface chính là thiết bị mở đầu cho xu hướng tablet lai, mà sau này có rất nhiều nhà sản xuất khác cũng tham gia, trong đó có Apple.

Ngày 20/5/2014, Satya Nadella – vị CEO mới vừa được Microsoft bổ nhiệm – ngồi kế bên trưởng bộ phận Surface, Panos Panay trong khán phòng New York City (Mỹ). Họ đến để giới thiệu Surface Pro 3, thế hệ tablet chạy Windows mới nhất của Microsoft. "Hôm nay là một ngày trọng đại", Nadella nói với Panay. "Hãy làm mọi thứ thật tốt!"

Đây là Panos Panay

Đây thực sự là một áp lực lớn cho Microsoft sau khi chứng kiến sự thất bại của Surface thế hệ đầu tiên, nó thê thảm đến nỗi lượng Surface tồn kho đến năm 2013 có giá trị lên đến 900 triệu USD. Thế hệ thứ 2 của Surface ra mắt năm 2013 cũng không thể làm mọi thứ khả quan hơn.

Nadella nói với Panay rằng ông muốn thế hệ Surface này phải thành công: "Chúng ta cần làm một thiết bị phần cứng có quyền đưa chúng ta thành một công ty phần cứng." Paney hiểu những gì Nadella nói, ông cũng rất tự tin về chiếc Surface này.;

Bây giờ, Microsoft đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường tablet nhờ những cải tiến đáng giá của Surface Pro 3 và Surface Pro 4 ra mắt sau đó không lâu.

Đến cuối năm 2015, Apple ra mắt iPad Pro. Mọi người ai cũng để ý đến kích thước màn hình lớn và phụ kiện cover kiêm bàn phím ngoài Smart Keyboard Cover của iPad Pro có nhiều điểm tương đồng với Surface của Microsoft.

Năm 2015 cũng chứng kiến sự ra mắt của Surface Book, mẫu laptop thực sự đầu tiên của Microsoft. Dù có giá bán khá cao và không phải ai cũng có thể mua được, nhưng Surface Book nhận được khá nhiều sự quan tâm và đánh giá tích cực từ cộng đồng. Trang tin Wired cũng gọi Surface Book là "chiếc laptop Windows thú vị nhất trong năm."

Vậy, Microsoft đã trở thành một công ty phần cứng?

Ngoài tablet Surface, Microsoft còn có nhiều thiết bị phần cứng nổi bật khác nữa. Một trong số đó như chiếc máy chơi game console Xbox One S, mẫu tablet màn hình lớn Surface Hub hay chiếc kính thực tế ảo HoloLens. Những dòng máy tính tương tự Surface hay Surface Book cũng góp phần giúp thúc đẩy doanh số chung đang khá ảm đạm của thị trường máy tính cá nhân (PC).

Trở lại vấn đề chính, vậy Surface đã được tạo ra như thế nào? Làm sao chính Apple cũng phải nhìn vào Surface để tạo ra iPad Pro? Làm thế nào Surface đưa Microsoft và cả ngành công nghiệp PC đi lên? VnReview.vn xin phép lược dịch bài viết từ trang tin Business Insider dưới đây để bạn đọc tham khảo:

Thế hệ Surface đầu tiên còn được gọi là Surface with Windows RT (Surface RT)

Mọi chuyện bắt đầu từ Windows 8

Trở lại năm 2009, bộ phận Windows (lúc đó được dẫn dắt bởi Steven Sinofsky) đã bắt đầu làm việc với Windows 8 chỉ một thời gian sau khi phát hành chính thức Windows 7.

Năm 2007, màn ra mắt của Apple iPhone đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc tương tác với máy tính bằng màn hình cảm ứng, lúc này đội ngũ của Sinofsky đã lên kế hoạch đưa Windows vào kỷ nguyên này.

Phiên bản hệ điều hành mới được loại bỏ đi các yếu tố từng tạo nên "thương hiệu" của Windows, bao gồm cả nút Start quen thuộc. Thay thế cho nút Start và Start Menu là một giao diện hoàn toàn mới gọi là "Metro UI" với nhiều ô vuông lớn, đầy màu sắc rất thích hợp cho các thao tác cảm ứng.

Vấn đề chính là: các nhà sản xuất PC thời ấy vẫn còn rất mặn mà với những chiếc máy tính truyền thống, trong lúc đó họ lại đang tập trung vào một dòng máy tính siêu nhỏ, siêu rẻ và cấu hình cũng "siêu yếu" được gọi là "netbook".

Microsoft lo rằng không một nhà sản xuất máy tính Windows nào muốn làm một chiếc máy tính Windows cảm ứng thật hoàn hảo, mà chính nó mới "mở ra cho chúng tôi một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp điện toán", Panay nói. "Chúng tôi muốn nó được thực hiện ngay lúc này."

Steven Sinofsky và Panos Panay tại buổi ra mắt Surface thế hệ đầu tiên năm 2012

Vào thời điểm đó, Panay đang phụ trách mảng kinh doanh phần cứng của Microsoft, mà lúc đó thì máy tính vẫn còn quanh quẩn với những con chuột và bàn phím. Đội ngũ của ông có nhiều kinh nghiệm về sản xuất, phát triển các sản phẩm phần cứng hơn so với hầu hết các đội ngũ khác tại công ty. Đầu năm 2010, lãnh đạo Microsoft nói với Panay "hãy tạo ra một cái gì đó đi".

Cũng trong năm 2010, iPad ra đời. Chính iPad đã làm cụm từ tablet "nóng" trở lại. Nếu người dùng muốn tablet, thì đội ngũ của Panay quyết định sẽ tạo ra chiếc tablet tốt và hiệu quả nhất thế giới.

"Tra tấn" cả đội ngũ để mọi thứ trở nên hoàn hảo nhất

Panay được biết đến là một anh chàng làm việc rất hăng say, để ý đến những chi tiết nhỏ. Khi Surface đầu tiên ra mắt năm 2012, Panay khoe rằng Microsoft có đến 200 thành phần khác nhau được tùy chỉnh, thiết kế và sản xuất riêng cho chiếc tablet này.

Đến với những yếu tố độc đáo của Surface, chúng đến từ chân đế kickstand ở mặt sau và bàn phím kiêm vỏ bảo vệ Type Cover được bán kèm. Microsoft tốn khá nhiều thời gian với những nguyên mẫu Surface làm bằng bìa cứng và băng keo, chúng cứ được điều chỉnh liên tục cho đến khi trọng lượng và trải nghiệm cầm nắm trở nên thoải mái, dễ chịu nhất. Panay nói: "Tôi đã tra tấn cả đội ngũ bằng mọi cách. Chúng tôi cần một biểu tượng. Bạn không thể tạo ra biểu tượng, mà chỉ có biểu tượng mới có thể làm nên nó."

Một trong những thành phần nguyên mẫu của Surface thế hệ đầu tiên

Surface được thiết kế để "biến mất khỏi lòng bàn tay của bạn". Những điểm nhấn của Surface cũng chính là điểm nhấn của Windows, chứ không phải để mọi người chú ý đến Surface. "Dự án Surface được thiết kế để làm nổi bật những thứ tốt nhất của Microsoft", Panay nói. "Tôi nghĩ mọi người đã tách biệt phần cứng và phần mềm một cách quá nhanh".

Nó cũng cho thấy các nhà sản xuất PC khác như HP hay Dell đã sẵn sàng cho một sản phẩm hoàn hảo, kết hợp những thứ tốt nhất của một chiếc máy tính, và những thứ tốt nhất của một chiếc tablet.

Sức ép đến từ Surface

Cựu CEO Microsoft - Steve Ballmer -  giới thiệu chiếc Surface đầu tiên tại Los Angeles vào ngày 18/6/2012. Mẫu tablet này chạy Windows RT, một phiên bản của Windows 8 được thiết kế dành cho các loại bộ xử lý sử dụng kiến trúc ARM, thường được trang bị trên những mẫu smartphone, tablet (lúc ấy có cả iPhone, iPad).

Cựu CEO Steve Ballmer tại buổi ra mắt Windows 8

Vì chạy Windows RT dựa trên nền ARM, Surface đầu tiên có thời lượng pin cao hơn khá nhiều so với những chiếc PC truyền thống (và cả iPad).

Nhưng để được như vậy, Microsoft đã phải đánh đổi rất nhiều thứ: chiếc Surface này không thể chạy những phần mềm Windows truyền thống. Thiết bị chỉ chạy được những ứng dụng được tải về từ Windows Store. Microsoft cũng phải làm một phiên bản đặc biệt của bộ ứng dụng Office để tương thích với Windows RT.

Ngày ra mắt của Surface cũng là ngày ra mắt của Windows 8. Tại sự kiện ra mắt, mọi người còn được chứng kiến cựu lãnh đạo mảng Windows Sinofsky sử dụng (một phiên bản đặc biệt) của Surface để làm ván trượt.

Sinofsky rời Microsoft vào tháng 11/2012. Đến tháng 2/2013, Microsoft ra mắt bản nâng cấp của Surface mang tên Surface Pro.

Trong khi Surface vẫn giống tablet (kể cả khi có bàn phím rời), thì Surface Pro đã trở nên giống với laptop hơn. Dù có thiết kế giống y hệt Surface, nhưng phiên bản Pro có màn hình độ phân giải cao hơn, bút cảm ứng Surface Pen, và quan trọng nhất: một phiên bản Windows 8 đầy đủ.

Tuy nhận khá nhiều phản hồi tích cực vào ban đầu, nhưng Surface nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng lớn đối với Microsoft.

Surface RT

Trong khi Surface hơn iPad ở khoản thời lượng pin, nhưng nó lại không thể chạy các ứng dụng Windows truyền thống, Surface Pro có thể chạy mọi phần mềm Windows thông thường nhưng thời lượng pin của máy lại khá thấp, hiệu năng kém ổn định so với những chiếc laptop thông thường. Ban đầu cả 2 thiết bị cũng chỉ được bán giới hạn tại các cửa hàng của Microsoft.

Tháng 3/2013, một thống kê của Bloomberg cho biết Microsoft đã bán được 1,5 triệu chiếc Surface, trong đó chỉ có 400 ngàn chiếc là Surface Pro. Con số này trở thành nỗi thất vọng tràn trề của Microsoft khi hãng ước tính mình sẽ bán được 2 triệu chiếc Surface trong quý 4 năm 2012. Tháng 7/2013, lượng Surface tồn kho có giá trị lên đến 900 triệu USD.

Dù thất bại thê thảm, nhưng Microsoft vẫn quyết định "đánh cược" vào Surface 2 và Surface Pro 2 (ra mắt vào cuối năm 2013), với tuổi thọ pin và hiệu suất tốt hơn Surface thế hệ đầu. Tuy nhiên, chính hệ điều hành Windows 8 đã khiến bộ đôi Surface 2 tiếp tục thất bại. "Chúng tôi cần một thiết bị có thời lượng pin tốt hơn, hiệu suất cao hơn cho người dùng", Panay nói.

Satya Nadella chính là người phải gánh khoản Surface lộn xộn ấy khi ông nhậm chức CEO Microsoft vào năm 2014, thay thế cho Steve Ballmer.

Tất cả đều là một

Một trong những thứ Nadella thực hiện ngay sau khi lên làm CEO chính là cải thiện văn hóa làm việc tại Microsoft.

Microsoft của thập niên 2000 trông giống như một "lãnh địa", các đội ngũ hoạt động riêng rẽ và không hề liên kết với nhau. Steve Ballmer từng cố gắng thực hiện thống nhất các nhóm lúc còn đương nhiệm, nhưng đến khi ông rời ghế CEO thì điều đó vẫn chưa được thực hiện một cách hoàn hảo. Nadella sau đó đã quyết tâm thực hiện điều này thay cho Ballmer.

Khi việc buôn bán Surface vẫn còn rất ảm đạm, thì Nadella đã nhìn thấy cơ hội của mình. Lúc Nadella nhậm chức, Microsoft bắt đầu phát triển Windows 10, phiên bản thừa kế cho Windows 8 được thiết kế với những đặc điểm, tính năng dung hòa giữa laptop và tablet.

Để chuẩn bị cho Windows 10, Microsoft vẫn cần một thiết bị tôn vinh các tính năng tốt nhất của Windows, là sự kết hợp giữa màn hình cảm ứng và bàn phím/chuột. "Đây chỉ là một phần trong câu chuyện dài về sự phát triển của Windows và Microsoft", Panay nói.

Từ trái sang: Panos Panay, cựu CEO Nokia Stephen Elop và Satya Nadella tại buổi ra mắt Surface Pro 3 năm 2014

Nadella và Panay đã tập hợp tất cả những đội ngũ khác nhau của công ty cùng làm nên Surface Pro 3, tiếp sau là Surface Pro 4 và Surface Book. Có những bộ phận dường như "không liên quan" nhưng cũng góp phần tham gia như Skype (tư vấn về cảm biến camera và loa), hay OneNote (tư vấn về bút stylus Surface Pen).

Panay nói rằng Microsoft giờ không còn chuyện phân biệt giữa "phần cứng" và "phần mềm" nữa, mà chỉ tập trung vào những sản phẩm do hãng tạo ra. "Mọi người đều ở trên cùng một con thuyền, cùng nắm lấy 1 mái chèo, cùng tiến về phía trước", Panay chia sẻ.

Sự đón nhận từ người dùng

Surface Pro 3 ra mắt tháng 6/2014 trông khá giống với các thế hệ trước. Nhưng thực tế chiếc Surface này đã mỏng và nhẹ hơn nhiều, giúp đáp ứng nhu cầu di động tốt hơn. Các trang tin công nghệ cũng đưa ra nhiều đánh giá tích cực dành cho mẫu tablet này.

"Kể từ Surface Pro 3, chúng tôi đã được kéo lên khỏi vực thẳm. Đây là thành quả của sự học hỏi từ những thất bại trước đây", Panay chia sẻ.

Trong khi Microsoft không công bố doanh số bán hàng chính thức, nhưng đội ngũ Surface cho biết quý kết thúc vào 30/9/2014 là quý đầu tiên có lãi của nhóm sau một thời gian dài, và mảng Surface đạt doanh thu 1 tỷ USD chỉ sau 3 tháng tiếp theo.

Mùa hè năm 2015, Microsoft giới thiệu Surface 3, một phiên bản giá rẻ của Surface Pro 3. Khác hoàn toàn với Surface 2 hay Surface, Surface 3 sử dụng nền tảng Windows 8.1 đầy đủ giúp chạy tất cả các phần mềm thông dụng của Windows một cách bình thường. Panay cho biết sự thay đổi này đến từ những chỉ trích của khách hàng với nền tảng Windows RT trước đây: Surface được tung ra như là một chiếc máy tính, nhưng Windows RT lại không thể làm được điều đó trong khi mọi người muốn có một trải nghiệm Windows đầy đủ trên một con chip xử lý của Intel.

Microsoft cũng tập trung cải tiến Surface Pro 3 và Surface 3 với thời lượng pin lâu hơn, chân đế linh hoạt hơn, hiệu năng ổn định hơn. "Gã khổng lồ xứ Redmond" cuối cùng cũng đã thực hiện được ước mơ tạo ra một chiếc tablet có khả năng thay thế laptop.

Surface Pro 3

Tháng 10/2015, Microsoft ra mắt Surface Pro 4 sử dụng Windows 10 với khả năng thay đổi chế độ linh hoạt giữa laptop và tablet. Không có tin đồn nào về Surface 4 cho đến thời điểm này.

Đối với Panay, đây là một quá trình "hoàn toàn tự nhiên". Thay vì chạy 2 hệ điều hành, toàn bộ dòng sản phẩm Surface hiện nay đều chạy Windows 10 mới nhất (trừ 2 thế hệ sử dụng Windows RT). Thay vì cố gắng đáp ứng nhu cầu của cả 2 đối tượng doanh nghiệp và người dùng phổ thông, Microsoft lại tập trung vào trải nghiệm và hiệu quả làm việc, trong đó có Surface Book – một chiếc laptop với khả năng tháo rời bàn phím để thành tablet.

Surface Book

Panay chia sẻ chìa khóa dẫn đến thành công này đó là: đừng bao giờ cố gắng làm thỏa mãn cả người dùng (với một thiết kế thẩm mỹ) và (những tính năng để làm vừa lòng) các doanh nghiệp bởi vì "doanh nghiệp cũng được tạo ra từ chính con người".

Sau sự thành công ngoài mong đợi của Surface Pro 3, Panay vào tháng 7/2015 đã được "lên chức" nắm giữ toàn bộ mảng kinh doanh phần cứng của Microsoft. Các thiết bị mới sau này của hãng - như Xbox One S, Microsoft HoloLens và chiếc smartphone chạy Windows đang bị rò rỉ - đều phải thông qua đội ngũ của ông.

Trong khi đó, tác động của Surface lên thị trường máy tính đã khiến các hãng sản xuất khác không thể bỏ lỡ cơ hội này. Microsoft hiện đang hợp tác với Dell và HP để bán Surface, ngay cả khi họ đang bán những thiết bị "lai" tựa tựa Surface của riêng mình. IBM cũng hợp tác với Microsoft để thúc đẩy Surface xuất hiện nhiều hơn tại các doanh nghiệp, văn phòng.

Surface Pro 4 (trái) và iPad Pro (phải)

Câu chuyện trên đây đương nhiên không thể phản ánh đầy đủ những nốt thăng trầm của Surface. Mặc dù đạt doanh thu 4,1 tỷ USD trong quý vừa qua, và thực tế là Surface (về cơ bản) đã tạo ra một thị trường mà ngay chính Apple cũng "nhảy" vào với iPad Pro, nhưng Microsoft vẫn còn phải đứng sau Apple nếu xét tổng thể thị trường tablet hiện nay.

"Tôi đã từng bao giờ thấy thất vọng chưa? Chắc chắn là có!", Panay nói khi nhìn thấy các đối thủ cạnh tranh khác (như Apple) đang "copy" lại những điểm đặc trưng của Surface.

Ông cho biết mình vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào tương lai, và Surface sẽ còn nhiều thứ mới mẻ hơn nữa. Nhiều tin đồn gần đây cho biết Microsoft sẽ ra mắt bản nâng cấp của Surface Book và một chiếc máy tính Surface all-in-one vào cuối năm nay, đây là một trong những mẫu máy tính bảng lai laptop tuyệt vời nhất hiện có.

"Hãy để tôi mang lại một thứ gì đó thật mới mẻ đến các bạn" là điều mà Panay muốn nói với tất cả mọi người.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác