VnReview
Hà Nội

Gỡ bức ảnh "Em bé Napalm" khỏi Facebook, Mark Zuckerberg bị chỉ trích

Tổng biên tập tờ báo lớn nhất Na Uy vừa buộc tội Mark Zuckerberg lạm dụng quyền lực sau khi xóa bức ảnh về chiến tranh Việt Nam khỏi Facebook. Espen Egil Hansen, CEO của tờ Aftenposten, gọi Zuckerberg là "biên tập quyền lực nhất thế giới", và nói rằng quyết định gỡ bức ảnh xuống do nó chứa nội dung khỏa thân (hậu quả của vụ rải bom Napalm) là một sai lầm nghiêm trọng.

"Nếu bạn không phân biệt được sự khác biệt giữa ấu dâm và các bức ảnh được chụp từ một cuộc chiến, thì nó chẳng khác gì đề cao sự dốt nát và thất bại trong việc đưa con người lại gần nhau hơn", Hansen viết trong một lá thư mở, trên trang nhất ấn phẩm ngày thứ 6 của tờ Aftenposten.

Bức ảnh đoạt giải Pulitzer được chụp bởi nhiếp ảnh gia Nick Ut, chứa hình ảnh của một bé gái (lúc này 9 tuổi) mang tên Kim Phúc đang bỏ chạy khỏi vụ rải bom Napalm cùng các đứa trẻ khác. Bức ảnh này cùng 6 bức khác được đăng tải lên Facebook bởi nhà văn người Na Uy Tom Egeland trong một cuộc tranh luận liên quan tới việc những bức ảnh đã thay đổi lịch sử chiến tranh. Tài khoản của Egeland đã bị khóa vì bài đăng nói trên, và khi Aftenposten viết bài về việc này cũng bị Facebook xóa.

"Bất kỳ bức ảnh nào có chứa các phần nhạy cảm của cơ thể đều sẽ bị xóa", Facebook ghi trong thông báo gửi tới Aftenposten trước khi xóa bài.

Trong lá thư tới Zuckerberg, Hansen nói rằng Facebook là một công cụ tốt để liên lạc với người thân và bạn bè, và là "một kênh phù hợp để người dùng chia sẻ video âm nhạc, hay những bữa tối gia đình cũng như các trải nghiệm khác". Tuy nhiên, ông cũng nói rằng công ty cần "mang lại thêm sự tự do nhằm phù hợp với các nền văn hóa khác nhau," thay vì cứ khăng khăng làm theo luật đã định trước.

"Truyền thông có trách nhiệm cân nhắc việc công khai các câu chuyện trong từng trường hợp", Hansen viết. "Quyền và nghĩa vụ này, thứ mà mọi biên tập viên trên thế giới đều có, không nên bị tác động bởi các thuật toán mã hóa sẵn trong văn phòng của anh ở California". Ông thêm vào: "Tôi viết lá thư này cho anh vì tôi lo ngại rằng một trong những chính sách quan trọng nhất thế giới lại đang giới hạn quyền tự do của loài người thay vì nới rộng nó ra, và rằng điều này đôi lúc xảy ra một cách rất độc đoán".

Các quyết định chỉnh sửa Facebook gần đây thường rất chặt chẽ, đặc biệt là với các thông tin đang phổ biến. Công ty vừa rồi cũng đã sa thải 18 biên tập quản lý các chủ đề của các thông tin này khi bị buộc tội thiên vị, trước khi thay thế họ bằng các thuật toán.

Lựa chọn này đã dẫn tới một loạt lỗi lầm, bao gồm việc chia sẻ các tin tức giả như thể chúng là tin tức thật. Trong khi những lỗi này vẫn đang tiếp diễn thì hôm qua, một tin tức nóng Facebook đưa ra liên quan đến việc ra mắt iPhone của Apple được phát hiện là giả - nó nói về một robot Siri có khả năng làm việc nhà. Nhiều người đã chỉ trích thuật toán của Facebook do chia sẻ những tin tức sai sự thật.

Làn sóng phản đối tại Na Uy đã chống lại quyết định của Facebook bằng cách đăng bức ảnh bị xóa lên. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng đã chia sẻ bức ảnh này, đồng thời viết: "Facebook đã sai khi kiểm duyệt những bức ảnh như vậy. Nó gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận". Bài đăng của bà Solberg cũng bị xóa ngay sau đó. Cô Phúc sau đó cũng rất buồn vì hành động của Facebook. Một phát ngôn viên nói với tờ Dagsavisen của Na Uy như sau: "Kim Phúc buồn vì những người chú ý vào sự khỏa thân trong bức ảnh lịch sử thay vì thông điệp mạnh mẽ mà nó ẩn chứa".

Đại diện Facebook trả lời tờ The Guardian sau bức thư của Hansen: "Dù chúng tôi biết rằng bức ảnh này mang tính biểu tượng, rất khó để có thể phân biệt được việc một đứa trẻ trần truồng trong nhiều bức ảnh khác nhau".

"Chúng tôi đang tìm cách để cân bằng trong việc cho phép người dùng có thể thể hiện bản thân trong khi giữ lại một trải nghiệm an toàn và mang tính tôn trọng cho cộng đồng toàn cầu. Giải pháp của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện chính sách và cách áp dụng chúng".

Phương Nam

Chủ đề khác