VnReview
Hà Nội

Người Hàn Quốc “nhục nhã” vì vụ thu hồi Galaxy Note 7

Kim Jeong-min, một cựu giáo viên Hàn Quốc, đang có mặt tại Sân bay Narita ở Nhật Bản, khi xem được tin tức về smartphone Galaxy Note 7 của Samsung bị cấm mang lên máy bay đã nói ông cảm thấy thật nhục nhã, cứ như thế tất cả mọi người tại sân bay đang nhìn vào ông vậy.

Theo New York Times, mặc dù không sở hữu Galaxy Note 7, phản ứng của ông rất giống với cảm giác của những người Hàn Quốc khác về Samsung, một câu chuyện kinh doanh thành công nổi bật nhất của Hàn Quốc, đi lên trong thời kỳ chuyển đổi đất nước, từ một quốc gia nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá đến một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Gọi Samsung là công ty lớn nhất, có lợi nhuận cao nhất của Hàn Quốc vẫn chưa miêu tả đủ tính chất đặc biệt của Samsung trong tâm trí của người Hàn Quốc. Một số người Hàn còn nói họ sống trong nước "Cộng hòa Samsung".

Cuộc đời của họ có thể bắt đầu và kết thúc với Samsung, theo đúng nghĩa đen. Tức là, một người sinh ra tại một bệnh viện Samsung; học trường đại học Samsung; hưởng tuần trăng mật trong một khách sạn Samsung; mua căn hộ do Samsung xây dựng, với những trang thiết bị được mua bằng thẻ tín dụng Samsung; đưa con trẻ đến công viên giải trí Samsung; và khi chết, được đưa đến một nghĩa trang cũng của Samsung.

Với người Hàn Quốc, sự tiến bộ của Samsung từ một nhà lắp ráp các bộ đài bán dẫn còn vụng về đến một nhà sản xuất hàng đầu thế giới những sản phẩm điện tử tinh vi như TV màn hình phẳng, chip máy tính và smartphone là một niềm tự hào dân tộc. Năm ngoái, Samsung chiếm 20% trong số kim ngạch xuất khẩu 527 tỷ USD của Hàn Quốc. Nhưng nay, niềm tự hào đó đã sứt mẻ, nền kinh tế gặp khó khăn, khi Samsung thu hồi hơn 3 triệu Note 7 trên toàn cầu và quyết định không sản xuất nữa.

"Đây không chỉ là vấn đề của Samsung. Đây là vấn đề của toàn bộ nền kinh tế", Moon Jae-in, một ứng cử viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới của Hàn Quốc, nói. "Bởi vì mọi người tự hào về Samsung, xem đó như một thương hiệu đại diện cho Hàn Quốc".

Vừa qua, Tổng thống Park Geun-hye đã lên tiếng lo ngại về tác động của Galaxy Note 7 đối với xuất khẩu của Hàn Quốc. Kinh tế Hàn Quốc gần đây đang gặp phải những khó khăn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và sự phá sản của hãng tàu Hanjin. Các nhà máy đóng tàu của Hanjin là những nhà máy lớn nhất trên thế giới, đã sa thải hàng ngàn nhân sự sau khi công bố lỗ lớn vì lượng đơn đặt hàng giảm mạnh và vì sức cạnh tranh của các đối thủ có chi phí thấp hơn ở Trung Quốc.

Samsung là thương hiệu nổi tiếng nhất mà Hàn Quốc có, xếp thứ 17 trong số 100 nhãn hiệu lớn trên toàn cầu do Interbrand, một hãng cố vấn thương hiệu, đưa ra. Hơn bất cứ sản phẩm nào khác của Hàn Quốc smartphone Galaxy của Samsung đã nâng cao hình ảnh về một quốc gia công nghệ cao cho đất nước.

Sau khi vượt qua Sony và các công ty Nhật Bản khác mà Samsung từng bắt chước, công ty đã lớn mạnh đủ để thách thức Apple, biểu tượng sáng tạo của người Mỹ.

Với nhiều người Hàn Quốc, vụ thu hồi Note 7, là một bài học đau thương khác mà Samsung phải học và trả giá trong công cuộc chinh phục thế giới.

"Tất cả các công ty, bao gồm cả Mỹ và Nhật, đều phạm lỗi", Park Bo-yeon, 29 tuổi, nói. "Vấn đề là bạn có thể học được gì từ đó và có tiến lên được không. Samsung luôn có thể".

Park nghi ngờ vụ Note 7 đã bị báo chí Mỹ thổi phồng. Cô nói cô rất thất vọng khi Samsung không thể giải thích tại sao một số máy Note 7 lại nóng lên và bốc cháy. Nhưng cô rất ấn tượng với "quyết định dũng cảm của Samsung khi ngừng dòng Note 7 lại trước khi có tai nạn tử vong xảy ra".

Tuy vậy, New York Times cho biết, với người Hàn Quốc, cái tên Samsung vẫn gợi lên sự tham lam và bí ẩn. Họ thường miêu tả Samsung như một "con dã thú", kiếm lợi nhuận không phải bằng sáng tạo, mà bằng sự thúc ép các nhà cung cấp linh kiện nội địa.

Và Samsung còn chưa bao giờ thoát khỏi hình ảnh là một kẻ bắt chước, dù là; một kẻ bắt chước giỏi giang. Năm ngoái, Samsung đã phải trả 548 triệu USD đền bù thiệt hại cho Apple vì vi phạm các bản quyền thiết kế iPhone.

Thảm họa Note 7 đã ảnh hưởng đến danh tiếng Samsung. Nó cũng nhắc cho người Hàn biết rằng nền kinh tế xuất khẩu của họ phụ thuộc quá nặng vào Samsung, và một số tập đoàn gia đình trị khác.

"Câu nói may rủi của Samsung là may rủi của Hàn Quốc, là một "dạng truyền đạo" mà chính Samsung và giới truyền thông, các nhà chính trị đứng đằng sau đưa ra", Kim Sang-gyun, 32 tuổi, nói.

Samsung là một chaebol thành công nhất, dẫn đầu cuộc công nghiệp hóa của Hàn Quốc, bằng cách copy các sản phẩm của đối thủ nước ngoài, nhưng làm một cách rẻ hơn, tốt hơn và an toàn hơn.

Trung Quốc hiện đang dùng chính mô hình này để đe dọa Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp mà họ thống trị qua chiến lược "đi theo": đóng tàu, bán dẫn và smartphone. Hàn Quốc xem họ đang ở trong cuộc đua với những người sáng tạo như Apple trong khi đang phải đấu tranh để đi trước một bước so với các đối thủ Trung Quốc.

Sự nhục nhã trong vụ Note 7 khiến nhiều người Hàn Quốc tự hỏi Samsung – và Hàn Quốc nói chung – có đang vấp ngã trong cuộc đua đó.

Hoàng Lan

Chủ đề khác