VnReview
Hà Nội

Cuộc chiến mới quyết định tương lai truyền hình

Kể từ lần đầu tiên những chiếc tivi thương mại như EMI-Marconi xuất hiện vào năm 1930 đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên truyền hình, truyền hình đã nhanh chóng đánh bại phát thanh và báo chí để giành lấy vị trí tiên phong trong lãnh địa truyền thông. Nhưng với sự phát triển của Internet và smartphone, cuộc chơi giờ đã thay đổi…

Miếng bánh truyền hình béo bở

Là phương tiện chính trong việc định hướng dư luận, truyền hình nhanh chóng thể hiện vai trò quan trọng trọng mọi lĩnh vực đời sống từ xã hội, kinh tế đến cả chính trị.

Mỗi ngày hàng triệu người trên thế giới dán mắt vào màn hình tivi để theo dõi các chương trình ca nhạc, phim ảnh, thể thao,… trực tiếp hoặc phát lại. Nhưng ít ai biết được để mang được một chương trình truyền hình hoàn chỉnh đến người xem cần phải có những gì.

Hiểu một cách đơn giản, truyền hình được cấu thành từ "phần cứng" và "phần mềm". Phần cứng là những cơ sở hạ tầng như vệ tinh, trạm phát sóng, thiết bị bắt sóng (ăng-ten, chảo,…) và thiết bị trình chiếu là chiếc tivi. Trong khi đó, phần mềm là những nội dung được phát sóng trên truyền hình như giải trí, tin tức và quảng cáo..., được các nhà sản xuất tạo ra và đưa lên phát sóng.

Trong địa hạt phần cứng, cuộc cạnh tranh giữa các hãng sản xuất tivi đã biến những chiếc tivi lồi đen trắng và kềnh càng thuở sơ khai của truyền hình thành tivi màu, màn hình phẳng, màn hình cong rồi màn hình tinh thể lỏng với độ phân giải ngày càng cao, thiết kế càng mỏng có khi chỉ 2-3cm. Đây là cuộc chiến về trải nghiệm của người xem, nơi chất lượng của hình ảnh và âm thanh là yếu tố then chốt quyết định người tiêu dùng sẽ mua tivi của hãng nào.

Trong khi đó, khu vực phần mềm là chiến trường của các đài truyền hình, là cuộc đua trong việc thu hút người xem bằng nội dung các chương trình phát sóng. Nguồn thu chính đến từ tài trợ, quảng cáo, hay nhờ bán bản quyền các chương trình tự sản xuất hay do một bên thứ ba cung cấp.

Thông thường người xem không phải trả tiền cho đài truyền hình mà đã có các doanh nghiệp làm thay. Người xem chỉ cần chịu khó xem quảng cáo xen kẽ giữa các chương trình mình đang xem. Càng nhiều người xem, càng nhiều hợp đồng quảng cáo béo bở.

Hàng thập kỷ, cuộc cạnh tranh giữa các nhà đài đã định hình nên truyền hình như ngày nay.

Cuộc chơi thay đổi và những người chơi mới

Hạn chế lớn nhất của các chương trình truyền hình miễn phí là một lịch phát sóng cố định và… quảng cáo.

Khi Internet xuất hiện, phạm vi của cuộc chơi truyền hình đã thay đổi. Theo sau đó là sự xuất hiện của những tay chơi mới. Các dịch vụ truyền hình trả tiền và truyền hình Internet như Netflix, Hulu,… đang lấy dần thị phần của các đài truyền hình nhờ phần nội dung chọn lọc hướng đến những đối tượng cụ thể, có thể xem lại dễ dàng và hạn chế quảng cáo.

Khi smartphone xuất hiện, thị trường truyền hình lại thay đổi một lần nữa. Vượt ra khỏi phạm vi của một chiếc điện thoại chỉ để gọi và nhắn tin, smartphone đã dễ dàng đẩy lùi điện thoại cơ bản với bàn phím vật lý vào dĩ vãng. Không những vậy, smartphone còn khiến doanh số mảng máy tính cá nhân sụt giảm và đồng thời lấy đi lượng người xem truyền hình đáng kể.

Với một chiếc smartphone kết nối Internet bạn có thể xem bất cứ gì mình muốn, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào thuận tiện. Rất nhanh chóng, các nhà quảng cáo đã tìm thấy một mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm của mình với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với truyền hình. Theo những dự báo của Zenith, lượng người dùng truy cập Internet đã tăng từ 40% vào năm 2012 đến 75% vào 2017 và dự kiến bùng nổ đến 78% vào 2017, khiến tương lai truyền hình truyền thống bị đe dọa nghiêm trọng.;

Với ưu điểm nổi trội, những tay chơi mới hùng mạnh này đã khiến truyền hình truyền thống phải lùi một bước trong cuộc chơi mà họ tưởng đã quen thuộc.

Luật chơi cũng thay đổi

Các đài truyền hình vẫn cạnh tranh với nhau, nhưng trên tất cả, họ phải đương đầu với mối đe dọa lớn hơn từ Internet.

Với những người chơi mới, phạm vi cuộc chơi đã không còn gói gọn giữa các đài truyền hình với nhau. Luật chơi cũng thay đổi. Chiến lược của các tay chơi cũng phải thay đổi để thích nghi với thời kỳ mới.

Trong hơn một năm qua, CEO Apple Tim Cook và bộ sậu luôn khẳng định rằng: "Tương lai của truyền hình là các ứng dụng". Trong sự kiện Hello Again mới đây, Apple cũng chính thức giới thiệu ứng dụng TV cho phép người dùng khám phá các chương trình truyền hình mới từ một ứng dụng duy nhất. Về cơ bản, ứng dụng này sẽ gắn kết với các dịch vụ mà người dùng có, từ Netflix cho đến FX hay Hulu, và cung cấp một điểm tập kết để tìm các chương trình mới để xem. Không những giúp bạn dễ dàng tìm kiếm chương trình muốn xem, ứng dụng này còn đề xuất các chương trình bạn nên xem. 

Người xem vẫn là tâm điểm của cuộc chơi, nhưng cách thức tiếp cận của các tay chơi đã thay đổi. Không còn cảnh người xem bị động với lịch phát sóng cố định của các đài truyền hình nữa, giờ đây họ có thể chủ động tạo ra lịch xem cho riêng mình. Nội dung của các chương trình vẫn quan trọng, nhưng cách thức họ xem sẽ quyết định tất cả.

Giờ đây, đừng hỏi khán giả muốn "Xem cái gì" nữa. Hỏi họ, muốn "Xem như thế nào?"

Hiếu Trung

Chủ đề khác