VnReview
Hà Nội

Làm việc tại Google không "lý tưởng" như chúng ta vẫn nghĩ

Được làm việc cho Google có thể coi là mơ ước của khá nhiều người bởi Google vẫn nổi tiếng trong ngành về các đãi ngộ như phục vụ bữa ăn miễn phí, giặt là ngay tại công ty, phòng mát-xa,... Tuy nhiên, chính những nhân viên của công ty lại khẳng định rằng, làm việc ở Google không sướng như mọi người vẫn tưởng.

Những phàn nàn của nhân viên trên forum Quora đã được trang DailyMail tổng hợp lại, bao gồm các chủ đề liên quan đến thức ăn, mối quan hệ giữa nhân viên với nhau hay môi trường làm việc toàn những người xuất sắc.

Thức ăn càng ngày càng tệ

Một số nhân viên thấy rằng thức ăn phục vụ tại trụ sở Mountain View đang ngày càng chán hơn. Họ nói, "10 năm trước chúng tôi còn được ăn sườn hảo hạng, sushi, gỏi, dừa tươi,… nhưng giờ đây chỉ toàn những món ăn chán phèo".

Vấn đề địa điểm của trụ sở công ty

Khu dân cư xung quanh Mountain View có chi phí rất đắt đỏ và các nhân viên chỉ có thể làm việc hay đi chơi với đồng nghiệp của mình. Mặc dù họ được ăn miễn phí, xung quanh có nhiều quán café, phòng tập gym,… nhưng dần dần khi luôn sử dụng những dịch vụ này thì họ sẽ chỉ ở trong công ty mà thôi. Ngày nào họ cũng chỉ có những hoạt động như vậy.

Joe Cannella, cựu kế toán của công ty nói rằng, "Về cơ bản, phần lớn cuộc sống của bạn liên quan đến mọi thứ ở Google. Ăn thức ăn Google, ngồi với các đồng nghiệp Google, mang các thiết bị của Google, nói chuyện theo phong cách Google, gửi Gmail trên điện thoại của Google. Mọi ngóc ngách cuộc sống của bạn gắn liền với Google. Dần dần bạn sẽ nhận ra cuộc sống mình bị bó hẹp trong bốn bức tường Google. Bạn được cung cấp mọi thứ bạn mong muốn, những càng về sau bạn nhận ra cái giá phải trả lớn hơn rất nhiều".

Công ty có quá nhiều nhân viên xuất sắc

Điều này làm cho những người giỏi nhất có thể phải làm những công việc bình thường nhất. Một cựu nhân viên chia sẻ: "Tôi đã từ bỏ công việc mà tôi đã làm được 7 năm bởi vì nó không hề mang lại cho tôi một thách thức nào. Là một người có 25 năm kinh nghiệm trong việc lập trình, quản lý và kỹ sư, nhưng tôi vẫn phải làm những công việc mà một sinh viên có 2 năm kinh nghiệm cũng làm được. Điều này làm tôi rất thất vọng".

Nhiều người thường đùa rằng việc khó nhất ở Google có lẽ là phần phỏng vấn xin việc. Có những sinh viên tốt nghiệp từ top 10 trường đại học danh tiếng nhất lại phải làm công việc hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm quảng cáo của Google, hoặc gỡ những nội dung bị đánh dấu khỏi trang YouTube, hay viết mã đơn giản.

Mặc dù không phải là không có việc gì để làm nhưng những công việc đó lại không hề cao siêu như mọi người vẫn tưởng. Những con người tài năng, nhiệt huyết và tuyệt vời cuối cùng lại không còn thời gian hay sức lực để làm những điều quan trọng nhất đối với họ.

Google quá lớn do vậy mỗi nhân viên khó có thể gây ảnh hưởng đến công ty

Một nhân viên đã từ chức sau 3 năm làm việc tại đây bởi người đó cảm thấy mình không hề tạo được ảnh hưởng lớn cho công ty. Suốt thời gian làm việc, sức ảnh hưởng của cá nhân đối với công ty là vô cùng hạn chế. Nhân viên đó chia sẻ, "Google là một cỗ máy in tiền khổng lồ từ quảng cáo. Trừ phi bạn là một kỹ sư cực kỳ tài năng có thể sáng tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ, còn không bạn chỉ đơn thuần là một người tra dầu cho cỗ máy đó mà thôi".

Thăng chức là điều rất khó xảy ra

Bạn có thể làm việc trong vòng 8 năm nhưng sẽ chẳng được thăng cấp. Một nhân viên cho biết: "Bạn có thể làm việc thật chăm chỉ, tùy bạn. Tôi biết rất nhiều người từng làm ở vị trí nhân viên kỹ sư phần mềm trong vòng hơn 8 năm nhưng họ chưa bao giờ được một lần thăng cấp".

Google toàn tuyển những người y hệt nhau. Những ứng viên này đều có chung đặc điểm về trình độ, tốt nghiệp từ 10 ngôi trường như nhau, cùng sở thích. Một nhân viên chia sẻ, "Trong thời gian 3 năm làm việc tại Google, tôi đã gặp không dưới 100 nhân viên như vậy và số người khiến tôi ấn tượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay".

Đối với một số người, vấn đề mệt mỏi nhất đó là nói chuyện với những người không làm việc ở đây.

Katy Levinson, cựu kỹ sư phần mềm, chia sẻ rằng thật buồn vì chẳng ai tin khi bạn nói Google không phải là nơi làm việc tuyệt vời. Cô cho biết tất cả mọi người từ mẹ cho tới người lái xe riêng đều hỏi vì sao cô lại rời khỏi công ty vì nếu làm việc ở đây thì mọi thứ đều rất hoàn hảo. Họ cho rằng cô rất may mắn khi được nhận vào Google và chẳng muốn nghe bất cứ lời giải thích nào từ cô.

Một nhân viên nói rằng, "Nhiều người cảm thấy tức giận như thể điều đó đã phá vỡ mọi hy vọng và ước mơ của họ, giống như một đứa trẻ biết được sự thật rằng ông già Noel không có thật. Hay có những người còn ganh ghét bạn chỉ đơn giản vì bạn có được một công việc quá lý tưởng trong khi họ thì không được tuyển dụng".

Jeff Nelson, người sáng tạo ra Google Chrome cho biết phần lớn những gì bạn nghe được về Google từ bên ngoài đều là nhảm nhí, nhưng buồn cười là những "tin vịt" kiểu vậy thường do chính nhân viên đưa ra vì nó giúp nâng cao danh tiếng cho công ty. Thậm chí những người "tô màu" về môi trường Google, thường gọi là Googley, lại được nhiều đồng nghiệp kính trọng.

Ngô Thủy

Chủ đề khác