VnReview
Hà Nội

Ngừng phát sóng truyền hình analog tại 15 tỉnh

Sẽ ngừng phát sóng truyền hình công nghệ tương tự mặt đất (truyền hình analog) tại nhiều tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ và Nam bộ trước ngày 1/7/2017.

Sơ đồ thu sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 - Ảnh tư liệu

Đó là nội dung được Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định tại phiên họp triển khai công tác năm 2017 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam ngày 14/2.

Theo đó, truyền hình analog sẽ ngừng phát sóng tại 15 tỉnh gồm Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang trước ngày 1/7/2017.

Các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn được phủ sóng bởi các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sau theo kế hoạch do Ban chỉ đạo xác định.

Trước đó, trong năm 2016, 12 tỉnh thành - trong đó có Hà Nội, TPHCM - đã tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình kỹ thuật số.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu để đảm bảo thời gian ngừng phát sóng cho các tỉnh giai đoạn 2 vào ngày 1/7 và giai đoạn 3 vào ngày 31-12-2017, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và các doanh nghiệp truyền hình là VTC, AVG, RTB, SDTV cần hoàn thành việc phát sóng DVB-T2 tại Ninh Bình, Bình Thuận và sớm triển khai việc phát sóng DVB-T2 tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận... để đảm bảo đúng tiến độ phát sóng truyền hình số mặt đất tại các địa phương này.

Đối với các hộ nghèo và cận nghèo sẽ được đảm bảo hỗ trợ đầu thu truyền hình số trước ngày 1/7/2017 - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, việc triển khai Đề án số hóa trên thực tế gặp một số khó khăn nhất định nên tiến độ thực hiện bị chậm so với lộ trình đã được phê duyệt. Số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 – 2020 lớn hơn nhiều so với theo tiêu chuẩn cũ. Do đó, kinh phí 1.710 tỷ đồng đã được phê duyệt tại Quyết định 2451/QĐ-TTg có thể không đáp ứng đủ nhu cầu hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại các địa phương trong thời gian tới.

"Một số tỉnh nằm trong diện sắp tắt sóng truyền hình mặt đất có địa hình phức tạp, việc số hóa truyền hình mặt đất sẽ khó khăn hơn và kém hiệu quả. Do đó, cần xem xét kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất với truyền hình qua vệ tinh tại các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa"- Ban chỉ đạo cho biết.

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề khác