VnReview
Hà Nội

Dấu ấn Việt Nam trong bom tấn Kong: Skull Island

Không phải tới khi bom tấn mới nhất về King Kong ra rạp, mà ngay từ khi các nhà làm phim Hollywood chọn Việt Nam làm một trong những bối cảnh cho Kong: Skull Island đã làm fan hâm mộ môn nghệ thuật thứ bảy này mong đợi được thấy tận mắt quê hương của mình trong phim.

King Kong là được lấy cảm hứng từ loài khỉ đột biến khổng lồ và sau đó được đưa vào nhiều tác phẩm. Với điện ảnh, King Kong đã nổi tiếng ngày từ lần đầu tiên lên màn ảnh vào năm 1933 dù thời đó mới chỉ là phim đen trắng. Sau đó, phim được làm lại vào năm 1976 và gần đây nhất là 2005. 11 năm sau, bộ phim bom tấn tiếp tục được hâm nóng và chính thức ra rạp tại Việt Nam vào hôm nay (10/3); sau một thời gian ghi hình ở Quảng Bình vào năm 2015.

Phim lấy bối cảnh vào thời điểm Mỹ lục đục tìm cách rút quân khỏi Việt Nam sau hiệp định Paris 1972. Cùng lúc, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ xác nhận sự tồn tại của một hòn đảo hoang sơ nằm trên vùng biển Thái Bình Dương và được tổ chức Monarch coi là "Đảo đầu lâu" (Skull Island) trong truyền thuyết. Phát hiện thấy có dấu hiệu tồn tại sinh vật khổng lồ trên đảo, hai thành viên của Monarch là Marlow và Brooks lập tức thuyết phục giới cầm quyền Mỹ tài trợ cho chuyến thám hiểm hòn đảo này với lý do đi trước Liên Xô một bước. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh đang diễn ra, chính phủ Mỹ gật đầu đồng ý.

Ngay lập tức, một nhóm quân đội Mỹ đang ở Việt Nam đứng đầu là chỉ huy Preston Packard (do Samuel L. Jackson thủ vai) cùng tay dẫn đường lão luyện James Conrad (tài tử Tom Hiddleston) và nữ nhiếp ảnh gia Mason Weaver (Brie Larson) được cử lên đường chinh phục miền đất hứa cùng nhóm Monarch đến từ New York. Háo hức là thế, nhưng có những điều mà họ không tiên liệu hết đã xảy ra. Địa ngục trần gian đã mở, liệu có có còn đường để quay lại khi mà họ đã tự mình mở cửa địa ngục?

Một vị vua mới được khai sinh?

Theo mô tả, King Kong sinh sống trên Đảo Đầu Lâu (Skull Island), một địa danh giả tưởng ở đâu đó trên Ấn Độ Dương và được cư dân nơi đây thờ cúng như một ông thần linh thiêng, bên cạnh nhiều sinh vật khổng lồ mà loài người chưa từng biết đến cũng trú ngụ tại hòn đảo này...

Xét về tầm hoành tráng của các khung cảnh thiên nhiên trong phim thì tác phẩm King Kong trước đó vào năm 2005 do đạo diễn Peter Jackson xây dựng ít nhiều hùng vĩ hơn so với bom tấn Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Tuy nhiên, điều đáng khen là Jordan Vogt-Roberts đã không đi theo lối mòn cũ với motip "Khỉ đột và người đẹp", mà với sự đồng thuận của Legendary Pictures và Warner Bros ông đã cố gắng làm mới bộ phim theo hướng tiếp cận khác.

Trong phim, sự thiện cảm của King Kong dành cho nữ diễn viên chính chỉ là thứ yếu, thứ quan trọng hơn là Kong tiếp tục truyền thống của gia đình khi giữ cân bằng hệ sinh thái "khổng lồ" ở đây, Kong cũng là chiếc "chìa khóa" cho sự sống của các cư dân bộ tộc ít ỏi trên hòn đảo hoang sơ nhưng dầy không khí chết chóc này. Một điểm mới nữa là bối cảnh bộ phim vào thập niên 1970, khi mà nước Mỹ đang rơi vào trạng thái khủng hoảng và tâm lý phản chiến được đẩy lên cao, tâm lý ấy ít nhiều lan sang cả binh lính Mỹ tham gia cuộc đổ bộ lên hòn đảo chết chóc ấy...

Kong không còn vô hồn chỉ biết dí theo cái đẹp một cách bản năng như trước, trong phim này bạn sẽ có dịp cảm nhận được tình cảm gia đình và tinh thần "vị vua" của loài sinh vật khổng lồ này, thống trị nguyên một hòn đảo đầy rẫy những sinh vật ăn thịt khổng lồ luôn chầu chực nuốt chửng mọi thứ có trước mắt. Trong bối cảnh đó, Kong đóng vai trò là kẻ canh giữ và là chúa đảo!

Một thoáng Việt Nam qua bom tấn của Hollywood

Khung cảnh ở Tú Làn (Quảng Bình), địa điểm quay "Kong: Skull Island" ngoài đời thực

Hiệu ứng kỹ xảo trên trường quay (on set) và các kỹ xảo trong phim (VFX) cũng như hậu kỳ (post-production) đều được thể hiện tốt, tuy nhiên chính vì tốt quá nên nhiều người có dịp đến địa danh Tú Làn ở Quảng Bình ngoài đời đều khó nhận ra những cảnh mà họ xem trên phim cũng được thực hiện từ đó.

Ngay ở trailer, khi nhìn từ trên xuống, đôi lúc vùng đảo này trông khá giống với vùng biển Hạ Long của Việt Nam với các quần thể núi non nhấp nhô rải rác trên biển. Cũng có thể vì thế mà thung cảnh thiên nhiên ở Đảo Đầu Lâu trong phim khá gần gũi với người Việt, nên nhiều người Việt nhận xét rằng khung cảnh thiên nhiên trong phim này không hoành tráng bằng tác phẩm cũ về King Kong năm 2005?!

Các khung cảnh trong phim Kong: Skull Island được quay ở Việt Nam

Phần phục trang (customer design) cũng được làm rất kỹ, tuy nhiên nhờ các bài báo và trailer trước đó nên bạn dễ nhận ra những diễn viên quần chúng lặng lẽ vào vai các thổ dân trên đảo ở trong phim. Điểm vui vẻ ở đây là bộ tộc do người Việt vào vai này sẽ... im lặng từ đầu tới cuối phim?! Không sao, viên sĩ quan già trên đảo John C. Kelly có giải thích rằng... bộ tộc này không thích nói nhiều. Trong quán bar, bạn có dịp nghe một vài đoạn chửi thề bằng tiếng Việt hiếm hoi trong phim, tiếc là nghe khá lơ lớ...

Bối cảnh bộ phim đặt vào thời điểm quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, nên Hollywood khá ưu ái khi đưa hẳn địa danh sân bay (quân sự) Đà Nẵng thời điểm đó vào phim, dĩ nhiên bạn hơi khó liên hệ hình ảnh thoáng qua của sân bay trong phim với sân bay hiện tại ở Đà Nẵng.

Một số diễn viên quần chúng người Việt trong phim

Cũng phải nói rằng các nhà làm phim Hollywood rất biết cách "câu view" khán giả, khi chỉ cần vài giây trên màn ảnh là đủ khiến nhiều người xem ở địa phương đó sung sướng như lên mây, trường hợp này tương tự vai diễn của nữ minh tinh Trung Quốc mang tính "trang trí" trong phim.

Một King Kong đáng để ra rạp

Cùng với câu nói của Brooks trong phim, "vùng đất này không thuộc về chúng ta, mà thuộc về những sinh vật khổng lồ đang chờ ngày trỗi dậy", các hình ảnh Billy được người lính ghi chép cận thận trong cuốn nhật ký và viên sĩ quan sau gần 29 năm đoàn tụ với gia đình là những điểm nhấn ấn tượng của bộ phim.

Nếu kỹ tính, bạn có thể thấy bom tấn Kong: Skull Island (2017) gần như là một "món ăn" thập cẩm, sự hòa trộn của nhiều tác phẩm trước đó. Vay mượn một chút từ các phim về chiến tranh Việt Nam như Apocalypse Now (1979) hay từ các bom tấn về quái vật khổng lồ như chính King Kong (2005) hay Godzilla (2014). Các nhà làm phim đã cố gắng kết nối chúng bằng những bạn nhạc rộn ràng của thập niên 1970 với những bản ballat như White Rabbit, Paranoid, Run Through the Jungle hay Ziggy Stardust...

Hình ảnh của phim khá mãn nhãn với các màn rượt đuổi giữa thú và người, cũng như những trận chiến hoành tráng của các sinh vật khổng lồ. Cốt chuyện còn hơi đơn giản và thời lượng phim hơi ngắn (chưa đầy 2 tiếng đồng hồ) có thể sẽ khiến một số người xem chưa cảm thấy thỏa mãn. Nhưng với người Việt, có lẽ yếu tố Việt Nam trong phim cũng đủ để họ bỏ qua tất cả để tới rạp.

Trailer phim Kong: Skull Island

Kong: Skull Island được khởi chiếu tại Việt Nam chính thức từ hôm nay (10/03/2017) trên các hệ thống rạp toàn quốc và được dán mác 13+ với tựa đề "Kong: Đảo Đầu Lâu". Nếu có thể, bạn nên chọn các suất chiếu 3D để thưởng thức trọn vẹn độ hùng vĩ và hoành tráng của các khung cảnh trong phim.

TM

Chủ đề khác