VnReview
Hà Nội

Kẻ ngáp người khóc với phim Dạ cổ hoài lang

Từ khi ra mắt trailer "Dạ cổ hoài lang", với uy tín của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng cảm xúc dồi dào mà trailer mang lại đã khiến khán giả không khỏi trông chờ vào bộ phim chuyển thể từ vở kịch kinh điển cùng tên này.

Thực tế thì Dạ cổ hoài lang đã thành công khi mang lại vai diễn điện ảnh "tử tế" đầu tiên cho nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoài Linh, sau bao nhiêu năm anh kiên trì với dòng phim… hài nhảm. Tuy mang lại nhiều cảm xúc cho phần đông khán giả, nhưng ở khía cạnh khác công tâm mà nói phim vẫn còn rất khá nhiều điểm đáng tiếc.

Chưa xem vở kịch Dạ cổ hoài lang trước khi thưởng thức phiên bản điện ảnh là một lợi thế cho khán giả để tránh khỏi sự kỳ vọng hoặc so sánh. Dạ cổ hoài lang giữ gần như nguyên tác kịch bản vở kịch nói cùng tên, có thể vì thế mà bộ phim bị thiếu trầm trọng tính chất điện ảnh do những sự khác biệt từ ngôn ngữ sân khấu.

Vẫn là câu chuyện về diễn xuất và kịch bản

Hầu hết thời lượng phim là cảnh đối thoại dài dòng của những con người trong căn nhà xung quanh 4 bức tường ngột ngạt, đỉnh điểm của sự "lười điện ảnh" là phân cảnh người cha kể về quá khứ cho cô con gái nghe, mặc dù đây là mấu chốt quan trọng nhất phim để gỡ khúc mắc giữa ba thế hệ nhưng lại chỉ được thể hiện sơ sài bằng lời thoại, chỉ cần lơ là một giây bạn cũng có thể bị bỏ sót câu chuyện và không hiểu gì nữa. Ngoài ra lời kể của người cha trong đoạn này cũng bị văn vẻ quá mức, rất thiếu tự nhiên.

Cặp đôi Chí Tài (bên trái) và Hoài Linh trong phim

Về Hoài Linh và Chí Tài khá hợp vai và ăn ý trong bộ phim này, ngoài ra cũng là gương mặt để đảm bảo doanh thu vì bộ phim được đầu tư kinh phí lớn khi quay ở nước ngoài. Nhiều khán giả đề cập đến NSƯT Thành Lộc, nhưng thiết nghĩ anh đã là một tượng đài của vai ông Tư vở kịch nói Dạ cổ hoài lang, thì hãy để anh ở vị trí đó và không nên tham gia phim này.

Hoài Linh và Chí Tài trong vai hai ông bạn già xa xứ đã mang lại vài tiếng cười nhẹ nhàng cho phim, nhưng điều khiến người xem khó chịu là cách nói chuyện liên tục "bỏ mẹ", "thấy mẹ", "bà mẹ",… Có thể ý đồ của đạo diễn là muốn thể hiện tính cách con người Nam bộ chân chất? Chửi thề là một điều bình thường nhưng tôi thấy cách thể hiện trong phim rất thiếu tự nhiên, chửi được mỗi từ "mẹ" mà chèn lặp lại vào quá nhiều câu nói, chửi một cách rất "tập tành".

Song song với tình tiết hài là những đoạn lắng đọng cảm xúc, nhưng có vẻ chưa tạo được sự đối lập rõ ràng giữa bi và hài, cộng thêm kịch bản hơi gãy gọn một màu buồn đều đều từ đầu đến cuối phim, có cảm giác phim cố ép người xem phải hiểu về tình cảm gia đình gì gì đó nhưng không đưa ra đủ lý do,không có điểm nhấn cao trào, nên chưa thực sự thuyết phục để lấy được sự đồng cảm của tất cả khán giả dành cho hai nhân vật này.

Thậm chí, tôi dành sự thông cảm dành cho người cháu gái nhiều hơn. "What is Que Huong" là câu hỏi bộc phát của cô cháu gái ở đoạn phim khi tranh cãi với ông nội, nhưng không nhận được câu trả lời, thì sẵn đây xin trả lời rằng "Quê Hương" là nơi ta sinh ra và lớn lơn, gắn liền với những kỷ niệm thời thơ ấu, vậy thì quê hương của cô cháu gái là ở Mỹ, là New York chứ không phải Việt Nam. Nên nếu thông điệp của bộ phim là muốn người trẻ nhớ về quê hương Việt Nam, thì có đang bị sai hướng không?

Hình ảnh và âm thanh

Về mặt hình ảnh, Dạ cổ hoài lang đã lấy được bối cảnh đẹp và lạnh lẽo của trời tuyết nơi xứ người, hay tái hiện sinh động thời thơ ấu của ông Tư, ông Năm ở miền quê sông nước. Và cũng lại có những điểm trừ lớn khi mặc dù được thực hiện trong vòng tới 3 năm nhưng chưa hoàn thiện như cảnh flycam bị giật, nhiều góc quay lặp lại thiếu sáng tạo, không có màu phim chủ đạo, các cảnh dùng kỹ xảo cực kỳ giả và không hòa hợp các cảnh quay thật trước đó,… Khiến cho hình ảnh bộ phim trông rất chắp vá, xem màn ảnh rộng mà cảm giác cứ như xem Youtube để chất lượng ở mức 1080p tự động rồi lâu lâu mạng yếu cái tự động tụt xuống... 240p vậy. Biết rằng quá trình quay tại nước ngoài đoàn phim sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng một khi đã lên màn ảnh rộng thì không thể tránh khỏi sự khó tính của khán giả.

Điểm sáng chỉnh chu nhất phim là âm nhạc. Bài ca Dạ cổ hoài lang được cất lên hai lần trong phim, một lần với giọng ca trẻ trên nền nhạc của vai ông Tư thời thanh niên, và lần hai ở gần cuối phim với lời ca mộc của Hoài Linh cùng Chí Tài. Đó cũng là khoảnh khắc cảm động nhất phim khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Ngoài ra cuối phim còn phát lên bài Đi để trở về của Soobin Hoàng Sơn với giọng ca nữ Uyên Linh rất hay và được thay đổi lời một chút để phù hợp với cảnh cô cháu gái đi về thăm Việt Nam.

Có nên ra rạp?

Phim là sự kết hợp giữa câu chuyện kinh điển về bi kịch của hai người bạn tha hương, với những lát cắt đan xen với hiện tại về sự khác biệt văn hoá Đông/Tây giữa các thế hệ người Việt ở trong và ngoài nước của những người bạn già, để rồi lại quay về với những ký ức của tuổi thơ với những buổi hát đình và chuyện tình tay ba chưa từng dám nói.

Nhìn chung, Dạ cổ hoài lang vẫn là một bộ phim tương đối chỉnh chu đáng xem, mang lại nhiều cảm xúc nhất là cho những người từng gặp hoàn cảnh tương tự - những người con đất Việt khi phải xa xứ, hay sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình,… Nhưng về tính điện ảnh thì chưa "đã", hay tính truyền tải thông điệp dành cho người trẻ cũng chưa thuyết phục. Bên cạnh những giọt nước mắt, cũng sẽ có một vài tiếng ngáp dài trong rạp khi bạn xem phim này, xen kẽ những tiếng thở dài tiếc nuối của cả một thế hệ...

Trailer chính thức của Dạ cổ hoài lang

Mazk

Chủ đề khác