VnReview
Hà Nội

Bất ngờ phát hiện hòn đảo chứa hơn 19 tấn rác thải từ biển

Đây là một thảm họa sinh thái khủng khiếp nhưng ít ai biết tới ở một nơi cách rất xa các thành phố, nơi con người sinh sống và xả mọi chất độc, rác thải xuống biển không ngừng.

Câu chuyện các bãi biển du lịch ngập tràn rác có lẽ không còn là điều quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên các bãi biển tại một hòn đảo nằm ở phía nam Thái Bình Dương dù còn khá nguyên sơ, không có con người sinh sống lại đang chứa tới hơn 19 tấn rác chưa được dọn dẹp. Đây là câu chuyện khá bất ngờ được tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences công bố mới đây.

Đài ABCNews dẫn nguồn từ hãng tin AP cho biết, bãi biển chứa đầy rác nằm trên đảo Henderson, thuộc quần đảo Pitcairn, V.Q Anh ở phía nam Thái Bình Dương. Đảo nằm giữa New Zealand và Chile, cách tới hàng ngàn cây số so với các thành phố gần nhất. Hòn đảo này cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Các nhà khoa học Úc chỉ ghé thăm hòn đảo này khoảng vài lần trong một thập kỷ. Và trong chuyến thăm mới nhất của các nhà khoa học, ước tính đã có khoảng 37 triệu mảnh nhựa trôi dạt vào bờ biển trên đảo.

Tổng cộng số lượng rác trên bờ biển lên tới 19 tấn và bao trọn toàn bộ bãi biển. Điều đáng nói hơn, ngoài chất thải nhựa xuất hiện trên bờ biển còn có một số lượng lớn rác thải khác bị chôn vùi dưới lớp cát sâu. Sau khi dọn dẹp và phân tích, các nhà khoa học cho biết, lượng rác kéo dài tới 10km và rộng 5km.

Hầu hết, rác thải trên đảo đều là các dạng nhựa dẻo, mảnh nhựa có kích thước nhỏ, dưới một milimet như lính đồ chơi, bật lửa, bàn chải đánh răng hay hàng trăm mũ bảo hộ lao động đủ màu sắc, kích cỡ. Thậm chí các nhà khoa học đã thấy một con rùa biển bị chết cạn do mắc trong lưới đánh cá, hay một con cua đang sống trong một hộp mỹ phẩm.

Những mảnh nhựa này là kết quả của từ việc tách ra khỏi các khối nhựa lớn trôi nổi trên đại dương. Theo các nhà nghiên cứu, số lượng rác thải này gần như cao nhất và chưa từng có trên thế giới.

Jennifer Lavers, trường nhóm nghiên cứu và hiện công tác tại ĐH. Tasmania, Úc cho biết, đảo Henderson nằm ở rìa một dòng xoáy thủy triều hay dòng hải lưu nam Thái Bình Dương. Điều này dẫn tới Henderson dễ dàng trở thành địa điểm tập kết rác thải trôi nổi trên đại dương.

Chia sẻ với hãng tin AP, Lavers tỏ ra khá bất an: "Số lượng rác thải nhựa đáng báo động. Chúng ta cần phải suy nghĩ lại mối quan hệ khi sử dụng đồ nhựa. Dù chúng được sinh ra để có thể tồn tại mãi mãi nhưng thực tế, chúng ta chỉ sử dụng một vài lần và quăng chúng đi".

Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho rất nhiều người hiện nay còn đang coi việc xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa một cách hời hợt và không bận tâm đến những hiểm họa có thể xảy ra.

Một cảnh quay khi các nhà khoa học khảo sát bãi biển ngập tràn rác tại Henderson

Tiến Thanh

Chủ đề khác