VnReview
Hà Nội

Đổi mã vùng số cố định ảnh hưởng thế nào đến người dùng?

Đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 3 sẽ diễn ra từ 17/6 đến 16/7, áp dụng cho 23 tỉnh thành phố. Trong đợt 3, đầu số Hà Nội sẽ đổi sang 24 thay vì 4 như trước. Tương tự vậy với Hồ Chí Minh mã vùng mới là 28 thay vì 8 như trước đây. Vậy điều này có ảnh hưởng thế nào đến người dùng viễn thông?

Hai giai đoạn đầu của kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại 59 tỉnh (riêng 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang được giữ nguyên mã vùng) đã được hoàn tất. Cụ thể, giai đoạn 1 (11/2 -13/3) với 13 tỉnh chuyển đổi mã vùng, và giai đoạn 2 (15/4 - 14/5) với 23 tỉnh.

Khi chuyển đổi mã vùng số cố định, số thuê bao sẽ được giữ nguyên và chuyển toàn bộ mã vùng cố định sang đầu số mới. Ví dụ, số cố định của Ban biên tập VnReview tại Hà Nội là 04.7308.7308, sau ngày 17/6/2017, nếu độc giả ở tỉnh khác gọi về sẽ phải quay số 024.7308.7308. Lúc này, mã vùng Hà Nội được bổ sung số 2 trước số 4.

Mã vùng điện thoại cố định trên toàn quốc đã bắt đầu được chuyển đổi từ ngày 11/2/2017

Theo Bộ TT&TT, việc chuyển đổi này là hoạt động nhằm đảm bảo kho số được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường và công nghệ. Tuy nhiên, điều người dùng đang rất quan tâm hiện nay là lợi ích của việc chuyển đổi mã vùng và những tác động của việc chuyển đổi này tới đời sống xã hội.

Đổi đầu số cố định, ai chịu thiệt?

Bộ TT&TT khẳng định việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao. Khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố), người dùng sẽ không thấy bất cứ thay đổi nào. Người dùng sẽ gặp đôi chút bất tiện với các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) bởi phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới. Con số này không lớn bởi theo các doanh nghiệp viễn thông, tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với một số tổ chức, doanh nghiệp thì việc thay đổi đầu số điện thoại cố định là cả một vấn đề. Bởi đầu số cố định không chỉ dùng để liên lạc, mà đối với một công ty, tổ chức thì còn là số định danh để tạo niềm tin cho khách hàng. Việc thay đổi mã vùng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải bỏ toàn bộ các bao bì, nhãn mác, card visit... đang dùng hiện nay và thay mới lại toàn bộ. Chi phí thiệt hại sẽ là rất lớn nếu doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng/chi nhánh trải dài ở nhiều tỉnh trên cả nước.

Chia sẻ với VnReview.vn, anh Trọng Đạt, đại diện một hãng taxi tại Hà Nội cho hay việc thay đổi đầu số khiến công ty anh phải điều chỉnh trên tất cả các biển quảng cáo, card visit, hóa đơn, dán decal trên thành xe: "Công ty chúng tôi hiện có hơn 300 đầu xe tại thị trường Hà Nội, việc thay đổi đầu số điện thoại khiến chúng tôi phải dán lại decal trên thân xe, tính trung bình chi phí cho mỗi xe cũng hơn 100.000 đồng, chưa tính chi phí thiết kế lại decal hay làm lại biển hiệu ở các chi nhánh".

Cũng theo anh Đạt, ngoài việc phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định thì điều quan trong khác là phải làm thay đổi thói quen gọi xe qua tổng đài của khách hàng. Đồng quan điểm, đại diện một hãng taxi khác cũng lo ngại rằng việc thay đổi đầu số cố định sẽ gây khó cho khách hàng, khi thời gian duy trì 2 đầu số song song hơi ngắn, chỉ có 30 ngày. Chính điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

Các hãng taxi sẽ phải thay đổi mã vùng số điện thoại trên xe.

Bên cạnh các hãng taxi, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi việc đổi đầu số cố định còn bao gồm nhiều doanh nghiệp, công ty khác có sử dụng các sản phẩm in ấn. Anh Quang Huy, nhân viên của công ty in ấn Nhật Quang, Hà Nội cho biết thông tin đổi mã vùng đã khiến một số khách hàng không khỏi bất ngờ: "Có khách hàng quen trong lĩnh vực hàng không mới nhận nhiều mặt hàng in ấn từ hai ngày trước, giá trị in khoảng lên tới 30 triệu đồng gồm danh thiếp, thư, quảng cáo, brochure... Khách hàng này dự kiến dùng trong một năm, nay nghe tin đổi mã vùng nên cảm thấy lúng túng". May mắn là công ty Nhật Quang chưa bắt đầu quá trình in ấn, nếu không, khách hàng trên sẽ chịu thất thu một khoản đáng kể.

Một nhân viên kinh doanh của công ty gỗ quốc tế tại Đồng Nai, nơi có mã vùng sẽ đổi hoàn toàn từ 61 sang 251 cho rằng sẽ rất phiền phức khi phải in lại các thông tin về số điện thoại nhưng không in thì không được. Tương tự, studio TMT tại Đà Nẵng cho rằng việc thay đổi số mã vùng điện thoại ảnh hưởng khiến cửa hàng phải thiết kế và in lại biển hiệu, album, khung ảnh… từ đó chi phí bị đội lên.

Nhiều biển hiệu, biển quảng cáo sẽ phải làm lại

Sự lãng phí khi bỏ cũ và chi phí làm mới khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại tài chính. Chưa kể là rắc rối với các hệ thống ngân hàng. "Đa phần các đối tác nước ngoài, trong nước đều liên lạc qua điện thoại di động. Nhưng các ngân hàng lúc nào cũng dùng fax các chứng từ cho chắc chắn. Vì vậy, số điện thoại bàn và số fax lại phải được duy trì và cập nhật", anh Bùi Ngọc Tuyên, công ty Goldsun Focus Media nêu lên một thực tế khác.

Giải pháp giảm thiểu tác động của chuyển đổi mã vùng

Trên Zing, Bộ TT&TT cho biết việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại Việt Nam tuân thủ theo khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Quy trình chuyển đổi tiến hành theo 4 bước gồm thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan quản lý viễn thông các nước và ITU trước thời điểm chuyển đổi tối thiểu 60 ngày, thực hiện việc quay số song song trong 30 ngày từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi, duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song và kết thúc duy trì âm thông báo.

Chia sẻ thêm về biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc chuyển đổi mã vùng, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng cục Viễn thông cho biết: "Ngay khi ban hành quy hoạch vào cuối 2014, Cục đã làm việc chặt chẽ với tất cả các doanh nghiệp viễn thông, cả cố định và di động, cùng nhau bàn bạc đưa ra phương án để đưa ra quy hoạch vùng như bộ trưởng đã ký. Các doanh nghiệp có liên quan đều phải tham gia, làm việc nhiều buổi để thống nhất ban hành kế hoạch cụ thể".

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng chia sẻ rằng chỉ đến khi các doanh nghiệp đã sẵn sàng, bộ mới công bố kế hoạch cho việc chuyển đổi mã vùng. Ông cho biết thời điểm hiện tại cả bộ và người dùng đều có thể tương đối an tâm. Bên cạnh đó, Bộ cũng góp ý doanh nghiệp về kế hoạch thông tin tuyên truyền, chẳng hạn cung cấp thông tin cho đại lý về bảng chuyển đổi mã vùng, yêu cầu doanh nghiệp tập huấn bộ phận chăm sóc khách hàng để hỗ trợ người dùng.

G.L

Chủ đề khác