VnReview
Hà Nội

Mối nguy từ smartphone xách tay

Smartphone xách tay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng và thậm chí an ninh quốc gia.

Thời gian gần đây, người ta phát hiện một số smartphone xách tay của một thương hiệu Trung Quốc có cài đặt sẵn phần mềm bản đồ định vị của Trung Quốc. Chuyện đáng quan tâm là bản đồ biển Đông trong ứng dụng này có thể hiện "đường lưỡi bò" mà chính quyền Trung Quốc đang khai thác để áp đặt yêu sách chủ quyền tới 90% lãnh hải biển Đông, bất chấp nơi đó thuộc chủ quyền của một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Ngoài ra, smartphone xách tay còn cài nhiều ứng dụng chứa mã độc đe dọa an ninh thông tin người dùng.

Ẩn chứa nhiều ứng dụng, phần mềm "lạ"

Các cơ quan chức năng đã phối hợp cùng các nhà phân phối truy nguyên thì số smartphone có vấn đề này không phải là hàng được bán qua kênh chính thức. Giới chuyên gia cho biết đó là hàng trôi nổi dù do chính hãng sản xuất nhưng là phiên bản bán tại thị trường nội địa được "xách tay" vào Việt Nam. Các thiết bị này được cài sẵn những phần mềm, ứng dụng mà người Trung Quốc quen xài.

Trong khi đó, các hãng smartphone Trung Quốc và các nhà phân phối chính thức của họ ở Việt Nam đều khẳng định tất cả sản phẩm được bán hợp pháp ở Việt Nam là phiên bản quốc tế, không cài đặt sẵn các ứng dụng nội địa Trung Quốc. Các smartphone bản quốc tế này được cài đặt sẵn hệ điều hành Android với những ứng dụng của Google mà bản nội địa không có (vì các ứng dụng như Google Search, Google Maps… bị cấm sử dụng ở Trung Quốc).

Nhiều thiết bị di động được bày bán tràn lan trên thị trường Ảnh: Hoàng Triều

Từ nhiều năm nay, trên thị trường di động Việt Nam tràn ngập những thương hiệu Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam bán với giá cực rẻ so với giá chính thức cùng loại. Trong số đó, có những thương hiệu chỉ bán ở Trung Quốc và có nhiều loại hàng nhái, hàng giả. Chẳng ai kiểm soát được chúng đã được cài đặt những phần mềm gì. Thậm chí nếu chúng được ai đó gắn sẵn những con chip do thám, cài đặt sẵn các phần mềm gián điệp, mã độc hại thì cũng thoải mái hoạt động khắp cả Việt Nam vì không phải qua kiểm tra hợp chuẩn và có nguồn bảo đảm như hàng chính thức.

Chính các thương hiệu Trung Quốc đang hoạt động chính thức ở Việt Nam lâu nay cũng phải đau đầu trước hàng nhập lậu từ Trung Quốc, đặc biệt là có cả những mẫu mã chính hãng nhưng chỉ dành cho thị trường nội địa. Nếu nghĩ rằng họ không quan tâm vì dù bán ở đâu cũng là bán sản phẩm của họ thì có lẽ là khiên cưỡng. Làm ăn đàng hoàng trên quy mô quốc tế chẳng ai làm thế. Ngay cả hãng Apple của Mỹ, họ cũng chẳng chấp nhận bảo hành cho những sản phẩm dành cho thị trường Mỹ mà đem về bán ở Việt Nam.

Chúng tôi đã gửi câu hỏi cho nhiều hãng smartphone Trung Quốc đang kinh doanh chính thức ở Việt Nam về vấn đề này. Bà Michelle Xu, Giám đốc thương hiệu Coolpad, cho biết: "Coolpad cấm triệt để hành vi buôn lậu sản phẩm của mình vì sẽ gây tổn hại cho lợi ích của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Việc bán giá rẻ hơn sẽ làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới các nhà phân phối, nhà bán lẻ hợp pháp, người dùng không được bảo hành. Chúng tôi kiểm soát ngay từ nguồn và các kênh bán sản phẩm của mình. Chỉ có các kênh được chính trụ sở Coolpad chứng thực trực tiếp hay gián tiếp mới có quyền quản lý sản phẩm thương hiệu chúng tôi. Chúng tôi phát hiện và có thể khởi kiện những ai buôn lậu và bán trái phép sản phẩm Coolpad trên bất cứ thị trường nào".

Cần kiểm soát nội dung bên trong

Việc thị trường smartphone xách tay không có gì bảo đảm về chất lượng cũng như các quy chuẩn quốc tế sẽ mang lại nhiều nguy cơ trước mắt lẫn lâu dài. Điều đáng nói là lâu nay, ngay chính các cơ quan quản lý có lẽ chỉ nhìn vấn đề hàng công nghệ nhập lậu dưới góc độ kinh tế: làm thất thu thuế, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh hợp pháp... Ngay các cửa khẩu kiểm soát nhập khẩu cũng chỉ dừng ở mặt kỹ thuật và công nghệ. Đó là lý do việc phát hiện thiết bị có gắn thêm những con bọ độc hại (gián điệp, thu thập thông tin và dữ liệu gửi về máy chủ ở nước ngoài) thường chỉ từ những báo động ở nước ngoài hay do chính các nhà phân phối tự kiểm tra. Trước nay, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe tin sản phẩm của một hãng nào đó bị nhúng vào firmware, BIOS - những mã độc hại tạo ra nguy cơ an ninh, bảo mật cho người dùng.

Tuy nhiên, dưới góc độ chính trị, xã hội, hàng trôi nổi có thể gây ra nhiều rủi ro, thậm chí sinh mạng người sử dụng. Chúng cũng là một cửa ngõ xâm nhập trong cuộc chiến công nghệ cao giữa các nước. Chẳng hạn như những thiết bị di động nhập lậu trở thành phương tiện phát tán rộng rãi bản đồ "đường lưỡi bò" xâm hại chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, chẳng ai biết chúng thải ra những chất độc hại nào và biến Việt Nam thành một bãi rác công nghệ nguy hiểm.

Vì thế, cuộc chiến chống hàng nhập lậu không chỉ là để bảo vệ nền kinh tế, thị trường mà còn bảo vệ sự an toàn của người dùng, môi trường sống, thậm chí an ninh quốc gia.

Khó loại trừ được "phần mềm lạ"

Theo các chuyên gia viễn thông, hiện vẫn có nhiều smartphone xách tay được cài các "phần mềm lạ" như phần mềm nghe lén, gián điệp, mã độc… vào sâu bên trong bộ nhớ của máy. Do đó, người dùng không thể gỡ bỏ, thậm chí cài lại một phiên bản hệ điều hành khác cũng không thể loại trừ các "phần mềm lạ" này. Phát hiện các smartphone xách tay mà có "phần mềm lạ", người dùng nên mang đến cho các chuyên gia an ninh mạng kiểm tra. Các chuyên gia sẽ xác định được các "phần mềm lạ" này là gì và có hướng xử lý để giúp người dùng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có giải pháp xử lý triệt để.

Theo báo NLĐ

Chủ đề khác