VnReview
Hà Nội

Hãy học cách nói "Tôi không biết" nếu bạn muốn trở nên thông minh hơn

Việc bạn không biết hết mọi thứ không phải là điều quá khủng khiếp như bạn nghĩ đâu.

Có một câu chuyện thần thoại cổ, trong đó Socrates, nhà hiền triết vĩ đại của Hy Lạp, đã được Pythia, Nhà tiên tri của Delphi công nhận là người thông thái nhất trên đời. Nhưng điều đáng chú ý chính là phản ứng của Socrates: "Tôi chỉ biết một điều duy nhất là tôi chẳng biết gì cả".

Nếu Socrates còn sống đến ngày hôm nay, chắc hẳn là ông sẽ rất thất vọng. Chúng ta dường như đang sống trong một thế giới mà mọi người đều luôn chắc chắn và không bao giờ có ý định thừa nhận sai lầm của mình. Có vẻ như điều quan trọng hơn cả là chọn lấy cho mình một quan điểm, thay vì thực sự hiểu được nội dung của quan điểm đó.

Bằng cách nào đó, chúng ta đã quyết định rằng việc đặt niềm tin một cách mù quáng cũng được, thay vì suy nghĩ một cách thấu đáo và nghiêm túc. Và nếu bạn không chọn "phe" ngay lập tức, bạn sẽ bị cô lập hoặc bị cho là ngu dốt.

Điều này không hề mới với thế hệ chúng ta, nhưng nó đã bị internet khuếch đại. Chúng ta cảm thấy quá tự tin về một thứ gì đó và sự tự tin ấy làm giảm đi tầm nhìn, để chúng ta có thể nhìn được những mặt khác của sự việc. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta không có khả năng chấp nhận sự thật rằng chúng ta không thể biết hết mọi thứ, và thường thì chúng ta sai.

Đó là một vấn đề rất lớn.

Tính phi lý của sự chắc chắn

Mọi thứ mà chúng ta nhìn thấy và quan sát xung quanh chỉ là tương đối. Những giác quan của chúng ta chỉ cảm nhận được một phần nhỏ của các thông tin có trong môi trường của chúng ta, và não bộ của chúng ta xử lý một cách có ý thức một phần còn nhỏ hơn nữa.

Có những mùi ở xung quanh chúng ta mà mũi không thể ngửi được, có những cảnh tượng để chứng kiến vượt ra ngoài tầm nhìn của đôi mắt chúng ta, có những âm thanh mà chúng ta không bao giờ có thể nghe được một cách đầy đủ và có cả những tiềm thức trong tâm trí mà chúng ta không thể chạm đến.

Đây là một điều mang tính cốt lõi. Với những gì mà sự tương tác của chúng ta tới thế giới và hệ tư tưởng ở thời điểm hiện tại mang lại, chúng ta lại càng không thể với tới được sự hoàn hảo của tri thức.

Không ai trong chúng ta lúc nào cũng đúng. Sự chắc chắn chỉ là một ảo tưởng, và không có gì đáng xấu hổ khi mắc sai lầm cả vì về bản chất, toàn bộ nhận thức của chúng ta về thế giới là sai. Theo thời gian, chúng ta trở nên tiến bộ và phát triển bằng cách mắc ít sai lầm hơn. Chúng ta cảm nhận xung quanh, thử nghiệm và tự đặt câu hỏi cho chính mình cho đến khi đạt được mục đích.

Sự bấp bênh không phải là thứ cần phải tránh, mà là công cụ để đưa ra những quyết định tốt hơn.

Sự "sáp nhập" mù quáng

Cách mà chúng ta thường dùng để che giấu đi sự khó chịu về sự không chắc chắn là thông qua "sáp nhập". Trong nhiều trường hợp, khi chúng ta chưa có một ý kiến hoàn chỉnh, việc ta nhìn vào các hệ tư tưởng khác, những nhóm người đã được công nhận là điều dễ hiểu, bởi họ đã tìm được những chứng cứ xác đáng cho ý kiến của mình. Đây là một phương pháp hữu ích để học hỏi – quy tắc Ngón tay cái (rule of thumb, kĩ thuật dựa vào kinh nghiệm để giải quyết vấn đề, nghiên cứu hoặc khám phá) nếu bạn muốn biết tên – và khi vấn đề không lớn, việc "đi tắt" như vậy có vẻ như chẳng làm hại đến ai cả.

Suy nghĩ là một công việc khó khăn, tiêu tốn nhiều năng lượng, và nguồn năng lượng này cần phải được tiết kiệm mỗi khi có thể. Vấn đề là khi bạn theo chủ nghĩa tự do (Liberal) hay bảo thủ (Conservative), bạn lấy một cá nhân hoặc tập thể nào đó để xác lập thế giới quan, thay vì phải tự hỏi chính bản thân mình để tự đưa ra một cái nhìn riêng biệt.

Nếu những quan điểm này có tầm quan trọng to lớn, theo thời gian, chúng ta sẽ trở nên gần gũi với chúng hơn, và cuối cùng hình thành một mối quan hệ với một thứ mà chúng ta còn chưa đặt câu hỏi về nó. Đó không phải là cách để sống.

Mọi người đều được tạo nên từ những kinh nghiệm độc nhất của họ, và không có kinh nghiệm nào có thể phù hợp một cách tuyệt đối với một người hay một hệ tư tưởng nào khác. Thà bạn không có ý kiến gì, còn hơn theo đuổi ý kiến của người khác một cách ngây thơ và mù quáng.

Giá trị của "Tôi không biết"

Nếu bạn nghĩ về nó, thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình cũng là một cách để tăng sự hiểu biết. Đôi khi, câu trả lời tốt nhất chỉ đơn giản là "Tôi không biết." Nhưng đó không phải là lí do để bạn thờ ơ hoặc trốn tránh việc đưa ra các quyết định khó khăn. Nó chỉ là lựa chọn để bạn có thể giữ vững lập trường về khả năng và nhận thức của mình.

Ở bất kì lúc nào cũng có quá nhiều thông tin mà chúng ta không có thể tiếp thu hết. Sẽ có những điều mà bạn không hiểu. Nếu chúng không liên quan đến bạn, không biết cũng không phải là điều quá tồi tệ, còn nếu có, tốt hơn hết là bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ. Điều này tuy có vẻ rất trực quan và dễ hiểu, nhưng phần lớn mọi người đều hiếm khi cảm thấy thoải mái khi mình không biết một điều gì đó. Thay vào đó, họ cố gắng ghi nhớ tất cả mọi thứ.

Họ tự tin với một điều mà họ không có nền tảng vững chắc, và mỗi khi bị thách thức, họ chọn cách chắc chắn thay vì đắn đo cân nhắc. Về lâu dài, "chiến thuật" này sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp. "Tôi không biết" không chỉ giúp bạn giữ vững lập trường về khả năng và nhận thức của bản thân mà còn làm giảm nguy cơ bị gây thương tổn (hay bạn có thể nói một cách vui vẻ hơn là "cái miệng làm hại cái thân"). Không có lí do gì để bạn bảo vệ một điều mà mình không biết chắc chắn cả.

Lời kết

Cuộc sống luôn phức tạp và lộn xộn, và nếu bạn không biết hết mọi thứ cũng không sao cả. Sẽ tốt hơn nếu bạn dành thời gian để tự hình thành cho mình một quan điểm riêng, và khả năng thừa nhận sai lầm của bản thân cũng là thứ vô cùng hữu ích. Chúng ta sống trong một thế giới tràn ngập những ý tưởng và quan điểm, nhưng không phải tất cả đều tốt và phù hợp với tất cả mọi người. Hãy đặt ra các câu hỏi, và đừng ngại thay đổi ý kiến của mình. Chẳng có luật nào cấm bạn làm điều đó cả.

Không ai có thể tiến bộ bằng cách đứng im tại chỗ, và chúng ta không tạo ra con người mình ngày hôm nay bằng cách chỉ đưa ra các quyết định đúng đắn. Mọi thứ đều là những thử thách và sai lầm, và nếu bạn thực sự muốn hiểu được thế giới, bạn phải thoải mái với điều đó. Hãy cứ mở lòng mình ra bạn nhé!

Văn Hoàn (Theo Quartz)

Chủ đề khác