VnReview
Hà Nội

Tạn mạn về chuyện "đào coin" ở Sài Gòn

Thị trường tiền ảo đang có những biến động khó lường, giá trị đồng Bitcoin lên xuống thất thường trong khi một sàn tiền ảo đã bị hack liên tiếp 3 lần trong vòng vài tuần qua. Tuy nhiên, tại Việt Nam làn sóng ngầm "cày coin" vẫn tiếp tục diễn ra nhộn nhịp bất chấp mưa bão ngoài trời.

Một tiệm Pizza ở TP.HCM chấp nhận thanh toán bitcoin và có hẳn cả cây ATM để giao dịch bitcoin

Hiện nay thị trường tiền tệ đã mở sang một bước ngoặt mới khi đồng tiền giao dịch không còn chỉ nằm trên các đồng bạc mà còn được "tiến hóa" qua một loại tiền điện tử mới được gọi chung là "tiền ảo" và tiêu biểu trong số đó là Bitcoin, một đồng tiền ảo phổ biến nhất hiện nay.

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, đồng Bitcoin (BTC) có những lúc xuống chạm ngưỡng gần 2000 USD/1 BTC, nhưng rồi lại leo vọt lên mức hơn 3000 USD/ 1 BTC trước khi hạ xuống mức 2765 USD tại thời điểm viết bài này.

"Cày coin" và lướt sóng...

Tại Việt Nam, phong trào chơi tiền ảo mới chỉ bắt đầu trong một vài năm trở lại đây nhưng đã thu hút khá nhiều người "săn bit". Muốn cày Bitcoin thì tốt nhất là dùng máy chuyên dụng và theo người viết được biết thì hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có máy này. Theo một người chơi Bitcoin tại TP.HCM, ở Việt Nam người ta không cày Bitcoin mà cày các loại coin khác như ETH, ZEC... sau đó chuyển vào ví rồi quy đổi về Bitcoin, giờ đây Bitcoin đã trở thành một loại tiền tệ chung mang tính phổ biến nhất trong thế giới tiền ảo, tương tự như đồng USD, EUR của tiền tệ vật lý.;

Một dàn cày coin ở TP.HCM (Ảnh: Nguyễn Nam)

Để thu được Bitcoin, người chơi phải đầu tư hệ thống máy tính mạnh, tập trung vào vi xử lý và nhất là dàn card đồ họa (VGA) khủng để giải các thuật toán tạo ra tiền ảo. Ngoài CPU và VGA, hiện người đào tiền ảo còn đầu tư vào cả ổ cứng để "cày coin" nữa.

Số tiền để đầu tư không có giới hạn, nhưng để có thu nhập kha khá trở lên thì cần ít nhất một dàn card đồ họa tầm 6-8 card trở lên cùng với CPU khủng, chưa kể hệ thống làm mát (quạt và điều hòa). Dàn máy càng khủng thì càng đào nhanh, thường người ta dùng hệ điều hành Linux để "cày" và chạy loại coin nào đó tương ứng. Với sự đầu tư như vậy, hóa đơn tiền điện hàng tháng từ vài triệu tới vài chục triệu đồng là bình thường.

Thông thường, người dùng phải cày được một lượng coin nhất định, ví dụ ETH (đồng Ethereum) chẳng hạn, người ta phải cày được 1 ETH thì tiền từ Pool (mỏ coin) mới chuyển về ví tiền ảo của người cày. Tốc độ cày tùy giá trị coin và cả giá trị của dàn "trâu cày" (ám chỉ trang thiết bị và cụ thể là dàn card đồ họa) vì việc này diễn ra tự động. Tuy nhiên, dân chơi coin phải biết thế mạnh của thiết bị để cày các loại coin tương ứng vì mỗi hãng chip đồ họa lại có thế mạnh riêng (và chạy tốt với một loại coin riêng).

Biến động của đồng coin ETH trong thời gian qua trên sàn giao dịch Poloniex (Ảnh chụp màn hình)

Ví dụ, các card đồ họa dùng chip AMD thường được dùng để đào các coin như ETH, ETC, DCR, EXP... Trong khi các card đồ họa NVIDIA thường được dùng để cày các loại coin như ZEC, ETC, SC… Tất nhiên, bạn có thể dùng card NVIDIA để đào ETH, DCR… được nhưng tốc độ nhưng tốc độ không bằng AMD và ngược lại. Liệu các hãng card đồ họa có liên quan tới các đồng coin này?

Cũng giống như khoáng sản, ai đào được thì đào, không đào được thì mua bán. Tại Việt Nam người chơi tiền ảo chủ yếu tập trung vào hai hình thức là đào coin và trade coin (mua bán coin). Ngoài ra, trong trade coin cũng phân loại ra hai loại là lướt sóng (mua đi bán lại giữa các coin để kiếm chênh lệch nhờ vào biến động giá) và giao dịch ký quỹ (margin). 

Anh Tấn Lộc – một người chơi và "cày" coin hơn một năm nay ở TP.HCM cho biết, tính trung bình, đầu tư tầm 50-60 triệu đồng một tháng thì sau khi trừ vốn và tiền điện mỗi tháng người chơi có thể bỏ túi 5-6 triệu đồng tiền lãi, tuy nhiên việc kiếm coin ngày càng khó khăn khi người chơi ngày càng nhiều. Cũng theo anh Lộc, tại TP.HCM có không ít người cày coin đang nắm giữ tầm 40-50 BTC, trong khi tỷ giá hiện tại là 1 BTC gần bằng 2.765 USD.

Để quy đổi ra tiền, người chơi trong nước sẽ phải tìm đến các kênh giao dịch trung gian. Hiện phổ biến nhất là các kênh giao dịch trực tuyến, các kênh này sẽ đứng ra thu mua coin hoặc bán lại coin cho người mua để hưởng chênh lệch. (Ảnh chụp màn hình một sàn giao dịch tiền ảo dành cho người chơi trong nước)

Trong khi đó, hình thức đầu tư dễ thở hơn là chơi mua bán coin, hình thức này người chơi không cần phải mua sắm các phần cứng khủng để "đào coin" nhưng lại phải luôn theo dõi biến động và nắm bắt tốt các thông tin về các loại coin, để mua vào khi coin xuống thấp và bán ra khi coin "lên đỉnh" thông qua các sàn giao dịch nước ngoài như Poloniex, Bitrex.... Để chơi lướt sóng hoặc margin, người chơi còn phải dõi theo các "cá mập" - thuật ngữ chỉ những người chơi tung lượng tiền lớn thâu tóm hoặc bán ra lượng coin lớn nhằm thao túng giá trị của coin - để có những điều chỉnh giao dịch kịp thời. Nếu thuận lợi, việc kiếm tiền theo hình thức này cũng không hề tệ chút nào, thậm chí tại TP.HCM có những người kiếm được cả chục triệu đồng trong vòng một buổi.

Vẫn chủ yếu là "chơi" theo phong trào

Các diễn biến phức tạp vừa qua cho thấy, giá trị Bitcoin phụ thuộc rất nhiều vào các tin tức và chính sách liên quan. Khi một chính phủ cấm đoán hay đưa ra các chế tài hạn chế thì nó sẽ rơi giá, trong khi chỉ cần một sự kiện hacker tống tiền rồi đòi chuộc bằng coin như vụ WannaCry lại lập tức đưa giá trị Bitcoin lên đỉnh! Các chuyên gia về lĩnh vực thanh toán trong nước nhận định rằng, trong bối cảnh ngân hàng nhà nước đang lưỡng lự phương án chấp nhận hoặc không chấp nhận giá trị tiền ảo thì sẽ khó bảo vệ quyền lợi cho các bên khi xảy ra tranh chấp trong trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến Bitcoin và các đồng tiền ảo khác.

Tuy nhiên, giá trị của tiền ảo không chỉ nằm ở Bitcoin hay một đồng coin ảo nào cả mà giá trị lớn nhất nằm ở thuật toán quản lý blockchain, thứ được coi là tương lai của thanh toán điện tử cũng như quản lý công. Tất nhiên, đó chỉ mới là triển vọng, còn khả năng thực thi đến đâu thì còn phù thuộc rất nhiều vào nỗ lực chung của các bên liên quan.

Một người mới chơi "lướt sóng" thường đầu tư nhiều vào các coin... an toàn

Tại Việt Nam, dù chỉ mới manh nha chập chững "tập chơi", nhưng nhiều người đã "cúng" kha khá tiền bạc vào đồng tiền ảo, một số người may mắn thì kiếm lời được kha khá và phất lên nhờ nó, nhưng cũng có không ít người tán gia bại sản chỉ vì tiền ảo. Chưa kể gần đây còn nảy sinh một số đối tượng và tổ chức lừa đảo, mạo danh các sàn giao dịch/huy động vốn để lừa gạt người chơi thiếu kiến thức, một số khác thì biến tướng trở thành các tổ chức "lừa đảo đa cấp" về tiền ảo. 

Theo nhận định của một người chơi Bitcoin lâu năm như anh Lộc, "hiện tại Việt Nam nói chung và ở Sài Gòn nói riêng chủ yếu là người ta chơi theo phong trào. Cụ thể, có rất ít người chơi có kiến thức rõ ràng về những loại coin mà họ đang nắm giữ. Thay vào đó, nhiều người đang cố gắng tạo ra các group (nhóm) lớn, như một biến thể để thổi giá các loại coin rác (coin tạp ít giá trị và chưa đủ độ uy tín)". 

Một cây ATM dành riêng cho giao dịch Bitcoin ở một tiệm Pizza ngay góc đường Nguyễn Trung Trực giao với CMT8, Q1, TP.HCM

Ở một diễn biến khác tích cực hơn, đã có ít nhiều dấu hiệu cho thấy một số đơn vị có ý định nghiêm túc với tiền ảo. Như một cửa hàng đã nhập hẳn vài cây ATM dành riêng cho giao dịch Bitcoin về nước và hiện đang được đặt ở một tiệm Pizza ở TP.HCM, tuy nhiên đây chỉ là những nỗ lực của cá nhân mang tính tự phát chứ chưa có được sự tham gia của nhiều tổ chức và cơ quan trong nước. Trong khi chờ đợi người chơi cần tỉnh táo và lựa chọn thời điểm cũng như đồng coin phù hợp nếu muốn gia nhập.

TM

Chủ đề khác