VnReview
Hà Nội

Xem Instagram có thể biết sức khỏe tinh thần của người dùng

Những bức ảnh Instagram của bạn có thể nói lên rất nhiều điều liên quan đến cuộc sống của bạn. Một trong số đó là việc bạn liệu có đang bị trầm cảm hay không.

Theo TheVerge, một nghiên cứu mới gần đây cho thấy những người có tiền sử trầm cảm thường chia sẻ nhiều ảnh lên Instagram hơn, và những bức ảnh họ chia sẻ thường sử dụng ít bộ lọc màu, thường thiên về màu tối và xám hơn thông thường. Kết quả nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí EPJ Data Science, đã rút ra kết luận Instagram và các mạng xã hội khác có thể được sử dụng như những công cụ hữu hiệu để tìm phát hiện ra những biểu hiện xấu về mặt tâm thần của con người.

Trước đó, nhiều nghiên cứu khác cũng đã cho thấy những dòng trạng thái trên Twitter hay Facebook có thể chỉ ra chủ nhân của chúng liệu có đang bị trầm cảm hay không. Còn ở nghiên cứu này, thay vì dựa vào dữ liệu câu chữ, các nhà khoa học nhắm vào dữ liệu liên quan tới hình ảnh thị giác. Các nhà khoa học tại trường đại học Harvard và Vermont đã bỏ công tìm kiếm trên hơn 43.000 bức hình của hơn 166 người dùng, trong số đó có 71 người có tiền sử trầm cảm.

Họ đã sử dụng thuật toán máy tính để phân tích sắc độ màu, độ sáng, bộ lọc màu, cũng như dấu hiệu khuôn mặt (nếu có) trên các hình ảnh do người dùng chia sẻ. Kết quả được hiển thị trong đồ thị như ảnh trên: những người bị trầm cảm thường chia sẻ nhiều ảnh hơn, và ảnh của họ thường có các sắc thái màu xanh hơn, tối hơn và nhiều màu xám hơn. Họ cũng sử dụng ít bộ lọc màu của Instagram hơn, nếu có thì thường chọn bộ lọc Inkwell - bộ lọc sẽ biến hình ảnh trở thành trắng đen. Ngược lại, những người vui vẻ khoẻ mạnh thì thích bộ lọc Valencia hơn, bởi bộ lọc này làm màu sắc trong rực rỡ hơn.

Những người trầm cảm cũng thường chia sẻ hình ảnh có khuôn mặt trong đó, nhưng so với những người khoẻ mạnh thì số lượng khuôn mặt trong một bức hình thường ít hơn. Theo các nhà khoa học thì đây có thể là dấu hiệu của một người bị trầm cảm "giao tiếp xã hội trong một phạm vi hẹp hơn".

Tất nhiên, kết quả nghiên cứu này không áp dụng cho tất cả mọi người dùng, bởi tuy các nhà khoa học phân tích hàng ngàn bức hình, tất cả chúng đều chỉ xuất phát từ một số lượng nhỏ người dùng. Những người dùng này cũng giới hạn trong một số tiêu chuẩn bắt buộc của nghiên cứu như: thường xuyên sử dụng Instagram, sẵn sàng chia sẻ toàn bộ lịch sử quá trình chia sẻ trên Instagram, hay họ có từng đi khám về triệu chứng trầm cảm chưa. Những người dùng được xếp vào loại trầm cảm dựa trên phản ứng của họ trong các bài kiểm tra trầm cảm tiêu chuẩn của các phòng khám.

Các phân tích được sử dụng trong nghiên cứu lần này có thể là một hình mẫu cho việc nghiên cứu, giám sát sức khoẻ tâm thần trên một phạm vi rộng hơn, trong bối cảnh xã hội ngày nay chú trọng rất nhiều vào các hoạt động trong môi trường số.

Tấn Minh

Chủ đề khác