VnReview
Hà Nội

Công ty Anh nuôi tham vọng trồng 1 tỷ cây xanh nhờ drone

Công ty có tên BioCarbon Engineering tại Oxford, vương quốc Anh đang triển khai một dự án táo bạo, hy vọng sẽ tăng tốc quá trình trồng cây bằng cách huấn luyện drone tự trồng cây thay thế con người. Mục tiêu là 1 tỷ cây xanh mỗi năm.

Phải mất nhiều năm để cây trồng có thể phát triển nhưng chỉ mất vài phút, thậm chí vài giây để đốn hạ. Nguy cơ cạn kiệt rừng tự nhiên đang hiển hiện trước mắt trong khi lượng cây trồng mới vẫn chưa kịp đáp ứng. Đứng trước nguy cơ này, một công ty có tên BioCarbon Engineering tại Anh đang triển khai một dự án trồng cây táo bạo bằng drone.

BioCarbon Engineering sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 9/2017 cùng sự phối hợp của Tổ chức Worldview International Foundation (WIF) tại Myanmar. Nhóm phát triển sẽ tập trung mọi nỗ lực để trồng thêm nhiều diện tích rừng với drone. Công ty đặt niềm tin rất lớn về việc drone có thể thay đổi hoàn toàn sứ mệnh của WIF.

Tổ chức WIF đã dành nhiều năm làm việc với người dân địa phương và trồng khoảng 2,7 triệu cây tại rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Irawday. Đây là con sông đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp và cộng đồng địa phương.

Theo PopularMechanics, con số 2,7 triệu cây trong 5 năm là kết quả thử nghiệm từ việc ứng dụng drone. BioCarbon khẳng định, drone có thể trồng khoảng 100 ngàn cây/ngày. WIF cùng đội ngũ hỗ trợ địa phương đã trồng khoảng 750 ha rừng ở khu vực đồng bằng, diện tích trải dài hơn 7,4 km2. BioCarbon đang kỳ vọng sẽ trồng thêm một triệu cây mới tại khu vực đó.

Quy trình trồng cây bằng drone được phân thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên, công ty sẽ sử dụng drone để lập bản đồ khu vực, phân tích cấu trúc, loại đất, độ ẩm và phát hiện các chướng ngại vật có thể gặp phải.

Các phân tích này giúp việc lập kế hoạch, xác định loại hạt giống cây trồng dễ dàng hơn. Những chiếc drone sẽ mang hỗn hợp hạt giống tới nơi trồng và kiểm soát quá trình trồng cây sau đó.

Drone sẽ được huấn luận bay ở độ cao khoảng 0,9 – 1,8 mét, và cứ mỗi 6 giây lại gieo một lượt hạt giống mới.

Tất nhiên, phương pháp trồng rừng này gặp phải một hạn chế khi hạt giống không được chôn dưới đất, đảm bảo tránh các loài thú ăn hạt hay điều kiện thời tiết phức tạp. Mặc dù vậy, đồng sáng lập BioCarbon Engineering, Irina Fedorenko chia sẻ, con người có kiểm soát vị trí trồng cây để đảm bảo cơ hội sống sót cao nhất cho hạt giống. Thêm vào đó, công ty khẳng định các hạt giống đều đã trải qua nhiều bước xử lý để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao nhất.

Drone không chỉ rải hạt trong không trung. Mỗi chiếc drone đều sử dụng loại bình nén áp suất có khả năng bắn hạt giống tốc độ cao vào trong đất. Ngay cả khi lập bản đồ và tiến hành gieo trồng xong, drone vẫn liên tục theo dõi các khu vực để đảm bảo hạt giống sinh trưởng tốt.

Nỗ lực của BioCarbon Engineering chỉ là một trong những đóng góp nhỏ của con người trong cuộc chiến bảo vệ hệ sinh thái và môi sinh của Trái Đất. Tuy nhiên về lâu dài, một sự thay đổi nhỏ có thể sẽ trở thành thay đổi lớn nếu con người tiếp tục gìn giữ quyết tâm đó.

BioCarbon Engineering được thành lập vào năm 2015. Cho tới nay, công ty đã có nhiều dự án trồng cây với drone thành công tại Anh và Úc.

Mai Huyền

Chủ đề khác