VnReview
Hà Nội

Chuyên gia công nghệ nổi tiếng Anh: nên cho trẻ em làm quen với lập trình từ 2 tuổi

Tiếp xúc với lập trình sớm sẽ khuyến khích phụ nữ trở thành lập trình viên đồng thời làm giảm chênh lệch giới tính trong lĩnh vực công nghệ.

Chia với báo Anh The Guardian, bà Dame Stephanie Shirley, một trong những nhà tiên phong nổi tiếng nhất trong ngành điện toán của Anh cho rằng trẻ em từ 2 tuổi nên làm quen với lập trình cơ bản.

Bà Dame Stephanie Shirley, người sở hữu một trong những công ty đầu tiên bán phần mềm vào những năm 1960, nói rằng có những bằng chứng cho thấy thời điểm tốt nhất để trẻ em làm quen với các hoạt động lập trình đơn giản là từ 2 đến 7 tuổi. "Hầu hết các lập trình viên thành công sau này đều bắt đầu học lập trình khi 5 hoặc 6 tuổi", bà nói. "Lứa tuổi đó là tốt nhất để học một cái gì đó… và mọi người thường nghĩ lập trình là dành cho con trai".

Dame Stephanie Shirley muốn Facebook và Google có những kỳ tuyển dụng "mù", không biết giới tính và tên của ứng viên, chỉ lựa chọn ứng viên qua năng lực và thành tích của họ

Những nhận xét này của Shirley xuất hiện đúng lúc một cuộc tranh luận gay gắt về sự phân biệt giới đang diễn ra trong ngành công nghệ. Shirley cũng kêu gọi các công ty công nghệ như Google và Facebook đưa ra những chương trình tuyển dụng "nặc danh" giúp giải quyết sự thiếu hụt các nữ lập trình viên. Chỉ 20% kỹ sư Google là nữ, và 1% báo cáo cho thấy các nhà sáng lập nam có cơ hội cao gấp đôi khi kêu gọi vốn đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

"Một khi đã có sự bất cân bằng, hãy nhớ các nhà lãnh đạo hôm nay sẽ định nghĩ về các nhà lãnh đạo ngày mai", Shirley nói. Bà cho rằng các nhà lập trình phải có đầy đủ các kỹ năng, cũng như các thư ký phải có kỹ năng đánh máy nhanh. "Trong đơn tuyển dụng, bạn không cần gửi ảnh, không cần xưng tên, chỉ cần nhìn vào thành tích của một ứng viên để lựa chọn người phù hợp".

Công ty đầu tiên của Shirley, Freelance Programmers, là công ty tiên phong bán các gói phần mềm kỹ thuật vào những năm 1960. Trong số 300 nhân viên đầu tiên, bà đã tuyển dụng chỉ 3 nam lập trình, và tỷ lệ giới tính chỉ dịch chuyển dần khi Đạo luật phân biệt giới được thông qua vào năm 1975.

Shirley cho biết bà từng đối mặt với vấn đề giới trong những ngày đầu tiên làm việc ở ngành máy tính, sau đó bà đã dùng nickname Steve trong công việc, vì bà nhận thấy sẽ dễ dàng ký được các hợp đồng hơn khi mọi người nghĩ là họ đang làm việc với một người đàn ông. "Các công ty do phụ nữ điều hành có thêm những khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư", bà nói.

Ngoài ra, Shirley cũng rất lo ngại về sự thiếu đa dạng trong ngành công nghệ sẽ dẫn đến những sản phẩm thiên lệch.

"Một ví dụ về "tính đàn ông" quá mức của ngành công nghệ đó là chiếc đồng hồ Apple Watch", bà nói. "Apple Watch có nhiều tính năng hữu ích như đo nhịp tim nhưng lại không giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt".

Kể từ khi về hưu, Shirley đã cống hiến nhiều thời gian cho các khóa học từ thiện liên quan đến chứng tự kỷ, con trai đã mất của bà bị tự kỷ rất nặng.

Bà cho rằng những công nghệ như robot và trí thông minh nhân tạo có tiềm năng rất lớn giúp trẻ em tự kỷ trên thế giới kết nối dễ dàng hơn với những người xung quanh. Quan điểm này đi ngược lại nỗi sợ hãi của một số người cho rằng việc sử dụng nhiều robot có thể để lại một số di chứng xã hội, ví dụ như người cao tuổi sẽ bị cắt đứt khỏi sự tiếp xúc của con người.

Công nghệ này đã được thử nghiệm tại Priors Court ở Berkshire, một trường học dành cho trẻ em mắc chứng tự kỷ mà Shirley thành lập.

"Chúng tôi sử dụng một chú robot nhỏ để làm những việc rất đơn giản như để dạy về việc liên lạc, tiếp xúc bằng mắt hay về việc di chuyển nhẹ nhàng xung quanh. Phản ứng của học sinh với robot rất phi thường, một phần vì các em cảm thấy không bị đe dọa. Robot rất kiên nhẫn và có thể lặp lại các hành động mà không hét lên: 'Ôi trời đất ơi, đứa trẻ này sẽ không bao giờ học được".

Hoàng Lan

Chủ đề khác