VnReview
Hà Nội

Vụ gọi 14 tiếng phải trả 1,1 tỷ đồng: Vì đâu nên nỗi?

Như vậy là phiên tòa phúc thẩm vụ kiện "cho bạn mượn SIM" gọi quốc tế 14 tiếng đồng hồ đã khép lại với kết quả tòa án tuyên bố bà Ngân - chủ thuê bao trả sau của VNPT - sẽ phải trả cước phát sinh 1,1 tỷ đồng cho nhà mạng này.

>;Vụ 14 tiếng dùng hết 1,1 tỷ cước điện thoại: VNPT thắng kiện 

Tòa tuyên buộc bà Ngân phải trả cho VNPT số tiền 1,1 tỷ đồng (Ảnh: Dân Trí)

Vậy nguồn gốc sự việc này là như thế nào và trách nhiệm của các bên tới đâu? Hãy cùng VnReview.vn tìm hiểu thêm về vụ kiện dở khóc dở cười này...

Diễn biến của vụ việc

Theo nội dung vụ án được tường thuật tại tòa, vào tháng 7/2013, bà Ngân ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông với chi nhánh của Viễn thông VNPT tại TP.HCM và được nhà mạng này cung cấp SIM thuê bao trả sau.

Điều đáng nói là bản thân bà Ngân đã  tham gia ký quỹ 5 triệu đồng (sẽ được hoàn lại khi không dùng dịch vụ) để thuê bao của bà có thể gọi chuyển vùng quốc tế mà không bị giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy…

Điều đáng nói là chỉ sau 5 ngày hòa mạng, thuê bao của bà Ngân đã gọi và sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế làm phát sinh tiền cước phí lên tới gần 1,1 tỷ đồng! Quá bất thường, nhà mạng đã gửi thông báo yêu cầu bà thanh toán.

Tuy nhiên, bản thân bà Ngân cũng bất ngờ với số tiền cước cao ngất này và không đồng ý trả vì mức phí quá cao. Sau đó bà bị VNPT khởi kiện ra tòa và tại phiên sơ thẩm vào tháng 9/2014, bà thừa nhận đã cho một người quen có quốc tịch Pakistan sử dụng SIM điện thoại này, nhưng hiện không thể liên lạc được với người đó. Đồng thời, bà cũng tố cáo sự việc lên Công an TP.HCM nhưng hiện chưa nhận được phản hồi nào.

Trước tình thế này, TAND Quận 11 của TP.HCM đã bác yêu cầu khởi kiện của VNPT vì theo Hội đồng xét xử (HĐXX), VNPT là nhà mạng có sự chủ động và hiểu biết hơn khách hàng về các vấn đề liên quan đến dịch vụ viễn thông cũng như các phát sinh đáng ngờ. Hơn nữa, nhà mạng là bên chủ động soạn thảo hợp đồng nên việc giải thích và xử lý phải theo hướng có lợi cho khách hàng.

Tuy vậy, VNPT không đồng tình với phán quyết này nên đã làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 14/9 vừa qua, HĐXX cũng cho rằng hợp đồng cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông được ký giữa nhà mạng VNPT và bà Ngân có đầy đủ hiệu lực về mặt pháp lý, được cả hai bên công nhận và có ghi rõ nội dung "mở thêm dịch vụ gọi quốc tế và chuyển vùng quốc tế" trong bản hợp đồng này.

Bên cạnh đó, kết quả giám định các cuộc gọi đã xác minh đúng pháp luật, chính số thuê bao của bà Ngân đã đăng ký dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi và đã nhận được tổng cộng tới 4.300 cuộc gọi và tổng đài VNPT đã chuyển tiếp toàn bộ các cuộc gọi này với thời lượng gọi quốc tế lên tới... hơn 14 tiếng đồng hồ. Ở phiên xét xử sơ thẩm đã không làm rõ 2 loại dịch vụ gọi quốc tế và chuyển vùng quốc tế là khác nhau, cước phát sinh không phải là từ dịch vụ chuyển vùng quốc tế mà là dịch vụ gọi thẳng đi quốc tế.

Do vậy, khi đăng ký dịch vụ quốc tế người sử dụng phải biết và chịu trách nhiệm do đã có quy định rõ trong hợp đồng. Do đây là dịch vụ mà bà Ngân đã chủ động đăng ký nên HĐXX bác bỏ cáo buộc phía VNPT thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng. Vì vậy, phiên tòa phúc thẩm đi đến kết luận buộc chị Ngân phải thanh toán toàn bộ số tiền cước phát sinh hơn 1 tỷ đồng!

Tại ai?

Vụ án này chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc liên quan tới cước phát sinh bất thường và xảy ra kiện cáo giữa khách hàng và nhà mạng trong nước. Vậy nguyên nhân do đâu và liệu có cách nào để giảm thiểu những bi kịch tương tự?

Dịch vụ chuyển vùng tự động kích hoạt khi mang SIM qua nước khác theo mặc định của nhà mạng, dù chủ thuê bao không hề đăng ký. (Ảnh: Cung & Cầu)

Trước hết, trong vụ việc này, đương nhiên khách hàng là người phải có trách nhiệm đầu tiên, cũng là chịu thiệt hại nhất do không quản lý thuê bao của chính mình. Bà Ngân đã cho người quen sử dụng thuê bao của mình (mối quan hệ cũng không thân thiết bởi đến nay bà không liên lạc được với người này), lại chủ động đăng ký chuyển vùng quốc tế, do đó không thể kiểm soát được việc phát sinh cước như thế nào.

Về phía nhà mạng thì như thế nào? Điều khiến nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao số thuê bao mới chỉ đi vào hoạt động 5 ngày, ký quỹ có 5 triệu đồng mà nhà mạng vẫn vô tư cho phép tới… 4.300 cuộc gọi đi và cuộc gọi đến từ nước ngoài mà không hề có một rào chặn hoặc cảnh báo khẩn cấp tới chủ thuê bao?

Đây cũng là bài học cho rất nhiều thuê bao khi hiện nay các nhà mạng lớn đều mặc định kích hoạt tính năng tự động chuyển vùng (roaming) và gọi đi quốc tế mà chủ thuê bao không cần đăng ký gì, dù là thuê bao trả trước hay trả sau. Nghĩa là với văn bản hợp đồng dài ngoẵng (nếu có ký kết) và bạn không để ý kỹ thì đều mặc định tự động kích hoạt roaming.

Bản thân người viết bài này cũng từng chứng kiến điện thoại của mình hiện lên thông báo tự động kích hoạt chuyển vùng khi đi công tác ở nước ngoài, với mức cước phí không hề rẻ, mỗi tin nhắn lên tới vài chục ngàn đồng?! Còn cước phí nghe/gọi thì còn đắt đỏ hơn thế nhiều lần! Đây là một cái bẫy tinh vi hoặc là một kẽ hở không nhỏ, bởi ai đó không biết và vô tình bắt máy nghe một cuộc gọi phát sinh từ trong nước gọi sang (khi đang ở nước ngoài) cũng khiến chủ thuê bao phải trả một số tiền kinh hoàng.

TM

Chủ đề khác