VnReview
Hà Nội

Nga trừng phạt Telegram vì từ chối cung cấp dữ liệu người dùng

Chính phủ Nga vừa tuyên bố sẽ trừng phạt ứng dụng nhắn tin ẩn danh Telegram do từ chối cung cấp dữ liệu người dùng.

Một lần nữa, dữ liệu người dùng lại nổi lên như một vấn đề đáng bàn giữa các công ty công nghệ và chính phủ các nước. Lần này, Telegram phải hứng chịu sự trừng phạt của chính phủ Nga do kiên quyết không chịu cung cấp dữ liệu người dùng.

Theo Neowin, Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB- Federal Security Service) và Tòa án Meshchansky, Moscow đã ra phán quyết phạt 800 ngàn rúp, tương đương 14.000 USD đối với Telegram. Lý do đằng sau án phạt này là vì Telegram đã từ chối chia sẻ dữ liệu người dùng với điện Kremlin.

Đây không hẳn là một lệnh cấm, đó là một lệnh trừng phạt và "nhắc nhở" Telegram cần biết cách tuân thủ hơn các mệnh lệnh từ phía chính phủ Nga.

Hồi tháng 6/2017, Telegram đã đồng ý các điều khoản với chính phủ để tránh lệnh cấm tại Nga. Tuy nhiên, nhà sáng lập Pavel Durov đã trấn an người dùng rằng công ty sẽ "không chia sẻ một byte dữ liệu cá nhân nào với chính phủ".

Phản ứng lại khẩu hiệu này của Telegram, FSB khẳng định, ứng dụng đang trở thành một kênh truyền thông quy mô lớn cho tội phạm khủng bố. Do đó, một lệnh phạt hoặc lệnh cấm trong tương lai là điều cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, nếu công ty không chịu hợp tác.

Ông Durov chia sẻ, động thái trên từ phía chính phủ Nga là vi hiến, vi phạm quyền riêng tư của công dân. Ngoài ra, Durov rất kỳ vọng các luật sư có thể quan tâm và đồng hành cùng ông trong đơn kháng cáo.

"Các yêu cầu của FSB không thực tế. Chúng mâu thuẫn với điều 23 trong Hiến pháp Liên bang Nga: Mọi người đều có quyền riêng tư về thư tín, cuộc đàm thoại, bưu phẩm, điện báo và các thông tin liên lạc khác".

Mong muốn tiếp cận thư tín cá nhân của FSB là vi phạm nghiêm trọng quyền hiến pháp của mỗi công dân. Telegram có thể kháng cáo quyết định trên của tòa án Meshchansky cho đến khi tuyên bố của FSB được thẩm định lại.

Đây không phải lần đầu tiên Telegram vướng phải những tranh cãi với các chính phủ trên thế giới. Trước đó, FBI đã cáo buộc Telegram cố tình tạo backdoor (cửa hậu). Không chỉ vậy, nhiều công ty lớn như Apple hay Facebook cũng từng bị "hỏi thăm" về vấn đề dữ liệu người dùng.

Tiến Thanh

Chủ đề khác