VnReview
Hà Nội

Những hình ảnh, bí ẩn và giả thuyết mới nhất về quái vật hồ Loch Ness

Gần đây, các báo nước ngoài đều đưa tin phát hiện được dấu vết của quái vật hồ Loch Ness lần thứ 9 trong năm nay 2017.;

> Lại phát hiện dấu vết một trong những quái vật bí ẩn bậc nhất thế giới

> Đây là bằng chứng mới nhất về quái vật hồ Loch Ness hay chỉ là gió thổi?

> Apple Maps chụp được quái vật hồ Loch Ness?

Trước đó, đã có nhiều bằng chứng về sinh vật huyền thoại này bị cho là giả mạo. Vậy đâu là sự thật về bí ẩn lớn nhất nước Anh hiện nay? Mời bạn đọc VnReview theo dõi bài viết tổng hợp và những hình ảnh mới nhất về chủ đề này của The Sun.

Nguồn gốc câu chuyện quái vật hồ Ness

Theo The Sun, Nessie được phát hiện lần đầu tiên năm 565 qua hình ảnh "quái vật nước" khổng lồ kéo lê một người đàn ông cho đến chết trên dòng sông Ness trong tiểu sử của một tu sĩ người Ireland tên Saint Columba.

Tuy nhiên cũng phải tới thế kỷ 20, từ năm 1933 sau khi một con đường được xây dựng dọc theo hồ Ness giúp nó bớt cách biệt hơn với bên ngoài thì quái vật trong hồ mới thu hút nhiều sự chú ý hơn. Trong nhiều tháng kế tiếp đã có một số người tuyên bố nhìn thấy một con quái khổng lồ ẩn nấp gần hồ Loch Ness hay hồ Ness.

Một năm sau, tấm ảnh có thể nói là nổi tiếng nhất về sinh vật huyền thoại này được công bố. Đến năm 1975, bức ảnh của đại tá Robert Kenneth Wilson bị phơi bày là giả mạo, chỉ là một ảnh chụp tàu ngầm đồ chơi và mô hình đầu quái vật.

Bức ảnh nổi tiếng nhất về sinh vật huyền thoại ở hồ Loch Ness của Robert Wilson

Theo thống kê, cho đến nay đã có trên một ngàn lần nhìn thấy quái vật và Nessie đã trở thành chủ đề của nhiều bộ phim tài liệu, phim truyện trên thế giới, tiêu biểu như: bộ phim hoạt hình Scooby-Doo! and the Loch Ness Monster năm 2004 (bạn đọc có thể tìm xem lại qua Youtube), kịch gia đình Loch Ness năm 1996.

Tại Việt Nam, quái vật hồ Loch Ness trở nên nổi tiếng qua một bộ tranh truyện đã thu hút biết bao thế hệ độc giả nhỏ tuổi từ lần xuất bản đầu tiên năm 1992: Doraemon. Hình tượng quái vật hồ Loch Ness là chủ đề chính trong một truyện ngắn cùng tên ở tập 6 và là cảm hứng để Fujio Fujiko xây dựng tập truyện dài Cuộc phiêu lưu vào lòng đất hay Nobita và hiệp sĩ rồng.

Trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học ra sức chứng minh sự tồn tại của Nessie. Cuộc điều tra tìm kiếm quái vật hồ Loch Ness lớn nhất là của đài BBC vào năm 2003, sử dụng 600 tia dò tìm dưới nước (sonar) và theo dõi qua vệ tinh nhưng vẫn không tìm thấy gì.

Năm 2017, câu chuyện quái vật hồ Loch Ness đứng đầu một cuộc bình chọn những bí ẩn chưa được giải đáp lớn nhất nước Anh.

Thống kê lịch sử phát hiện Nessie

Cho đến nay vẫn chưa có ai chứng minh được quái vật hồ Ness là có thật và điều này không cản trở mọi người tiếp tục tìm kiếm nó.

Nhiều ảnh chụp tự nhận là hình ảnh Nessie đã bị phơi bày là những trò đùa cợt, một số chỉ là sự nhầm lẫn.

Như đã nêu ở phần đầu, tấm ảnh nổi tiếng nhất về Nessie do đại tá Robert Wilson chụp năm 1934 về sau cũng bị cho là lừa đảo. Nhưng chính bức ảnh này đã châm ngòi cho sự tò mò xung quanh quái vật hồ Loch Ness và sự xuất hiện của vô số bức ảnh tiếp theo, như một bức chụp từ Fort Augustus ở phía Nam hồ Ness của người chèo thuyền George Edwards.

Năm 2012, George Edwards tuyên bố tìm ra bằng chứng khẳng định sự tồn tại của sinh vật khổng lồ nhưng về sau chính ông lại thừa nhận bức ảnh quái vật của mình chỉ là giả mạo. Năm 2013, Edwards thừa nhận Nessie trong ảnh chỉ là mô hình chất dẻo từ một phim tài liệu của đài National Geographic.

Ảnh chụp quái vật hồ Loch Ness năm 2012 của người chèo thuyền George Edwards

Năm 2014, qua vệ tinh ứng dụng Apple Maps chụp được một hình ảnh dài khoảng 3m đang bơi trong hồ. Bí ẩn trực tuyến này được câu lạc bộ những người hâm mộ quái vật hồ Ness chính thức cho rằng có thể Neesie là một con quái vật sợ máy ảnh! Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thì đó chỉ là một con thuyền và lằn tàu của nó.

Tháng 9 năm nay, một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư là công nhân kho rượu whisky tên Ian Bremner công bố một bức ảnh chụp từ hai bờ sông "có thể là Nessie", dù bạn bè anh cho rằng nó chỉ là 3 con hải cẩu đang chơi cùng nhau.

Ảnh quái vật hồ Loch Ness của nhà nhiếp ảnh nghiệp dư Ian Bremner

Những ghi nhận về Nessie trong năm 2017

Nếu năm 2016 không có lần nào quái vật hồ Ness được nhìn thấy thì năm nay 2017 Nessie đã được phát hiện đến lần thứ 9.

Ghi nhận mới nhất về Nessie là việc cô Diana Turner người Mỹ đã nhìn thấy quái vật nhô đầu lên mặt hồ khi đang xem website theo dõi Nessie từ Michigan (Mỹ).

Diana Turner đã nhìn thấy cảnh trên vào cuối tháng 9 vừa qua. Nhiều tuần sau đó, vào đầu tháng 11 này, một cậu bé 9 tuổi tin rằng mình đã chụp được ảnh vây của Nessie làm mặt hồ dậy sóng sau một chuyến chèo thuyền với mẹ tại hồ.

Một vài trường hợp trước đó đã thấy Nessie trong năm nay là một du khách từ Manchester vào tháng 5, một cặp đôi mới cưới hưởng tuần trăng mật, các du khách Úc…

Hình ảnh từ của các du khách Úc đã nhìn thấy Nessie hai lần trong năm nay (Ảnh: The Sun)

Những giả thuyết về sự có mặt của Nessie "thật"

Nhiều giả thuyết về sự tồn tại của quái vật đang sống trong hồ Loch Ness đều dựa trên sự nhầm lẫn Nessie với các sinh vật hay các vật thể to lớn khác.

Một số lần nhìn thấy Nessie đã bị bác bỏ vì đó chỉ là ảnh chụp từ xa những con lươn, các loại catfish cỡ lớn hoặc rái cá, hươu nai bơi trong hồ.

Năm 2013, phát thanh viên truyền hình nổi tiếng người Anh Jeremy Wade đã thực hiện một chuyên đề River Monsters nói về huyền thoại bậc nhất thế giới này. Trong đó, Jeremy so sánh đặc điểm của Nessie với cá mập Greenland dài tới 6m và sinh sống trong các hồ nước ngọt.

Trong chương trình TV River Monsters, cá mập Greenland sống trong các hồ nước ngọt được cho là nguồn gốc câu chuyện quái vật hồ Ness

Người ta cho rằng có nhiều lần nhìn thấy Nessie là do nhận dạng nhầm các vật tĩnh như cành cây, khúc gỗ và hiệu ứng quang học của gió.

Cũng có một giả thuyết khoa học ủng hộ quan điểm truyền thống về kích thước và bề ngoài khổng lồ của quái vật. Theo đó, quái vật hồ Ness là một con khủng long plesiosaur, một loại bò sát cổ dài khổng lồ đã tuyệt chủng cách đây trên 60 triệu năm. Theo ThoughtCo, giả thuyết này dựa trên 2 cơ sở: bức ảnh giả mạo năm 1934 của đại tá Robert Wilson, loài plesiosaurs rất quen thuộc với người dân Anh lẫn Scotland. Một số trong những hóa thạch đầu tiên của loài plesiosaurs này đã được phát hiện dọc theo bờ biển Anh từ đầu thế kỷ 18.

Giả thuyết trên gây ra nhiều nghi vấn vì một số lý do, trong đó có hai lý do đáng chú ý. Đầu tiên, plesiosaur thở bằng phổi, vì vậy nó cần ngẩng đầu lên khỏi mặt nước để hô hấp. Thói quen này khó mà qua mắt được cặp mắt tò mò của các du khách tới hồ và webcam truyền tải hình ảnh hồ Loch Ness đến toàn thế giới. Tiếp theo, plesiosaur là một loài động vật máu lạnh cần phải bơi trong nước ấm, trong khi nhiệt độ trung bình của hồ Loch Ness là 4 độ C.

Vài nét về hồ Loch Ness

Loch Ness là một hồ nước ngọt lớn và sâu ở Scotland, một trong những địa điểm được du khách ghé thăm nhiều nhất Scotland và cũng là hồ nổi tiếng nhất thế giới với câu chuyện quái vật hồ Loch Ness. Loch là một từ tiếng Scotland để chỉ hồ hoặc vịnh hẹp.

Hồ Ness có chiều dài 36,3 km, nơi sâu nhất đến 227m. Hồ Ness là một hồ rất cổ, vào khoảng 10 ngàn năm tuổi, được hình thành từ cuối kỷ băng hà lớn (Great Ice Age).

Hồ Loch Ness với tiền cảnh lâu đài Urquhart

Steve Trần (tổng hợp từ TheSun, Thoghtco)

Chủ đề khác