VnReview
Hà Nội

Xây dựng thành phố thông minh cần những gì?

Hà Nội sẽ khởi công xây dựng dự án Thành phố thông minh vào quý 1/2018, với diện tích 272 ha và kinh phí đầu tư lên đến 4 tỷ USD. Trước Hà Nội, nhiều đô thị lớn trên thế giới đã và đang ứng dụng các dự án và công nghệ mới nhằm trở thành các thành phố thông minh. Tuy nhiên, khi mà cụm từ "thành phố thông minh" ngày càng trở nên phổ biến, định nghĩa về những gì làm nên một thành phố thông minh vẫn còn chưa được làm rõ.

Theo TechInAsia, về mặt kỹ thuật, thành phố thông minh là các thành phố sử dụng nhiều loại công nghệ giao tiếp nhằm cung cấp thông tin liên quan đến quản lý tài sản và tài nguyên. Thành phố thông minh phụ thuộc vào sự phát triển của Internet vạn vật (IoT), công nghệ không dây và những cải tiến khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy vậy, một khía cạnh thường bị bỏ qua đó là thành phố thông minh ứng dụng các công nghệ nêu trên không chỉ để thu thập dữ liệu mà còn để biến nó thành một nơi lý tưởng cho việc sinh sống của người dân.

Hạ tầng công nghệ phát triển mạnh, hệ thống phân tích tiên tiến

Sự thành công của thành phố thông minh nằm ở mức độ hiểu người dân cần gì và làm cách nào tốt nhất để cung cấp cho họ những thứ đó. Nhiều hội đồng thành phố đã bắt đầu thực hiện các giải pháp IoT để sắp xếp một cách hợp lý các dịch vụ của thành phố và thu thập các dữ liệu có thể chuyển thành các kết quả khả thi. Một mặt, những thiết bị và nền tảng này giúp tự động hoá các dịch vụ trước đây đòi hỏi sự tương tác của con người, như điều khiển giao thông, phân bổ lưới điện, dịch vụ tiện ích và nhiều việc khác. Mặt khác chúng mang về một lượng lớn dữ liệu có thể được dùng để cải tiến và hoàn thiện các dịch vụ cho người dân.

Thí dụ như Trung Quốc đã kết hợp với Huawei để kiến tạo hạ tầng IoT, từ đó cải thiện du lịch và cung cấp các dịch vụ công thông minh như gom rác, đo lường và thậm chí là cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tận nơi.

Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng rất nhanh nhạy trong việc đầu tư nâng cấp các thành phố trong nước. Ước tính tại nước này sẽ có hơn 500 thành phố được chuyển đổi thành thành phố thông minh vào cuối năm nay. Trong đó nổi bật nhất là Bắc Kinh - được cho là thành phố thông minh nhất Trung Quốc - nhờ việc đầu tư mạnh vào công nghệ thanh toán không tiền mặt và các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm và tắc nghẽn.

Tạo nên một cơ sở hạ tầng có thể mang lại các dịch vụ tốt hơn, trong khi vẫn có thể tạo ra các dữ liệu khả thi có thể mang lại những cải tiến xa hơn là một điều bắt buộc phải có nếu một thành phố mong muốn được "kỹ thuật hoá".

Người dân tích cực góp ý cho các dịch vụ công

Thành phố thông minh không chỉ là các đô thị với công nghệ đắt đỏ. Nó còn phải dựa vào việc đưa người dân tiếp cận vào quá trình chuyển đổi. Giao quyền lực cho một công dân sẽ khuyến khích họ tham gia nhiệt tình, đóng một vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy thay đổi. Điều này giúp tạo ra một hình mẫu bền vững cho sự phát triển.

Ví dụ, tại Moscow (Nga), chính quyền thành phố - vốn đã đưa ra một dự án cải cách trị giá nhiều tỷ USD - đã tạo ra nhiều "con đường" nhằm trao quyền cho người dân được phát biểu, bầu chọn và nêu lên những phát triển có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Nước Nga cũng giới thiệu một ứng dụng di động mang tên Our City, cho phép người dân gửi thông báo về vấn đề và đề xuất với các dịch vụ công. Chỉ riêng ứng dụng này đã giúp giải quyết hơn 1,9 triệu vấn đề xung quanh thành phố.

Moscow còn thành lập một nền tảng "tài nguyên đám đông" (crowdsourcing) cho phép các công dân đề cử các dự án mới. Thành phố hiện có tỉ lệ chấp nhận công nghệ fintech (tài chính công nghệ) ở mức 35% và đang tăng dần đều trên bảng xếp hạng các thành phố thông minh nhất thế giới.

Thông qua trao quyền cho người dân, chính quyền thành phố có thể tận dụng một trong những nguồn tài nguyên mạnh mẽ nhất của mình và tạo tính minh bạch cao hơn.

Động lực đổi mới và kinh doanh

Đạt được những cải tiến IoT và có những người dân tích cực là những mục tiêu cao cả, do đó tìm ra một cách để khuyến khích và thúc đẩy những đổi mới này với chi phí tối thiểu là điều vô cùng quan trọng.

Thành công chung của nhiều thành phố thông minh đều dựa vào việc thành phố đó hấp dẫn như thế nào đối với các nhà kinh doanh và nhà cải cách. Dù chính quyền thành phố sẽ triển khai các công nghệ cần thiết, nhưng sự phát triển lại không hẳn đến từ bên trong nội bộ. Thay vào đó, chúng được phát triển bởi các nhà kinh doanh tìm cách tăng cường hoặc loại bỏ các cơ chế truyền thống.

Các thành phố có thể tạo ra xúc tác cho sự đổi mới này. Singapore - vốn từ lâu được ca tụng là người đi đầu trong phát triển thành phố thông minh - đã tung ra nhiều sáng kiến nhằm nêu lên tầm quan trọng của vấn đề này trong cả quá trình phát triển. Ví dụ, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thường xuyên gửi sinh viên đến làm việc tại các startup quốc tế để học hỏi về kinh doanh và cải cách. Chiến lược này thực sự mang lại hiệu quả, với số cựu sinh của trường này hiện lập nên hơn 300 startup kể từ khi dự án được bắt đầu.

Mở rộng kết nối

Đây là một yếu tố thường bị đánh giá thấp, nhưng lại là một phần quan trọng đối với các thành phố thông minh. Nếu không có một mạng lưới Internet hoặc Wifi phạm vi rộng và tốc độ cao, nhiều sáng kiến thành phố thông minh - từ vận tải đến cải tiến IoT - đều sẽ thất bại.

Nhiều thành phố tại châu Á đã tập trung vào vấn đề này, cung cấp các đường truyền Internet tốc độ cao miễn phí đến hầu hết người dân. Các đô thị lớn ở Đài Loan, Tokyo và Seoul đang dẫn đầu, với việc cung cấp Internet 4G và Wifi miễn phí cho người dân, trong khi vẫn kết nối cơ sở hạ tầng của riêng họ đến các mạng lưới nêu trên.

Các công ty viễn thông ở Ấn Độ và Indonesia thì ký kết các thoả thuận với Google nhằm phát triển một loạt các điểm truy cập Wifi công cộng, mang lại khả năng truy cập web tốt hơn đến người dân.

Ngay cả các thành phố ở châu Âu cũng chú ý đến vấn đề này. Moscow là một ví dụ, với tỉ lệ phủ sóng băng thông rộng đến người dân lên đến 98%.

Tạo nên các thành phố tốt hơn

Khái niệm "thành phố thông minh" không chỉ là về cải cách mà còn là cải thiện đời sống. Điều mà các thành phố như Singapore, Moscow, Tokyo và Seoul đã khám phá ra sau quá trình đi lên thành phố thông minh chính là cải cách là một quá trình toàn diện.

Một chính quyền không thể đơn giản là từ trên chỉ đạo xuống, mà họ cần sự tham gia của mọi công dân. Bằng cách phát triển một cơ sở hạ tầng cho phép người dân có cuộc sống tốt hơn và cho phép chính quyền cung cấp các dịch vụ thông minh hơn, phương Đông đang dẫn đầu trong cuộc đua thành phố thông minh. Điều này cũng cho phương Tây thấy những thành quả có thể đạt được nếu có động lực và kế hoạch vững chắc.

Tất nhiên, những đặc tính được vạch ra ở trên không phải là tất cả, nhưng chúng là rất cần thiết để phát triển các thành phố đáp ứng được những nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

G.L

Chủ đề khác