VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta phải đấu tranh để giành lấy “Quyền được sửa chữa đồ điện tử”?

Nếu bạn bỏ tiền ra mua một sản phẩm, tại sao bạn lại không có quyền sửa nó ở bất cứ nơi nào bạn muốn?

> Vì sao Apple và nhiều công ty khác muốn làm cho điện thoại ngày càng trở nên khó sửa?

Hàng chục triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm vì chính sách của các công ty công nghệ.

Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ ước tính người dân tại quốc gia này mua hơn 183 triệu smartphone trong năm 2016. Số TV mà người dân sở hữu còn nhiều hơn cả dân số nước Mỹ. Đó là lượng đồ điện tử khổng lồ và nó sẽ chỉ ngày càng tăng lên.

Công bằng mà nói, tất cả những công nghệ này đều [có thể] khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không phải chúng không có những mặt xấu của mình: đến một lúc nào đó, các đồ điện tử sẽ "tử". Không giống như chiếc đài cát-xét mà ông nội bạn đã dùng hơn 30 năm vẫn chưa hỏng, các công nghệ mới – đặc biệt là những thiết bị với vẻ bề ngoài hào nhoáng cùng hàng chục các chức năng khác nhau – hỏng nhanh hơn rất nhiều. "Trào lưu" này, được xác nhận bởi nghiên cứu trong năm 2017 của chính phủ Đức, áp dụng lên không chỉ những thiết bị như smartphone hay máy tính bảng, mà còn cả các vật dụng mà chúng ta thường kì vọng có tuổi đời lớn như TV, máy giặt, điều hòa,…

Các nhà sản xuất ai ai cũng muốn bán cho bạn các mẫu sản phẩm mới nhất của mình, thay vì sửa chữa các thiết bị điện tử đã cũ và hỏng. Bằng cách này hay cách khác, họ khiến việc sửa chữa các sản phẩm trở nên đắt đỏ và phi thực tế. Đây là một vấn đề toàn cầu bởi vì thị trường công nghệ là một thị trường toàn cầu, và tất cả mọi người đều sẽ bị ảnh hưởng. Khi mọi người chẳng còn cách nào khác là vứt món đồ đã hỏng đi, không có gì ngạc nhiên khi rác thải điện tử (e-waste) trở thành loại rác có tốc độ "tăng trưởng" nhanh nhất, với hàng chục triệu tấn rác bị loại bỏ mỗi năm trên toàn thế giới.

Vứt đồ điện tử cũ hỏng đi thay vì sửa chữa chúng để lại những hậu quả rất lớn cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế, và cho cả môi trường. Thật vậy, một tương lai mà không có bất kỳ thứ nào được sửa chữa sẽ là viễn cảnh rất đen tối cho tất cả mọi người, ngoại trừ những người đang cố gắng bán các sản phẩm mới cho bạn. Và đã có rất nhiều người trong số chúng ta từ chối việc chấp nhận tương lai ấy – ít nhất là khi chưa đấu tranh đòi quyền lợi của mình.

Trong năm 2013, một nhóm gồm các nhà tiêu dùng, nhà tái chế, nhà môi trường học và các chuyên gia sửa chữa tại Mỹ đã cùng nhau thành lập trang Repair.org để đòi quyền được sửa chữa các đồ điện tử của mình. Khi một thứ gì đó bị hỏng, người tiêu dùng Mỹ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và linh kiện cần cho việc sửa chữa, hoặc mang chúng đi sửa ở bất kì đâu mà họ muốn.

Trong những năm qua, cuộc chiến này đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. 12 tiểu bang tại Mỹ đã đưa ra luật "quyền được sửa chữa" trong năm 2017, cho phép người tiêu dùng sửa các món đồ bị hỏng một cách dễ dàng hơn. Với sự hỗ trợ ấy, Repair.org trở thành "đầu tàu" trong việc thúc đẩy đạo luật này trên phạm vi rộng hơn. Không mấy ngạc nhiên khi có rất nhiều sự phản kháng xuất hiện, không phải từ các nhà lập pháp mà là từ những nhà vận động hành lang được thuê bởi các công ty công nghệ lớn nhằm loại bỏ quyền lợi này từ "trong trứng nước".

Bạn có thể nghĩ rằng những cuộc chiến pháp lý này không đáng để tâm hay không thực sự liên quan đến mình, nhưng bạn nên biết rằng một khi bạn đã mua một thứ gì đó thì bạn có toàn quyền sử dụng nó, và nếu đấu tranh thành công ở một quốc gia lớn mạnh như Mỹ, quyền lợi này sẽ trở thành một tiền lệ và buộc các nhà sản xuất trên toàn thế giới phải công nhận.

Tại sao chúng ta lại rơi vào tình huống này?

Kể từ ngày đồ điện tử xuất hiện, con người ta đã sửa chữa chúng rồi. Bạn biết đấy: khi một thứ gì đó hỏng, bạn cố gắng tìm ra nguyên nhân, tháo chúng ra, sửa chữa hoặc thay thế linh kiện bị hỏng và bật thiết bị lên. Nếu chúng "khỏi bệnh", tốt thôi, còn nếu không, ta lại tiếp tục sửa. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Vấn đề nảy sinh khi chúng ta sửa chữa những thiết bị đã được điện tử hóa – một hạng mục đang ngày càng phát triển và bao gồm mọi thứ mà bạn cắm vào ổ điện trên tường hay dùng pin – và sửa chúng không phải lúc nào cũng đơn giản. Có thể bạn sẽ phát hiện ra những lỗi như lỏng dây hay tụ điện bị phồng một cách dễ dàng, nhưng trong đa số các trường hợp, việc xác định và khắc phục vấn đề nằm sâu bên trong hệ thống đòi hỏi những công cụ và tài liệu rất phức tạp. Nếu các nhà sản xuất từ chối cung cấp những thứ đó, việc sửa chữa vẫn có thể, nhưng nó trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều và bạn sẽ không khác gì một kỹ sư điện tử đang tiến hành nghiên cứu.

Trong những thập kỷ trước, các công ty sản xuất thiết bị điện tử thường cung cấp đủ các thông tin cần thiết để sửa chữa, thậm chí còn miễn phí. Các máy tính đều đi kèm với những sơ đồ hiển thị các thành phần được kết nối với nhau như thế nào. Ngay cả Apple, hiện là một trong những nhà sản xuất thiết bị khó sửa chữa nhất trên thị trường, cũng đã từng gửi các tài liệu hướng dẫn đầy đủ và miễn phí cho chủ sở hữu của máy tính Apple II. Khi đó, các công ty hướng về khách hàng nhiều hơn, dự trù được việc các sản phẩm của mình sẽ có hỏng hóc và giúp khách hàng nhiều nhất có thể.

Ấy vậy mà, khi năm tháng trôi đi, điều này càng trở nên khan hiếm và nó thật mỉa mai. Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin, lẽ ra người tiêu dùng phải có thể tìm được cách sửa đồ điện tử trong nháy mắt, thì những thông tin ấy lại chẳng tìm thấy được ở đâu cả.

Sự khan hiếm này, tuy các công ty có những lý lẽ của riêng họ, nhưng chủ yếu nó bắt nguồn từ việc lợi nhuận được đặt lên hàng đầu thay vì khách hàng. Các nhà sản xuất không muốn bạn sửa chiếc điện thoại hay chiếc điều hòa đã hỏng ấy, mà họ muốn bạn mua một cái mới hơn. Họ thậm chí còn gửi thư yêu cầu những người đăng cách sửa chữa các thiết bị phải chấm dứt việc làm của mình. Trong năm 2012, Toshiba đã yêu cầu công ty sửa chữa laptop Tim Hicks gỡ bỏ toàn bộ các hướng dẫn sửa chữa sản phẩm của họ, bao gồm hơn 300 tập tin PDF với nội dung là các hướng dẫn sửa laptop chính thức của Toshiba mà ông đã chia sẻ miễn phí. Để tránh bị kiện, Hicks đã tuân thủ yêu cầu của Toshiba và giờ người tiêu dùng gần như không thể tìm ra những hướng dẫn họ cần để sửa máy tính của mình nữa.

Toshiba không phải là công ty duy nhất có tội. Bạn hãy thử lên trang web của Apple và tìm hướng dẫn sửa chữa MacBook Pro mà xem. Nó không ở đó đâu. Rồi bạn hãy thử truy cập trang web của Samsung để tìm cách sửa chiếc TV màn hình cong có giá hàng chục triệu đồng đi. Cũng không có ở đó đâu. Rồi Kindle, GoPro, rồi rất nhiều công ty khác nữa. Nếu may mắn, bạn sẽ có thể tìm thấy chúng khi những người khác từng gặp lỗi đó trên sản phẩm của mình và bằng cách nào đó sửa được. Đại đa số các nhà sản xuất đều tỏ ra rất "kín tiếng" khi đề cập đến vấn đề sửa chữa của khách hàng.

Thay vào đó, họ đặt các thông tin dịch vụ và các công cụ chẩn đoán lỗi đằng sau mật khẩu và các trang trả phí, hạn chế tối đa việc phát tán thông tin sửa chữa đến được tay của các cửa hàng "chưa được ủy quyền". Không truy cập được những thông tin đó, khách hàng không còn cách nào khác ngoài đến các trung tâm bảo hành chính hãng, nơi đắt đỏ hơn rất nhiều và thậm chí không có đủ linh kiện để thay. (Gần đây thì Apple phải đổi iPhone 6s Plus cho người dùng iPhone 6 Plus vì không đủ pin để thay).

Đó là lý do tại sao những công ty như iFixit xuất hiện. Họ sử dụng kỹ thuật dịch ngược (reverse-engineering) để tìm ra cách sửa những đồ điện tử phổ biến và đăng tải một cách miễn phí. Những hướng dẫn đến từ iFixit chứ không phải từ nhà sản xuất nên họ cũng không thể bị kiện như trường hợp của Toshiba.

Số lượng rác thải điện tử ngày càng nhiều và sẽ rất khó để kiểm soát khi dân số thế giới cũng tăng theo từng năm (ảnh: The Global E-Waste Monitor 2014, Institute for the Advanced Study of Sustainability/United Nations University)

Ngay cả khi bạn tìm được hướng dẫn sửa chữa thiết bị, bạn vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm linh kiện thay thế. Do linh kiện chính hãng đến từ các nhà sản xuất có giá rất đắt, phương án thường được lựa chọn là lấy linh kiện còn dùng được từ các máy bị hỏng khác và "chắp vá" lại. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng nhỏ lẻ, đây cũng không phải là việc đơn giản khi nguồn hàng có chất lượng và độ tin cậy không có nhiều.

Việc thiếu các linh kiện là một trở ngại rất lớn khi sửa chữa những món đồ như smartphone, máy tính bảng và các thiết bị chơi game. Cộng lại, những thiết bị này được sản xuất đến hàng tỷ chiếc, nhưng nhiều dòng sản phẩm lại không có nguồn cung độc lập cho các linh kiện dễ vỡ như kính. Sửa chữa chúng là nguồn doanh thu không nhỏ cho Apple hay Samsung, những công ty đang quyết liệt phản đối quyền được sửa chữa của khách hàng. Theo công ty SquareTrade, tính đến năm 2014, người Mỹ đã bỏ ra khoảng 10,7 tỷ USD để sửa iPhone kể từ ngày chúng được ra mắt năm 2007.

iFixit trở thành "cứu cánh" của người tiêu dùng khi cung cấp các tài liệu sửa chữa đồ điện tử hoàn toàn miễn phí

Trên thực tế, Apple là một trong những công ty tồi tệ nhất khi nhắc đến chính sách sửa chữa. Apple thậm chí còn không cung cấp những thông tin như các thiết bị mà họ không nhận sửa nữa (công ty có một danh sách dài các thiết bị "đã cũ và lỗi thời" không còn được hỗ trợ).

Trong năm 2015, Apple đã gây không ít tranh cãi khi vô hiệu hóa từ xa các iPhone có màn hình được sửa chữa tại các nơi không thuộc mạng lưới ủy quyền của công ty. Một trong số các thiết bị đó thuộc về Antonio Olmos, một nhiếp ảnh gia của báo The Guardian. Ông làm vỡ màn hình của mình khi đang đưa tin về khủng hoảng người tị nạn ở Balkans. Do không có cửa hàng nào của Apple tại Macedonia, Olmos đã sửa iPhone của mình tại một cửa hàng sửa chữa nhỏ, với màn hình mới được lấy từ một chiếc iPhone hỏng khác. Chiếc điện thoại của ông đã hoạt động bình thường trở lại, nhưng sau một vài tháng cập nhật phần mềm, chính sách mới của iPhone đã khiến thiết bị của ông không hoạt động được nữa.

Ban đầu, Apple bào chữa rằng "lỗi 53" (tên gọi của vấn đề) là một biện pháp an ninh. Công ty đổ lỗi cho các cửa hàng sửa chữa chưa được cấp phép: "Khi một chiếc iPhone được sửa chữa bởi một nơi chưa được cấp phép, các màn hình lỗi hoặc các linh kiện không đủ tiêu chuẩn có thể ảnh hưởng đến cảm biến Touch ID khiến việc xác thực không thể được thực hiện. Sau khi thực hiện cập nhật hoặc khôi phục, quá trình kiểm tra bảo mật sẽ hiển thị "lỗi 53", phát ngôn viên của Apple trả lời báo The Guardian.

Lời giải thích của Apple không hề khiến các khách hàng vui lòng chút nào. Các cửa hàng không làm hỏng những chiếc điện thoại đó, mà là Apple. Chưa kể, màn hình "lô" lấy từ các điện thoại khác không có lỗi, các cửa hàng sử dụng chúng bởi vì Apple từ chối bán màn hình OEM cho các cửa hàng sửa chữa độc lập.

Để đổi lấy vẻ bề ngoài hào nhoáng, các sản phẩm ngày nay đều có xu hướng "mong manh dễ vỡ" và mức giá sửa chữa chính hãng không hề rẻ

Trước sức ép của dư luận, Apple đã buộc phải xin lỗi và loại bỏ "tính năng" trên. Tuy nhiên, một tiền lệ đã được thiết lập. Trước đây, Apple gây khó khăn cho khách hàng trong việc sửa chữa các sản phẩm của họ và hạn chế quyền truy cập vào các thông tin dịch vụ cũng như nguồn linh kiện. Giờ đây, nếu khách hàng nào "dám" sửa thiết bị của họ mà chưa được Apple chấp thuận, họ sẽ có thể bị trừng phạt – bằng phần mềm.

Trong năm 2011, nhà kinh doanh và đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen đã viết một bài trên báo The Wall Street Journal với tựa đề "Phần mềm đang ăn cả thế giới" – rằng nó hiện đang gần như ở trong mọi thứ: điện thoại, xe hơi, lò vi sóng, tủ lạnh, máy pha cà phê,… và sửa chữa chúng trở nên khó hơn bao giờ hết. Tất cả các thiết bị được điện tử hóa đều có phần mềm nhúng – các đoạn mã chỉ cho cỗ máy phải làm gì và các thành phần của chúng nên tương tác với nhau như thế nào. Không có các đoạn mã đó, cà phê của chúng ta sẽ không được pha, xe hơi sẽ không tự động chuyển số,…

Khi bạn mua một cỗ máy như vậy, phần cứng của nó thuộc quyền sở hữu của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi các nhà sản xuất, họ sẽ nói rằng phần mềm ở bên trong chúng là thuộc về họ. Chúng đã được đăng ký bản quyền, và các nhà sản xuất sẽ không muốn bạn đụng chạm gì đến chúng, ngay cả khi thiết bị đã hỏng. Và nhờ một đạo luật mang tên Digital Millennium Copyright Act (tạm dịch: Luật bảo vệ bản quyền tác giả) do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông qua và ban hành, các nhà sản xuất được phép cài đặt mã khóa kỹ thuật số để ngăn người khác can thiệp vào phần mềm của mình. Châu Âu cũng có bộ luật tương tự. Ban đầu, những bộ luật này được thiết kế để ngăn chặn việc sao chép phim và nhạc lậu, nhưng ngày càng có nhiều nhà sản xuất lợi dụng chúng để kiểm soát những sản phẩm mà họ bán cho bạn.

Ví dụ, cách đây không lâu HP đã vô hiệu hóa từ xa các máy in sử dụng hộp mực chưa được cấp phép, hay hãng sản xuất thiết bị nông nghiệp John Deere tại Mỹ đã triển khai các mã khóa kỹ thuật số để đảm bảo chỉ có các kỹ thuật viên của họ mới có thể sửa bất kỳ thứ gì liên quan đến phần mềm của sản phẩm. Khi được hỏi, công ty khẳng định rằng nông dân không thực sự sở hữu các thiết bị đó, nhấn mạnh rằng phần mềm thuộc quyền sở hữu của công ty và không ai được phép can thiệp.

Lời kết

Cuộc chiến pháp lý giữa người tiêu dùng và các hãng sản xuất đã, đang và sẽ còn kéo dài, khi ai cũng có những luận điểm và lợi ích riêng cần phải bảo vệ. Tuy nhiên, khi đấu tranh cho quyền được sửa chữa, người tiêu dùng sẽ có thêm những sự lựa chọn hữu nghị hơn, nhanh chóng hơn khi thiết bị của họ gặp vấn đề. Chính người tiêu dùng mới là những người có quyền đưa ra quyết định cuối cùng, chứ không phải các nhà sản xuất.

Quyền sửa chữa thiết bị điện tử không chỉ dừng lại ở việc sửa chữa, cũng chẳng phải chỉ áp dụng cho lĩnh vực công nghệ. Nó là về quyền sở hữu. Bạn bỏ tiền ra ;mua một thứ, vì vậy bạn sở hữu nó – và không phải chỉ một phần mà là toàn bộ nó. Khái niệm "quyền sở hữu" không nên thay đổi, chỉ vì sản phẩm có một con chip ở bên trong.

Văn Hoàn

Chủ đề khác