VnReview
Hà Nội

Không chỉ là ứng dụng chat đơn thuần, WeChat đang thực sự thâu tóm cả Trung Quốc

Không chỉ dừng lại ở vị trí là một ứng dụng nhắn tin đa công dụng, WeChat còn muốn trở thành hệ thống định danh trực tuyến của Trung Quốc.

> Dân Trung Quốc gửi 46 tỷ lì xì qua WeChat dịp Tết Âm lịch 2017

> Chính phủ Trung Quốc nắm giữ toàn bộ dữ liệu người dùng WeChat

WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc, là một ứng dụng hiếm hoi có mỗi quan hệ thân thiết với chính phủ Trung Quốc. Từ ngày đầu ra mắt, WeChat đã được chính phủ trợ cấp và trở thành công cụ giám sát người dùng công khai của chính phủ. Không chịu dùng lại là một ứng dụng nhắn tin thông thường, WeChat còn muốn được tích hợp vào hệ thống định danh điện tử của Trung Quốc.

Có lẽ sẽ thật khó cho những ai sinh sống ngoài Trung Quốc để có thể hiểu hết được tầm ảnh hưởng của WeChat tại đất nước tỉ dân này. Ben Thompson, người sáng lập ra trang blog Stratechery đã giải thích: "Mọi thứ chúng ta cần ở một chiếc điện thoại đều được đáp ứng bởi WeChat, và không nơi nào trên thế giới ngoài Trung Quốc, điện thoại thông minh là tất cả mọi thứ. Cũng tại quốc gia này, không có gì ngoài WeChat là có thể sử dụng được, không LINE, không WhatsApp, không Facebook".

Được thành lập và sở hữu bởi Tencent từ năm 2011, WeChat hiện nay đang có 902 triệu người dùng hàng ngày với ước tình khoảng 38 triệu đoạn tin nhắn được gửi thông qua nền tảng này mỗi ngày. Năm trước, Tencent còn bổ sung thêm nhiều ứng dụng mini khác vào WeChat và tạo ra hẳn một cửa hàng cho những ứng dụng kiểu này. Với WeChat bạn có thể chơi game, tìm những địa điểm được nhiều người ghé qua, đặt lịch hẹn với bác sỹ, lưu trữ báo cáo của cảnh sát, gọi xe taxi, tổ chức hội nghị thông qua video call và truy cập vào những dịch vụ ngân hàng. Phương tiện truyền thông Nhà nước và các ban ngành thuộc chính phủ cũng có tài khoản WeChat chính thức để có thể trực tiếp giao tiếp với người dùng. Có thể nói, WeChat được thống trị là nhờ sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ thông qua việc chặn Facebook Messenger từ năm 2009, khóa ứng dụng LINE từ năm 2015 và cấm WhatsApp từ năm trước.

Yuhua Wang, người đã từng có thời gian sinh sống tại Thượng Hải đồng thời cũng là tác giả của bài viết "WeChat đã trở thành phần quan trọng cực lớn trong cuộc sống của chúng ta như thế nào", đã nói rằng: "WeChat dần trở thành một thứ không thể không sử dụng". Ngay cả những người gốc Trung Quốc đang sinh sống tại nước ngoài cũng phải sử dụng WeChat để có thể liên lạc với người thân bởi chính phủ Trung Quốc đã cấm các ứng dụng liên lạc khác đến từ Mỹ.

Không chịu dừng lại, WeChat còn sẵn sàng để trở thành hệ thống định danh điện tử của Trung Quốc. WeChat sẽ tự phát hành thẻ định danh ảo để thay thế cho thẻ định danh vật lý phát hành bởi Nhà nước (tương tự như Chứng minh thư). Đây không phải là một viễn cảnh bất khả thi bởi những người dùng WeChat đều được yêu cầu phải đăng kí tài khoản với tên thật của mình. WeChat hoàn toàn có thể thay thế được thẻ căn cước truyền thống. Giáo sư Willy Shih thuộc chuyên ngành quản lí của Havard Bussiness School đã đánh giá quá trình truyển đổi sang sử dụng thẻ định danh trực tuyến là một "bước tiến hóa có thể đoán trước được".

Giai đoạn thử nghiệm của quá trình này được bắt đầu vào cuối tháng 12 vừa qua và sẽ dần mở rộng trên toàn lãnh thổ Trung Quốc trong suốt tháng Một. Chương trình này được phát triển nhờ vào sự hợp tác giữa Bộ Công an và đội ngũ WeChat đến từ Tencent và được tài trợ bởi nhiều ngân hàng và các ban ngành chính phủ khác bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Phòng cảnh sát Quảng Châu chi nhánh Nansha.

Để có thể tham gia chương trình thử nghiệm này, người dùng phải sử dụng một ứng dụng mini thuộc WeChat để đồng ý xác nhận. Sau đó WeChat sẽ cung cấp cho người dùng một thẻ định danh số đen trắng có thể được dùng cho những mục đích không chính thức như là đăng kí sử dụng tại một cửa hàng internet cafe (ở Trung Quốc, để có thể đăng nhập Internet, người dùng phải cung cấp số định danh của mình). Người dùng có thể nâng cấp thẻ của mình lên thành thẻ màu. Những thẻ này có thể sử dụng cho các hoạt động ngân hàng chính thức và đăng kí giấy phép kinh doanh. Để bảo mật thẻ định danh của mình, người dùng có sử dụng một mật khẩu có tám chữ số. Và theo thông tin từ trang báo Xinhua, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng sẽ được sử dụng để xác nhận thông tin người dùng trước khi cấp quyền cho thẻ định danh. Điều này được cho là nhằm phát hiện các hành vi lừa đảo nhận dạng. Không những vậy ứng dụng này còn có thể nhập thông tin vân tay và thẻ chip từ thẻ định danh vật lý của người dùng.

Trang Xinhua còn cho biết rằng thẻ định danh số sẽ là "cách dễ nhất để xác nhận danh tính bản thân dù bạn đang ở bất kì đâu và bất kì khi nào mà không phải lo lắng về việc bị trộm cắp danh tính". Tất nhiên người dùng WeChat sẽ vẫn phải mang theo điện thoại của mình và sẽ vẫn có nguy cơ bị trộm cắp danh tính nếu để người có quyền truy cập vào điện thoại của mình. Hiện tại thì nhóm phát triển WeChat và Bộ Công an Trung Quốc đều không đưa ra bình luận gì.

Thẻ định danh số đã từng được Trung Quốc đưa vào thử nghiệm trước kia. Vào năm 2016, Cục Công an tỉnh Vũ Hán cũng đã hợp tác với nền tảng thanh toán Alipay để xây dựng hệ thống thẻ định danh điện tử tại Hồ Bắc. Trong năm đầu ra mắt đã có 400.000 tại Vũ Hán sử dụng công nghệ này. Không những vậy, còn có những bản cập nhật tung ra sau đó đã cho phép ứng dụng Alipay trở thành sự thay thế cho chiếc thẻ định danh vật lý cho nhiều cư dân của thành phố. Alibaba từ chối đưa ra bình luận về thông tin này và chỉ tiết lộ rằng chương trình này đã ngừng hoạt động.

Với những quan sát viên, vai trò mới này của WeChat sẽ để lại nhiều sự lo ngại về quyền riêng tư. Ngoài ra mối gắn bó thân thiết của dịch vụ này với chính phủ cũng là một rủi ro. WeChat đã công bố rõ ràng trong Chính sách Quyền riêng tư của mình rằng công ty này có quyền được giữ lại dữ liệu người dùng "đủ lâu" để "thực hiện các luật và điều lệ hiện hành". Song trong một bài viết đã bị xóa, WeChat khẳng định rằng mình không hề lưu trữ lại tin nhắn của người dùng.

Những lời thuyết phục về sự tôn trọng quyền riêng tư chẳng thể xóa lời đồn về việc WeChat là một công cụ để theo dõi người dân. Không những thế, WeChat còn chẳng có những biện pháp bảo vệ nào đủ mạnh trước sự giám sát từ phía chính phủ. Trong hội nghị quốc tế về tính riêng tư người dùng tổ chức tại Amnesty vào năm 2016, WeChat được nhận hẳn điểm "0" trên thang điểm 100 với lí do là thiếu sự tự do ngôn luận và thiếu các công cụ mã hóa cần thiết.

Nhưng quan ngại là vậy, WeChat vẫn thống trị. Matt Wright nói cho rằng: "Tại Trung Quốc, việc chính phủ có quyền thâm nhập sâu vào đời sống người dân đã trở thành một ‘phong tục'. Chỉ cần bạn không làm điều gì dại dột và đối đầu với chính phủ, họ sẽ không đào bới dữ liệu của bạn đâu". Và để kết luận vấn đề đang bàn luận, Shih cho rằng các biện pháp bảo vệ sự riêng tư trên ứng dụng không phải là điều quá quan trọng tại Trung Quốc: "Đây thực sự chẳng phải là vấn đề của người dân tại quốc gia này bởi ở đó họ vốn làm gì có sự riêng tư".

Cho dù tại Trung Quốc cũng đang xuất hiện những dấu hiệu bất bình với việc thu thập dữ liệu người dùng do Nhà nước thực hiện nhưng nó chẳng đủ sức để làm lung lay những lợi thế mà WeChat đang có. Và WeChat vẫn sẽ tiếp tục tiến bước dưới sự che trở của chính phủ và các cơ quan ban ngành để hoàn thiện hệ thống thẻ định danh số và củng cố vị thế là một ứng dụng cấp quốc gia.

TN

Chủ đề khác