VnReview
Hà Nội

"Tháng năm rực rỡ": ăn theo phim Hàn có làm nên thành công?

"Niềm vui thoáng chốc mà ngỡ là mãi mãi, chia ly đằng đẵng là bữa tiệc tuổi thanh xuân. Những tháng năm đam mê vô tình bị trả lại, tuổi thanh xuân trôi đi như dòng nước"...; 

Một Đà Lạt trong phim đầy màu hoài niệm...

Bản OST của bộ phim "So young" của ca sĩ kiêm đạo diễn Triệu Vy ở trên ít nhiều phản ánh tâm trạng của người xem khi thưởng thức bộ phim "Tháng năm rực rỡ" trên màn ảnh rộng - một bộ phim Việt được remake (làm lại) từ tác phẩm "Sunny" của điện ảnh Hàn Quốc. 

Sau "Em là bà nội của anh", một loạt tác phẩm điện ảnh remake từ các bộ phim Hàn Quốc được các nhà làm phim Việt tung ra. Chỉ riêng trong tháng 3 này đã có tới 3 bộ phim remake từ phim Hàn, mở màn là "Tháng năm rực rỡ" và liệu nó có vượt qua cái bóng của tác phẩm gốc để trở thành một bộ phim đáng để ra rạp tại Việt Nam?

Những hồi ức về thanh xuân tươi đẹp

Nếu đã từng xem các tác phẩm "You're the Apple of My Eye" (Cô gái mà năm ấy chúng ta cùng theo đuổi) của Đài Loan hay "So young" (Gửi thanh xuân) của điện ảnh Trung Quốc trước đó, ắt hẳn bạn cũng sẽ nhớ về tuổi trẻ của mình dù là thanh xuân tươi đẹp hay nhọc nhằn nắng mưa. Bản remake của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dựa trên bộ phim gốc "Sunny" của điện ảnh Hàn Quốc cũng được phát triển dựa theo mạch cảm xúc ấy...

Sunny của Hàn Quốc

...và nhóm "Ngựa hoang" trong "Tháng năm rực rỡ" của Việt Nam

Phim sử dụng mạch thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nhưng đều có chung đặc điểm là thời Internet và mạng xã hội còn chưa phổ biến, nên ít nhiều chứa đựng sự hồn nhiên và gắn kết của đời sống thực hơn là những mối liên kết qua mạng hiện nay. Phim kể về tình bạn hồn nhiên của trưởng nhóm Mỹ Dung (do Hoàng Oanh thủ vai) đã dẫn dắt nhóm bạn của mình và thành viên mới Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi) của nhóm "Ngựa hoang" trải qua nhiều ký ức tươi đẹp và nổi loạn ở thành phố Đà Lạt vào những năm cuối chiến tranh.

Từ những hiểu nhầm cho tới những khác biệt về giai cấp/giàu nghèo đã khiến họ xích lại gần nhau, cùng vượt qua những màn bạo lực tuổi học đường cho tới những rung động đầu đời... 6 cô gái "Ngựa hoang" rồi cũng phải nói lời tạm biệt thanh xuân sau biến cố của một thành viên và ly tán ở khoảnh khắc giao thời loạn lạc, cùng lời hứa sẽ gặp lại...

Hoàng Yến Chibi tiếp tục cho thấy cái duyên với điện ảnh của mình

Thời gian vụt trôi, 25 năm sau, Hiểu Phương (giờ đây do Hồng Ánh đóng) đã khá giả hơn và trong một dịp tình cờ đã có dịp gặp lại trưởng nhóm Mỹ Dung (giờ là Thanh Hằng thủ vai) đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư quái ác. Nhớ lại những ký ức tươi đẹp với sự dìu dắt của bạn, Hiểu Phương đã tìm cách kết nối và tìm lại nhóm bạn cũ Ngựa hoang của mình để giúp ước nguyện cuối của Mỹ Dung trở thành hiện thực. Hành trình tìm lại các thành viên trong nhóm cũng giúp Phương tìm lại tuổi thơ của mình, kể cả mối tình đơn phương dang dở thoảng qua của cô... 

Ở tác phẩm gốc "Sunny", phần đầu phim gắn liền với phong trào đấu tranh dân chủ chống lại chế độ độc tài khét tiếng của Park Chung-hee vào những năm 1980. "Tháng năm rực rỡ" lại sử dụng những năm cuối của chiến tranh Việt Nam ở thành phố Đà Lạt để đặt làm bối cảnh của thời thanh xuân mà nhóm "Ngựa hoang" trong phim trải qua, nhờ vậy mà các cảnh quay ở đây lên phim trông "như phim Hàn", một phần nhờ thành phố này còn giữ lại nhiều kiến trúc nguyên sơ và có sự ưu ái của thời tiết/thiên nhiên nên dễ chiếm cảm tình của người xem, chưa kể diễn xuất  và lời thoại của Hoàng Yến Chibi và dàn diễn viên trẻ dù chưa xuất sắc nhưng khá ổn, không quá cứng/gượng gạo như thường thấy ở các bộ phim nội địa khác.  

... và hiện tại thất bại

Dàn diễn viên vào vai nhóm "Ngựa hoang" ở thời hiện tại trong phim

Trong khi "Sunny" có nửa đầu "thường thường" và nửa sau giàu cảm xúc thì "Tháng năm rực rỡ" lại ngược lại, nửa đầu phim khá ổn từ hiện tại tới quá khứ đan xen, nhưng nửa sau có gì đó hơi vội vã khiến diễn xuất cho tới kịch bản khá gượng ép, hơi có cảm giác "đầu voi đuôi chuột". 

Một phần do diễn xuất của dàn diễn viên cũng như kịch bản dành cho họ, ngoại trừ vai diễn Hiểu Phương của diễn viên Hồng Ánh thì các vai diễn còn lại đều khá gượng gạo. Thanh Hằng vẫn thế, chưa thoát khỏi diễn xuất của một... người mẫu. Chưa kể hóa trang và tạo hình cho vai diễn Mỹ Dung khi trưởng thành của cô không ổn, dù cô có giãy giụa trên giường bệnh nhưng hóa trang và diễn xuất của cô khó mà thuyết phục được khán giả rằng Mỹ Dung đang trải qua giai đoạn cuối của bệnh ung thư... Chưa kể cảnh cùng nhau đi "dẹp loạn" của nhóm bạn trưởng thành thực sự giống màn... tấu hài hơn là phim ảnh nghiêm túc. Chưa kể hành trình đi tìm lại các thành viên trong nhóm của Hiểu Phương ở hiện tại khá "kịch" và lỏng lẻo, thiếu tính logic thực tế và vụn vặt.

Nhìn chung, dàn diễn viên đóng nhóm "Ngựa hoang" lúc lớn tỏ ra lép vế so với dàn diễn viên trẻ vào vai nhóm thời học sinh, điều đó ít nhiều khiến sự kết nối của hiện tại và quá khứ trong phim trở nên lỏng lẻo, làm giảm chất lượng tổng thể của "Tháng năm rực rỡ".

Trong khi đó, các bài hát và bản nhạc trong phim khá ổn, đáng tiếc là đôi khi đạo diễn cắt cảnh/chèn vào hơi gượng gạo. Các cảnh quay và góc quay ổn, dù đôi khi hơi lạm dụng DoF quá đà. Đây cũng là điểm trừ đáng tiếc dù phim có nhiều bản nhạc sôi động...

Có nên tiếp tục làm phim remake?

Từ trước tới nay không thiếu các bộ phim remake từ bản gốc, chủ yếu là được làm dựa trên thành công của bản gốc vì nhiều lý do, chẳng hạn như muốn bản địa hóa câu chuyện của phim (The Ring của Hollywood làm theo của Nhật Bản,...), hay vì muốn dựa trên công nghệ/kỹ xảo làm phim để kể lại câu chuyện sao cho hấp dẫn hơn, sống động hơn (Blade Runner 2049", Mad Max: Fury Road,...). Tuy nhiên, do là bản "sao chép" nên rất hiếm bộ phim remake vượt qua thành công của bản gốc, có chăng "Mad Max: Fury Road" có thể xem là một ngoại lệ hiếm hoi, nhất là remake từ điện ảnh nước khác.

"Cô ba Sài Gòn" là tác phẩm thuần Việt khai thác tốt những chất liệu có sẵn trong nước

Đó là câu chuyện của Hollywood và điện ảnh nước ngoài, còn tại Việt Nam, đã có một vài bộ phim làm lại từ nước ngoài nhưng hầu hết là nhạt nhòa. Cho đến "Em là bà nội của anh" được làm lại từ phim Hàn Quốc đã ít nhiều gặt hái được thành công về mặt thương mại và thị hiếu, nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi vì nó vẫn là một sản phẩm "sao chép", dù các bản nhạc trong phim có hay tới đâu hay nó ăn khách cỡ nào... 

Khi xem rạp, tôi đã thấy nhiều khán giả có dịp cười vui vẻ với các màn gây hài trong phim, tất nhiên có cả những màn chọc cười quá lố theo kiểu "làm quá" của điện ảnh Hàn Quốc, cũng như chút sụt sùi với một vài cảnh xúc động ở nửa đầu phim, điều tương tự cũng diễn ra khi tôi xem "Em là bà nội của anh". Đây là một tin mừng với các nhà sản xuất remake, nhưng là điều đáng buồn với các nhà làm phim Việt Nam khi ít tạo được hiệu quả tương tự...

Trailer chính thức của "Tháng năm rực rỡ"

Có thể nói, với sự hậu thuẫn của hệ thống phát hành phim Hàn Quốc vốn rất mạnh ở Việt Nam cùng kịch bản ổn, diễn xuất tròn vai và bàn tay của các nhà sản xuất từ Hàn Quốc, "Tháng năm rực rỡ" có thể sẽ là một bộ phim thương mại  thành công nữa nối gót "Em là bà nội của anh". Phim giúp người xem có những khoảng thời gian giải trí vui vẻ và chút hoài niệm về tuổi thanh xuân của đời người...

Nhưng có lẽ thành công của nó sẽ chỉ dừng lại ở đó mà thôi nếu các nhà làm phim không chịu khó học hỏi mà chỉ mãi làm "gia công" hoặc "copy" từ điện ảnh nước khác, để rồi mải mê với thành công (doanh thu) từ các sản phẩm remake. Thay vì dám lách qua khe hẹp để sáng tạo dựa trên chất liệu sẵn có của Việt Nam như phim "Dòng máu anh hùng", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". "Cô gái đến từ hôm qua" hay gần đây là "Cô ba Sài Gòn" đã từng làm được trước đó...

TM

Chủ đề khác