VnReview
Hà Nội

Chúng ta nghiện smartphone và Facebook bởi vì chúng ta là con người và chúng ta tiến hóa

Bạn có cảm thấy bạn đang nghiện Facebook? Đó là bởi vì bạn là con người. Nhưng hãy nhớ rằng, điện thoại là một công cụ chứ không phải là chủ nhân của chúng ta.

Một nghiên cứu được xuất bản cách đây không lâu đã đưa ra một cách suy nghĩ hoàn toàn mới về chứng nghiện smartphone của chúng ta. Các tác giả cho rằng hàng trăm ngàn năm tiến hóa đã khiến chúng ta trở nên hòa nhập với xã hội hơn để tồn tại - và các phương tiện truyền thông xã hội đơn giản là đã thúc đẩy hành vi đó lên một tầm cao mới. Theo các nhà nghiên cứu, điều này không thực sự tồi tệ, nếu bạn tuân theo hai quy tắc cơ bản.

Nhưng trước khi đưa ra các khuyến nghị, chúng ta hãy xem nghiên cứu của các tác giả Samuel P. L. Veissière và Moriah Stendel đến từ trường Đại học McGill ở Montreal. Họ đã phân tích chứng "nghiện màn hình" theo quan điểm tiến hóa thuần túy. Các nhà khoa học tiến hóa, nhân chủng học và hành vi đã chứng minh rõ ràng rằng loài người thành công bởi vì nhu cầu tìm kiếm thông tin và kết nối, học hỏi từ bạn bè. Là một phần của sự học hỏi, con người đồng thời cũng liên tục so sánh mình với người khác. Trước đây, sự so sánh này – như tìm kiếm và tạo ra những mẫu mực chung - khiến chúng ta thành lập các nhóm và cuối cùng là các nền văn hoá.

Từ quan điểm đó, có thể kết luận bản thân điện thoại thông minh và mạng xã hội không tiêu cực. Bộ não xã hội hóa của chúng ta kích thích dopamine - một chất hóa học có trong não khiến chúng ta cảm thấy tốt - khi chúng ta kết nối với người khác và tìm hiểu về họ. Đây là những gì thực sự đã xảy ra với chúng ta khi lần đầu tiên tiếp xúc với điện thoại. Trên thực tế, các nhà khoa học khẳng định, những công nghệ này ban đầu không hề độc hại. Lúc đầu, đó là những công cụ vô cùng hữu ích giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn bằng cách hòa nhập hiệu quả hơn.

Nhưng sau đó mọi thứ trở nên tồi tệ, khi Facebook- cùng với Apple, các nhà phát triển game trên di động và nhiều công ty khác - tận dụng nhu cầu tự nhiên của chúng ta để kết nối. Veissière và Stendel tuyên bố rằng các công ty này đã bổ sung thêm các yếu tố để tăng trải nghiệm người dùng được thiết kế để gây nghiện, dẫn đến trầm cảm và lo lắng.

Nói tóm lại, ngành công nghệ đã sử dụng khoa học hành vi và làm hỏng một công nghệ lẽ ra rất tích cực với con người, nhưng cuối cùng lại biến con người thành "những thây ma chống lại xã hội hóa, bị ám ảnh bởi chính bản thân mình".

May mắn là, các tác giả đã đưa ra hai biện pháp đơn giản và rất hợp lý - và cả hai biên pháp này đều không yêu cầu vứt bỏ điện thoại hoặc từ bỏ mạng xã hội hoàn toàn. Điều đó sẽ đi ngược lại bản chất của chúng ta (và sẽ rất ngớ ngẩn). Thay vào đó, tất cả lời khuyên của các nhà khoa học đều bắt nguồn từ nguyên tắc của Phật giáo là nuôi dưỡng "hồn ma đói" của bạn. Thay vì say mê và liên tục nuôi dưỡng sự đói khát kết nối xã hội, chỉ cần bạn "ăn" ít hơn.

Vì vậy, bước đầu tiên là loại bỏ hệ thống khen thưởng làm biến bạn thành zombie: nghĩa là tắt tất cả các loại thông báo. Tắt cả chuông Facebook. Nếu bạn bật thông báo, bạn đang tạo cho các công ty công nghệ khả năng biến não của bạn thành nô lệ của họ, kích hoạt các lần tiết dopamine bằng cách liên kết những âm thanh và hình ảnh minh hoạ với những phần thưởng ngẫu nhiên. Thay vào đó, bạn chỉ cần kiểm tra điện thoại hai hoặc ba lần trong ngày để xem ai thích ảnh của bạn và nhận xét về bài đăng của bạn hoặc những gì bạn bè của bạn đang làm.

Khuyến cáo thứ hai: Đừng tự so mình với cuộc sống "sang chảnh" của người khác. Bạn không nên nhìn nhận quá nghiêm túc về cuộc sống của người khác trên Facebook vì họ chỉ "tốt thì khoe ra, xấu xa đậy lại". Thay vào đó, hãy cố gắng nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống của mọi người cũng đầy những "thứ tào lao", giống như của bạn vậy. Chỉ cần quan sát, học hỏi, và, bất cứ khi nào có thể, hãy ăn mừng.

Veissière và Stendel tin rằng các công ty cũng có thể giúp hạn chế nghiện bằng cách cấm tất cả email công việc, nhắn tin và mọi tương tác công việc sau giờ làm việc. Đây là điều mà Pháp đã ra luật cấm. Tùy theo chính sách của bạn, hãy học cách thực hiện nó.

Cuối cùng, các tác giả khẳng định, chúng ta không thể đổ hết lỗi cho điện thoại thông minh, hay các công ty muốn bẫy chúng ta vào một vòng tròn nghiện ngập với những phần thưởng và những hình phạt ngẫu nhiên. Chúng ta không thể rên rỉ, ngay cả khi sự tiến hóa rõ ràng cho thấy rằng chúng ta cần kết nối xã hội để phát triển. Chúng ta có quyền tự do làm bất cứ điều gì mình muốn với chiếc điện thoại thông minh. Nhưng hãy nhớ rằng, điện thoại là một công cụ chứ không phải là chủ nhân của chúng ta.

Hoàng Lan

Theo Fastcodesigh

Chủ đề khác