VnReview
Hà Nội

Tạo hình cho ác nhân bằng CGI là một ý tưởng tồi, và Thanos là minh chứng rõ ràng nhất

Khuôn mặt màu nho úa vô hồn của Thanos trong Infinity War là một lời nhắc nhở rằng, nhiều lúc tạo hình nhân vật bằng trang điểm và hoá trang vẫn có sức thuyết phục hơn nhiều.

Đoạn trailer cuối cùng của Infinity War cho thấy một mối hiểm hoạ kinh hoàng cho Trái Đất. Quân lính hai bên lao vào những trận chiến sống còn. Xác chết tràn ngập màn hình. Âm nhạc hùng tráng. Những màn chạm trán đầy cảm xúc. Sấm chớp rền vang. Và ở trung tâm của mọi thứ... là Thanos - kẻ huỷ diệt vũ trụ đáng sợ với hình hài một con ma-nơ-canh cao su, màu tím, đầu trọc, cằm đầy rãnh chẳng có sợi râu nào.

Chúng ta phải công nhận một sự thực rằng: Thanos chẳng hề ấn tượng chút nào; lão trông thật quái đản thì đúng hơn. Một tên ác nhân được đặt tên theo cái chết lẽ ra phải trông đáng sợ hơn và toát lên vẻ "chết chóc" hơn. Thay vào đó, Thanos lại xuất hiện chẳng khác gì một gã họ hàng xa của con quái vật Grimace trong quảng cáo của hãng McDonald, trừ việc Grimace ít ra còn dọa được trẻ em.

Con quái vật Grimace của McDonald

Chuyện gì đã xảy ra tại studio hiệu ứng đặc biệt của Disney? Chẳng có gì bí ẩn cả, khi mà dòng phim siêu anh hùng ngày nay phụ thuộc nặng nề vào đồ hoạ máy tính tiên tiến tuyệt đẹp. Công nghệ CGI đã giúp hiện thực hoá thân hình uốn dẻo dài ngoằng của Reed Richards (Mr Fantastic trong Fantastic 4), hay giúp Dr Strange phóng ra được những tia điện chứa năng lượng bóng tối. Các siêu năng lực nay có thể được mang lên màn ảnh rộng theo những cách mà từ trước đến nay không thể thực hiện được. Vào năm 1978, poster phim Superman (siêu nhân) đã hứa hẹn rằng "Bạn sẽ phải tin rằng một người đàn ông có thể bay được". Ngày nay, phim ảnh có thể khiến bạn thực sự tin rằng một con chồn có thể bắn những khẩu súng to gấp đôi thân mình, hay toa tàu lửa Thomas The Tank Engine có thể biến to ra như thật (trong phim Ant-man). Mọi thứ đều có thể.

Nói chính xác hơn, mọi thứ đều có thể khi "mọi thứ" đó sở hữu những đường nét gọn gẽ, bóng loáng. CGI được áp dụng khá tốt đối với tạo hình các siêu anh hùng. Bộ giáp công nghệ cao của Iron Man trở nên chân thực hơn khi có các đường vát sắc lẹm và bề mặt sáng bóng. Ngay cả gã khổng lồ Hulk cũng rất đáng khen ngợi, khi vẻ ngoài của gã được xử lý một cách rõ ràng, gây ấn tượng cũng như tạo sự đồng cảm tốt hơn. CGI làm cho Hulk trông đôi chút không thực, nhưng nhờ đó lại làm giảm độ đáng sợ của gã - cũng hợp lý thôi, vì khán giả không nên sợ Hulk, gã là một người tốt mà.

Nhưng áp dụng CGI lên ác nhân lại là một vấn đề lớn. Những kẻ phản diện trong phim siêu anh hùng phải thực sự kinh khủng, chứ không phải trông bình thường hay ngớ ngẩn một cách thái quá. Độ sắc nét đáng ngạc nhiên của CGI đã khiến Ultron trông như một món đồ chơi, không phải một mối đe dọa. Những con quái vật ngoài hành tinh bằng CGI trong The Avengers thì quá "hiền lành" khiến khán giả quên ngay chúng trông thế nào chỉ sau 5 phút biến mất khỏi màn hình. Nhưng vậy vẫn chưa hẳn là một thảm họa, như quái vật Doomsday trong Batman v Superman: đáng lẽ phải tạo ra một con quái vật đáng sợ xù xì, thô kệch như đá, CGI lại biến kẻ thù truyền kiếp của Superman thành một con thú hoạt hình nhạt nhòa. Hay Ares trong trường đoạn chiến đấu cuối phim Wonder Woman trông chẳng khác gì một đoạn cắt cảnh hào nhoáng nhưng vô vị trong các video game.

Doomsday trong Batman v Superman

Từ trước đến nay, những tạo hình ác nhân ấn tượng nhất lại thường sử dụng các phương thức truyền thống như: trang điểm, lắp các bộ phận giả, hóa trang, cùng sự khéo léo của các nghệ sỹ. Những con orc và quái vật trong trilogy Lord of the Rings của Peter Jackson có lẽ sẽ kém ấn tượng đi nhiều nếu WETA (công ty chuyên làm kỹ xảo) tìm cách tạo hình chúng bằng máy tính. Hay quái vật Jabba the Hutt trong trilogy phim Star Wars gốc trông thật đáng sợ và ghê tởm nhờ tài năng thiên tài của các nghệ sỹ rối - mà sau đó đã bị bỏ đi một cách phũ phàng khi George Lucas quyết định thay thế bằng một con Jabba tầm thường, trông như cao su được dựng bằng CGI trong các phiên bản sau này. Có lẽ bạn đã biết, một trong những ác nhân kinh hãi nhất trong vòng 50 năm qua, Darth Vader, chỉ là một người đàn ông đeo mặt nạ bình thường mà thôi.

Nhiều khi, những ác nhân vĩ đại nhất lại được tạo nên bởi những diễn viên tài năng khi họ bộc lộ sự hung ác của mình mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ công nghệ. Hiệu ứng đặc biệt sẽ trở nên thừa thãi nếu áp dụng lên các nhân vật như Grand Moff Tarkin của Peter Cushing, hay Joker của Heath Ledger. Michael Keaton khi là người bình thường trong Spider-Man: Homecoming thậm chí còn đáng sợ hơn Michael Keaton khi mặc lên mình bộ giáp Vulture, bởi phiên bản người thường của nhân vật Vulture thực ra lại biểu đạt được nhiều sắc thái hơn, nhân cách hóa hơn và đặc trưng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà ác nhân có vẻ ngoài thành công nhất trong vài năm trở lại đây là Hela trong Thor: Ragnarok - một nhân vật mà CGI chỉ được áp dụng lên bên ngoài chứ không tác động lên tạo hình cốt lõi. Hela trong Thor: Ragnarok về cơ bản chỉ là nữ diễn viên Cate Blanchett với lớp trang điểm theo phong cách Gothic mà thôi. Những chiếc sừng CGI đậm chất ma quái và khoa trương của Hela chỉ mang tính chất trang trí thêm mà thôi. Đội ngũ hiệu ứng đặc biệt của Ragnarok đã sử dụng CGI để đưa thiết kế "chất lừ" này đặt lên một diễn viên vốn đã "đỉnh", thay vì dựa vào công nghệ máy tính để tạo ra vẻ ma quái của Hela.

Hela trong Thor: Ragnarok

Vấn đề đối với các ác nhân tạo hình bằng CGI không phải là do CGI kém. Ứng dụng CGI lên các nhân vật cần một vẻ ngoài siêu thực như robot biến hình T-1000 trong Terminator 2 là một cách hiệu quả để mang lại những nét kỳ quái khác lạ. Vấn đề ở đây là các nhà sản xuất phim siêu anh hùng đã quá lạm dụng CGI như một lối tắt trong thiết kế quái vật. CGI có thể mang lại nhiều lợi thế và tính linh động, và nó là giải pháp hiển nhiên khi tạo hình các nhân vật như Thanos - vốn không bao giờ có thể xuất hiện ngoài đời thực. Nhưng các ác nhân CGI lại nhanh chóng lỗi thời. Nghệ thuật luôn tiến rất nhanh, và các nhân vật CGI từ năm trước sẽ trông khá tệ chỉ sau một năm. Darth Vader trong Star Wars vẫn đáng sợ và khiến người ta lạnh người dù đã 40 năm từ khi hắn lần đầu xuất hiện. Trong khi Justice League mới ra mắt năm ngoái thôi, và ác nhân Steppenwolf đã trông khá rẻ tiền rồi.

Máy tính là một công cụ rất hữu dụng, nhưng nó không thể thay thế được cho khuôn mặt và biểu cảm thực sự của con người. Còn gì thú vị để mà tưởng tượng khi mối đe dọa từ vũ trụ lại trông như đứa con lai giữa Vin Diesel với một trái cà tím? Cuộc chiến thực sự trong phim siêu anh hùng không phải để chống lại sự thống trị thế giới của các thế lực, mà là để quyết định điều gì sẽ thống trị tương lai: CGI hay biểu cảm của diễn viên con người? Trong Infinity War, CGI đã thắng, và khán giả chính là những người đã bại trận.

Minh.T.T

Chủ đề khác