VnReview
Hà Nội

Mark Zuckerberg im hơi lặng tiếng giữa bão scandal, bán cả triệu cổ phiếu từ 3 tuần trước

"Mark Zuckerberg đang ở đâu?" là câu hỏi được nhiều tờ báo lớn và giới công nghệ đặt ra từ vài ngày nay, khi mà vụ bê bối Facebook bán đứng 50 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội này đang vô cùng nóng bỏng nhưng không hề thấy vị CEO này lên tiếng. Trong khi đó, các số liệu cho thấy CEO Mark Zuckerberg đã bán tháo 1,14 triệu cổ phiếu Facebook ba tuần trước khi bê bối rò rỉ thông tin người dùng nổ ra.

Mark Zuckerberg chưa hề đưa ra bất cứ phát ngôn nào về vụ việc, bất chấp làn sóng phản ứng dữ dội từ phía người dùng và phong trào #DeleteFacebook đang nổi lên khắp các mạng xã hội, không chỉ Facebook mà cả Instagram, Twitter. Thậm chí, Brian Acton, người sáng lập ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD vào năm 2014, cũng kêu gọi mọi người xóa Facebook. Tờ Financial Times đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Tại sao Facebook hầu như không có phản ứng gì sau khi vụ rò rỉ dữ liệu bị phát hiện? Ai là người chịu trách nhiệm cho vụ rò rỉ này? Tại sao Facebook lại chấp nhận các quảng cáo liên quan đến chính trị?...". Tờ CNBC cho biết nhà đầu tư công nghệ Jason Calacanis đã chính thức yêu cầu Mark Zuckerberg từ chức và đề nghị đưa COO Sheryl Sandberg lên thay thế.

Hiện tại, các nhà chức trách của Mỹ, EU và Anh đều tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra nhằm vào Facebook. Giới chính trị gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang đồng loạt gây sức ép buộc nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội vì hàng loạt bê bối mà mạng xã hội lớn nhất thế giới bị phanh phui thời gian qua.

Cuộc khủng hoảng mang tên Cambridge Analytica xảy ra đúng thời điểm mạng xã hội lớn nhất thế giới đang bị chỉ trích và đặt nghi vấn về sự can dự của nó vào các kết quả bầu cử. Năm nay, EU sẽ ban hành các quy định bảo vệ dữ liệu mới ngặt nghèo hơn, và nếu chiếu theo đó, Facebook có thể sẽ bị phạt tới 4% doanh thu toàn cầu do những vi phạm của mình.

Cổ phiếu của Facebook lập tức sụt giảm mạnh. Hôm 19/3, cổ phiếu của Facebook giảm hơn 10 %. Trong phiên giao dịch ngày 20/3, giá cổ phiếu mạng xã hội lớn nhất thế giới sụt 5,3%, vốn hóa thị trường theo đó sụt 49,4 tỷ USD. Cú giảm sốc của cổ phiếu Facebook cũng lây lan sang các hãng công nghệ và mạng xã hội khác. Cổ phiếu của Twitter sụt 10%, còn Snap Inc. mất 3% trong phiên giao dịch ngày 20/3.

Điều đáng nói là, từ trước đó 3 tuần, Mark Zuckerberg đã bán 1,14 triệu cổ phiếu Facebook, một mức bán cổ phiếu lớn nhất từ nội bộ một công ty trong số các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, theo số liệu của hãng nghiên cứu Argus Research. So với mức giá giảm hôm thứ hai (19/3), giá cổ phiếu Mark Zuckerberg giao dịch cao hơn 20 USD, nhờ đó tránh được việc thất thoát 70 triệu USD.

Trong hai tuần qua, Zuckerberg đã bán 228.400 cổ phiếu ngày 8-9/3, 220.000 cổ phiếu ngày 12-13/3 và 245.400 cổ phiếu ngày 14/3 (trích số liệu của Argus Research). Cộng với số bán ra trước đó một tuần, Zuckerberg đã bán tổng cộng 1,14 triệu cổ phiếu với mức giá trung bình 183,81 USD/cổ phiếu - tương đương 210 triệu USD. Tính đến ngày 21/3, Zuckerberg vẫn nắm giữ 391,1 triệu cổ phiếu, theo số liệu của S&P Global Market Intelligence.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho rằng việc bán cổ phiếu này đã có kế hoạch từ trước, vì hồi tháng 9 năm ngoái, Mark Zuckerberg từng tuyên bố sẽ bán 35-75 triệu cổ phiếu trong 18 tháng tới để lấy tiền cho hoạt động từ thiện. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ động thái bán cổ phiếu của Mark khi mà nó quá trùng hợp với sự cố rò rỉ dữ liệu người dùng lần này.

Ánh Mai

Chủ đề khác