VnReview
Hà Nội

Sillicon Valley đã trở thành thứ mà nó từng coi khinh như thế nào?

Silicon Valley giờ đã trở thành Wall Street thứ hai và đang đi vào vết xe đổ của chính Wall Street.

< Tiền bạc, quyền lực và quấy rối tình dục ở Silicon Valley

< COO Facebook: Không cần có bằng MBA để thành công trong công nghệ

10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Apple, Google, Microsoft, Amazon, Facebook… đã trở thành các ông trùm công nghệ ở thung lũng Silicon và đứng đầu danh sách các công ty có vốn hóa thị trường cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ những thành công đó có dấu hiệu tham lam như các tỉ phú tài chính ở phố Wall ngày nào.

Những nghi vấn trên có đúng hay không, mời bạn đọc VnReview theo dõi bài viết của tác giả Rahul Misra được đăng tải trên trang Medium gần đây.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 xảy ra, nhiều người cho rằng đó là một sự thay đổi cục diện đúng theo cách thế giới vận hành. Chúng ta đã học được một bài học khó khăn về cách mà thặng dư của chủ nghĩa tư bản trở nên tệ hại và chúng ta sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra lần nữa. Và rồi, các nhà công nghệ trở thành những người cứu rỗi thế giới.

Mười năm trôi qua, đến cuối năm ngoái 2017, 4 công ty đứng đầu thế giới về vốn hóa thị trường đều liên quan đến công nghệ: Apple, Google, Microsoft, Amazon. Còn gã khổng lồ Facebook đứng ở vị trí thứ sáu. Các ông trùm công nghệ và sản phẩm của họ đã làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, nhưng khi mặt tối trong thành công của họ được tiết lộ, ai đó phải tự hỏi nhiều hơn về việc những tháp ngà công nghệ có dựa trên cùng nền tảng các tỉ phú tài chính tham lam ở phố Wall (Wall Street) ngày nào hay không. Và khi đào sâu hơn, những sự tương đồng hiện ra là những sự thật không thể chối cãi.

"Giao kèo với quỷ dữ"

Ở đỉnh cao của sự tồi tệ, Wall Street đã "cặp kè" với một số thể chế xấu xa nhất hành tinh. Các xảo thuật kế toán đã tài trợ cho chiến tranh và bất công khắp thế giới với một khoản phí rất lớn. Cách đây vài năm, HSBC bị phạt 1,9 tỉ USD vì có chân trong các tổ chức tài chính liên quan tới khủng bố. Vai trò của Wells Fargo (một ngân hàng lớn ở Mỹ, tên cũ là Wachovia Bank) trong việc rửa tiền các phi vụ buôn ma túy ở Mexico đã được báo cáo với các bằng chứng rất thuyết phục.

(Ảnh: Real Agenda)

Chắc chắn là, khi những doanh nhân công nghệ mới của chúng ta chiếm lấy ngôi vị (ở Silicon Valley), chúng ta kỳ vọng các quyết định của họ dựa trên trọng tâm luân lý vững vàng. Nhưng đây không phải là trường hợp đó.

Google còn hơn cả hạnh phúc khi nhận doanh thu quảng cáo từ các website của những kẻ khủng bố và nhóm người cực đoan cho tới khi những nhà quảng cáo rút lại quảng cáo để phản kháng. Trong nhiều tháng, cả Microsoft và Google đều cho rằng việc ngăn chặn phim khiêu dâm trẻ em khỏi các cơ chế tìm kiếm của mình "không thể và không nên được thực hiện" trước khi bị các chính phủ áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Thậm chí sau nhiều năm khiển trách, nhiều người cho rằng Facebook, Twitter và YouTube vẫn không làm đủ để chống lại các nội dung bạo lực, cực đoan trên các nền tảng của mình. Thành viên ủy ban vụ việc gia đình nghị viện Anh - Tim Loughton không phải không có lý khi kết tội ban điều hành Twitter kiếm lợi từ nội dung cực đoan hồi tháng 12 năm ngoái: "Các ông đang có lợi từ sự thật rằng mọi người sử dụng nền tảng của các ông để làm cho xã hội thêm bệnh hoạn, và các ông đang cho phép họ làm điều đó, và các ông đang không làm những việc đơn giản để ngăn cản điều đó".

Các trò ảo thuật bí ẩn

Giá trị của một ngân hàng dựa trên khách hàng của nó. Thậm chí tới hôm nay, một ngân hàng được xem là hoạt động tốt nếu nó có một khoản ký quỹ tài khoản tiết kiệm lớn trong két sắt của mình. Tuy nhiên, ngân hàng làm ra tiền không nhờ phục vụ các khách hàng này mà bằng cách đầu tư tiền mặt được các khách hàng thường xuyên đó tin tưởng gửi gắm vào những cơ hội sinh lợi khác.

Thay thế tiền bằng thông tin cá nhân trong đoạn văn trên, và bạn sẽ thấy ngay lập tức một sự tương đồng với các công ty truyền thông xã hội hiện nay. Toàn bộ mô hình kinh doanh của họ dựa trên việc nhào nặn lại một cái gì đó thuộc về sở hữu hợp pháp của khách hàng, rồi biến nó thành một loại hàng hóa có lời.

Ai đó có một tài khoản tiết kiệm ở Citibank có thể không đồng ý với việc lấy tiền lương hàng tháng của mình làm cơ sở cho các thủ tục cho vay mang tính lợi dụng của ngân hàng. Tương tự, hầu hết người dùng Facebook sẽ phản đối việc dùng thông tin cá nhân của họ làm hạt giống cho các giải thuật cá nhân gây ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ.

Nhưng, cũng như các khách hàng có rất ít điều để nói về cách tiền của họ bị phố Wall sử dụng, chúng ta không có khiếu nại nào về những thông tin bị thung lũng Silicon thu thập. Trước khi các quy định được thắt chặt, việc ngân hàng làm cho người vay tiền đồng ý với các điều khoản và ký vào các mẫu hồ sơ mà họ không hiểu diễn ra khá phổ biến. Các công ty truyền thông đã bảo người dùng đánh dấu vào một checkbox có vẻ vô hại và ký vào mọi thứ. Đó là một màn ảo thuật bí ẩn mà hầu hết các nhà ngân hàng bị phá sản đã từng tự hào.

Quyền lực nằm trong tay kẻ mạnh

Trong suốt thời kỳ u mê của phố Wall, quyền lực là một trong những vấn đề lớn nhất của nó, và bây giờ vẫn vậy. Quyền lực dựa trên một vài hay tất cả giao dịch được chia sẻ giữa các công ty giống nhau và tiền bạc luân chuyển trong các chu trình một cách đơn giản. Leo lên nấc thang doanh nghiệp sẽ dựa ít hơn vào việc bạn là ai mà dựa nhiều hơn vào việc bạn biết ai.

Thung lũng Silicon từng được cho là mô hình hệ thống thành tích tối hậu (đánh giá theo năng lực, thành tích thực tế thay vì địa vị xã hội), thế nhưng các quán cà phê ở San Franciso lại đầy các doanh nhân với những ý tưởng lớn, mang trong mình hy vọng gặp được một công ty đầu tư mạo hiểm (VC) có ảnh hưởng, hoặc ít nhất là một vườn ươm, một người môi giới giao dịch tuyên bố có trong tay số điện thoại cá nhân của một VC trong di động của mình. Có hẳn một hệ sinh thái đầy đủ trong việc kết nối và xây dựng mạng lưới quan hệ. Cũng như hệ sinh thái ở phố Wall, gặp đúng người là chìa khóa cho tất cả ở thung lũng Silicon.

Khi quyền lợi ngày càng tập trung, mạng lưới của bạn trở nên quan trọng hơn ý tưởng của bạn. Điều này không khác gì chuyện câu tweet hài hước nhất có thể chết mà không được đọc, trừ khi bạn có thể làm cho nó được một người có ảnh hưởng tweet lại.

Không cần đến một chuyên gia để hiểu vì sao phiên bản mới của vũ trụ phố Wall cũ kỹ này lại có vấn đề. Tất cả mạng lưới đều đến với những thành kiến cố hữu. Đơn giản là nhóm các chàng trai da trắng tốt nghiệp MBA Harvard trong những bộ vest vừa vặn đã bị thay thế bởi nhóm các chàng trai da trắng bỏ học Stanford trong những chiếc áo hoodies màu xám.

(Hoodie là loại áo thun có mũ trùm đầu may bằng vải nỉ, được thiết kế rộng rãi thoải mái để mặc như áo thun hoặc áo khoác bên ngoài. Hoodie mang phong cách thời trang đường phố dành cho giới trẻ và khá phổ biến trên thế giới)

Các chàng trai bỏ học Stanford và đồ chơi của họ

Với thung lũng Silicon, các giải thuật cũng giống như các mô hình toán học với phố Wall. Các nhân vật chính và đồ chơi đã thay đổi nhưng kịch bản trò chơi thì vẫn như cũ.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nhà ngân hàng hàng đầu đã thừa nhận rằng các mô hình của họ có hiệu ứng phụ, rằng chúng không tính đến rủi ro trong danh mục đầu tư một cách chính xác. Ngày nay, khá phổ biến việc các nhân vật công nghệ quan trọng cất tiếng ca cùng tần số với các nhà ngân hàng nêu trên.

"Không có giải thuật nào là hoàn hảo" là một tuyên bố của chủ tịch điều hành Google Eric Schmidt hồi cuối năm ngoái. Khi các cuộc điều tra chứng minh được các cỗ máy khuyến cáo của Youtube hướng người xem tới các tài liệu lệch lạc thì cũng gặp phản hồi tương tự.

Dĩ nhiên, các vấn đề này được chú trọng bởi các cơ quan bên ngoài. Nếu vấn đề không được công khai trực diện, thung lũng Silicon sẽ lại tiếp tục như vài năm qua: chạy theo lợi nhuận, né tránh thuế khóa, vận động các chính trị gia, bẻ cong các quy định, ít trung thực hơn với khách hàng... Danh sách này có vẻ quen thuộc? Phải, chúng ta đã thấy nó ở phố Wall.

Nội thất gỗ sồi và thảm nhung ở tầng 57 đã bị thay bằng các văn phòng mở với các túi đậu và bàn bóng đá nhưng những điểm tương đồng vẫn đáng chú ý. Những người đàn ông da trắng của nền văn hóa "bro culture" xuất hiện ở khắp mọi nơi. Uber từng là ngôi sao đang lên của thung lũng Silicon cho tới khi văn hóa quấy rối phụ nữ trong văn phòng của nó bị phát hiện. Vài ngày sau, việc che giấu một lổ hổng dữ liệu lớn của công ty này bị phanh phui. Các câu chuyện dạng này có vô số.

Người ta cho rằng những ai không học lịch sử sẽ lặp lại sai lầm của nó như một định mệnh. Đáng buồn là lịch sử của lòng tham doanh nghiệp lại không phải là một khóa học bắt buộc trong bất kỳ trường học lập trình nào trên thế giới. Gần một thập kỷ đã trôi qua, trong khi chúng ta đi du lịch từ New York (phố Wall) tới California (thung lũng Silicon), có cảm giác như là, một lần nữa;chúng ta lại quay về nơi xuất phát mà không có tiến triển gì.

Linh Trần

Chủ đề khác