VnReview
Hà Nội

Pacific Rim: Uprising - Mớ hỗn tạp từ Transformers và Power Rangers

Trong bối cảnh khán giả bội thực với các phim siêu anh hùng thì phần 2 của bom tấn Pacific Rim có cơ hội lách khe cửa hẹp để chinh phục khán giả bằng những con quái vật khổng lồ đến từ không gian vốn đã từng làm ít người thót tim ở phần đầu...

Đáng tiếc là có lẽ cơ hội đó đã không được các nhà làm phim tận dụng tốt, khiến phần 2 của Pacific Rim trở thành món ăn thập cẩm lai tạp giữa series bom tấn "Transformers" (Robot đại chiến) và phim hoạt hình "Power Rangers" (5 anh em siêu nhân), ít nhiều khiến những người đã từng xem phần 1 cảm thấy hẫng hụt, dù tính giải trí vẫn rất cao.

Quay lại những ngày đầu bấm máy, đạo diễn;Guillermo del Toro kỳ cựu vốn từng đảm nhiệm lèo lái ở phần đầu đã từ chối nhận vai trò đạo diễn phần 2 trong bối cảnh thương vụ tập đoàn Dalian Wanda Group của Trung Quốc đang trong quá trình hoàn tất mua lại xưởng phim Legendary Entertainment, khiến nhiều người dự cảm về cái kết không mấy tốt lành cho "Pacific Rim: Uprising". Sau đó, chính del Toro đã giành giải Oscar 2018 với bộ phim "The Shape of Water" cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất.  

Trước tình thế này, Legendary đã phải mời Steven S. DeKnight - một đạo diễn không có nhiều thành tích đáng kể - để thay thế Toro đảm nhận vai trò đạo diễn kiêm biên kịch cho phần phim "Pacific Rim: Uprising" (tựa Việt: Pacific Rim - sự trỗi dậy). Lục lại hồ sơ của DeKnight thì có lẽ series phim truyền hình "Daredevil" (2015) là điểm sáng nổi bật nhất của ông và đó cũng là một phim thuộc thể loại siêu anh hùng giả tưởng. Xét về doanh thu, có lẽ Legendary và các ông chủ người Trung Quốc sẽ không phải thất vọng với lựa chọn của mình, bởi tính đến nay bộ phim đã "hòa vốn" khi cán mốc 150 triệu USD doanh thu chỉ sau 3 ngày khởi chiếu. Tuy nhiên, doanh thu đôi khi không gắn liền với chất lượng...

Mất 5 năm để chuẩn bị cho cuộc chiến "10 năm gặp lại"

Các anh hùng thiếu niên sẽ tham chiến với Kaiju

Sau thành công của phần đầu, khán giả đã phải chờ đợi tới 5 năm để thưởng thức "Pacific Rim: Uprising", phần phim hứa hẹn tiếp nối những ý niệm mà Guillermo del Toro đã từng có dịp khiến người xem kinh ngạc về những màn đại chiến giữa các người máy khổng lồ (Jaeger) và những quái vật Kaiju đến từ chiều không gian khác. 

Ở phần 2, các nhà làm phim chuyển qua tập trung vào các nhân vật trẻ tuổi lớn lên sau cuộc chiến để đảm nhận trọng trách "giải cứu nhân loại". Trong phim, Jake Pentecost (John Boyega) - con trai của anh hùng quá cố Stacker Pentecost (Idris Elba) ở phần 1 - giờ đây trở thành một cậu bé chuyên thu gom phế liệu từ các robot khổng lồ jaeger để bán lại trên chợ đen để kiếm sống. Mọi chuyện thay đổi sau khi anh tình cờ gặp cô bé Amara (Cailee Spaeny) - một chuyên gia về lắp ráp và sửa chữa robot - trong lần đi "gom hàng". Những biến cố sau đó đã đưa Jake và Amara gia nhập vào lực lượng bảo vệ Thái Bình Dương (PPDC), nơi cha anh từng phục vụ. Tại đây, Jake có dịp gặp lại Nate Lambert (Scott Eastwood) - một đồng đội cũ rất ăn ý nhưng cũng chứa nhiều hiềm khích. 

Nhân vật Amara (do Cailee Spaeny thủ vai) được khai thác để trở thành ngôi sao mới của bộ phim, nhưng đáng tiếc là điều đó khó trở thành hiện thực

John Boyega vào vai Jake Pentecost trong phim

Mốc thời gian trong phim đã là 10 năm sau cuộc chiến, loài người đã gượng dậy và dần lãng quên lũ Kaiju nhưng những người có trách nhiệm bảo vệ loài người và cả tập đoàn vũ khí Shao của Trung Quốc thì không bao giờ, họ vẫn miệt mài chuẩn bị cho cuộc chiến tái xuất theo những cách riêng. Liệu cuộc chiến giữa loài người với lũ quái vật không gian Kaiju lần này sẽ đi đến đâu? Đây cũng chính là tâm điểm của phần phim "Pacific Rim: Upraising".

Nối dài sự thất vọng và yếu tố Trung Quốc trong phim

Ngay từ những trailer đầu tiên, không ít người xem đã sợ rằng phần phim mới "lạc lối" khi quá tập trung khai thác "chất liệu" các robot Jeager thay vì sự bí hiểm của quái vật không gian Kaiju, và đến khi phim ra rạp thì lo sợ đó phần nào trở thành sự thật...

Với kịch bản không có nhiều mới mẻ, thậm chí còn có lúc "nhai lại" phần đầu đã khiến "Pacific Rim: Uprising" khó gây được bất ngờ cho người xem, dù các đạo diễn đã úp mở rằng các quái vật Kaiju ở phần này trở nên nguy hiểm hơn với nhiều năng lực mới đáng sợ, nhất là 3 con quái vật Raijin, Hakuja và Shrikethorn. Không những vậy, có cảm giác như đạo diễn và biên kịch của phim đã quá đà trong việc dùng robot đánh nhau khiến không ít người xem ở rạp tưởng như đang coi phần 5 của "Transformer" (Robot đại chiến). 

Kiều nữ Cảnh Điềm (áo trắng ở giữa) và dàn diễn viên Trung Quốc xuất hiện hùng hậu trong phim

Giống như nhiều bộ phim của Hollywood gần đây, khi mà ngày càng nhiều studio bị các tập đoàn Trung Quốc mua lại thì sự hiện diện và ảnh hưởng của các yếu tố Trung Quốc trong phim ngày càng nhiều. "Pacific Rim: Uprising" cũng không thoát khỏi ảnh hưởng ấy khi nhà sản xuất Legendary đã bị tập đoàn Wanda của Trung Quốc mua lại. Trong phim này, nữ diễn viên Cảnh Điềm vào vai Liwen Shao - CEO của Shao corp, tập đoàn có tham vọng chi phối robot toàn cầu khi cuộc chiến bảo vệ trái đất lên tới đỉnh điểm, kể cả phải dùng những kế hoạch "bẩn".

Cảnh Điềm giờ đây đã không còn là "bình hoa di động" như trong phim "Kong: Skull Island" trước đó, cùng với nam diễn viên Trung Quốc khác là Trương Tấn, trong phim cô đã được giao vai diễn quan trọng hơn nên cũng có nhiều đất diễn hơn dù diễn biến vai diễn của cô hơi đơn giản, từ một nữ CEO tham vọng cho tới một kẻ bị thao túng ở cuối phim. "Pacific Rim: Uprising" tiếp tục là một bộ phim mang đậm ảnh hưởng và sự chi phối của các nhà sản xuất Trung Quốc ở Hollywood, dù đã tinh tế hơn nhưng vẫn còn khá thô và định hướng "Trung Quốc giải cứu thế giới".

Robot trong phim dễ khiến người xem liên tưởng tới Power Rangers và Transformers

Cùng với biên kịch, đạo diễn và kỹ xảo trong phim ít nhiều gây thất vọng cho các khán giả từng xem phần đầu. Có cảm giác như đạo diễn phim không tạo ra được không khí nghẹt thở và cảm giác kinh ngạc với những con Kaiju khổng lồ như ở phần đầu, dù lũ quái vật ở phần phim này mạnh hơn, có lẽ do các Kaiju có ít "đất diễn" hơn. Trong khi đội ngũ kỹ xảo hơi cẩu thả khiến các màn robot đánh nhau trong phim đôi khi giống như trong "Power Rangers" (Năm anh em siêu nhân) - một bộ phim siêu nhân màu mè dành cho trẻ em, các trường cảnh loạt toà nhà cao tầng sụp đổ trong các cuộc chiến cũng không gây ấn tượng vì chúng trông hơi giả. Điểm đáng tiếc nữa là âm nhạc, nếu như âm nhạc của phần đầu xứng đáng 7 điểm thì phần này chỉ tầm 4 điểm, khán giả hầu như sẽ không có ấn tượng gì với âm nhạc trong phim, kể cả những lúc cao trào...

Nhìn chung, các diễn viên trong phim đều đã có cố gắng để tròn vai, nhưng thật khó để có thể coi vai diễn nào của họ là xuất sắc trong một bộ phim mà xét tổng thể đã không giữ được tiết tấu và sự hấp dẫn của phần đầu. Ở góc độ nào đó, có lẽ đạo diễn và biên kịch của bộ phim chưa đủ tầm để viết tiếp câu chuyện mà Guillermo del Toro đã từng viết ở phần 1, trong khi phần phim này gợi nhớ về series "Transformers" thì ý tưởng về phần 3 của Pacific Rim hé lộ ở cuối phim dễ làm người xem liên tưởng về một "Prometheus" mới.

Phim ngập tràn robot khiến các Kaiju lép vế và mất dần "ảnh hưởng" trong phim, dù được xây dựng "khủng" hơn.

Có đáng để ra rạp?

Công bằng mà nói, đạo diễn mới của bộ phim đã có những nỗ lực nhất định để bắt nhịp và kế thừa sự hoành tráng của phần đầu, nhưng có lẽ quá tập trung vào "sự hoành tráng về kích cỡ" đã khiến nội dung và mạch phim trở nên nhạt nhoà hơn phần đầu. Thay vì đây là cuộc chiến giữa loài người (với sự trợ giúp của robot khổng lồ) và quái vật không gian Kaiju theo ý tưởng chủ đạo phần đầu - vốn cũng là yếu tố thu hút của bộ phim - thì phần hai này đã biến thành cuộc nội chiến robot của loài người nhiều hơn là với Kaiju, cùng với yếu tố Trung Quốc dày đặc trong phim đã khiến không ít người xem phải thất vọng.

Tuy nhiên, với những ai chưa từng xem phần 1 và coi phim với tâm thế để giải trí đơn thuần thì đây vẫn là một phần phim đáng để ra rạp, bởi phim chứa không ít các trận chiến hoành tráng... giữa các robot như trong series Transformers. 

Trailer chính thức của "Pacific Rim: Uprising" 

TM

Chủ đề khác