VnReview
Hà Nội

Con đường kiếm triệu USD sau bàn phím của game thủ Dota 2 số 1 thế giới

Nếu chưa từng xem một trận Dota 2 nào, ban đầu bạn có thể sẽ bị choáng ngợp với một màn hình đầy các nhân vật hoạt hình, những hiệu ứng đặc biệt và hết trận đánh này tới trận đánh khác. Có thể sẽ khó để theo dõi toàn bộ hoạt động của nhân vật.

Clement Ivanov lại nhìn bối cảnh đó theo một cách hoàn toàn khác. Anh thấy mỗi nhân vật như một chiến mã trong trò chơi chiến lược chậm, tương tự như cờ vua. "Bạn có thể điều khiển riêng từng nhân vật. Đây không phải là một trò chơi nhịp độ nhanh. Khi bạn đạt đến một trình độ nhất định thì chiến lược quan trọng hơn là tốc độ", Ivanov chia sẻ.

Dota 2 tên đầy đủ là Defense of the Ancients 2, là một trong những game phổ biến nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử toàn cầu. Cuộc thi hàng đầu năm ngoái The International, được người sáng tạo ra trò chơi – Valve tổ chức, đã thu hút hơn 92 triệu lượt xem trực tuyến, phần lớn tại Trung Quốc. Trong tổng số hơn 509 triệu giờ chơi được theo dõi, 465 triệu giờ đến từ những người xem tại quốc gia này.

Kiếm sống bằng nghề game thủ chuyên nghiệp

Ivanov 28 tuổi, làm việc tại Estonia, khá nổi tiếng trong giới game chuyên nghiệp với tên gọi Puppey - đội trưởng của Team Secret. Là một trong những game thủ Dota 2 kiếm tiền nhiều nhất trên thế giới, anh bắt đầu chơi chuyên nghiệp từ năm 2010. Sự nghiệp của Ivanov phát triển cùng với sự lớn mạnh của môn thể thao điện tử này. Theo E-Sports Earnings, Ivanov đã kiếm được hơn 1,65 triệu USD tiền thưởng từ 93 giải đấu. Thống kê của công ty SuperData, cơn sốt thể thao điện tử đã mang lại doanh thu 1,5 tỷ USD trong năm 2017. Những game như vậy thậm chí đang được cân nhắc đưa vào Thế vận hội 2024. Do đó, các game thủ giỏi nhất trở nên nổi tiếng trong giới. Ivanov cho biết: "Nói chung, trở thành game thủ thực sự là một đam mê và là một công việc kỳ lạ".

Ivanov và nhóm của mình bắt đầu sự nghiệp sau khi giành chiến thắng đầu tiên tại The International năm 2011. "Trước đó, chúng tôi rất khó khăn và không có một công việc chính nào cả. Chúng tôi đã tham gia giải đấu, thi đấu tốt và giành chiến thắng. Tôi có thể nói, mọi sự đều rất xứng đáng. Tôi thậm chí không quan tâm những gì đã xảy ra sau đó. Nó xứng đáng", Ivanov cho biết.

Ivanov là một trong những người may mắn. Việc tự nỗ lực chiến thắng giải đấu không phải ai cũng có thể đạt được, mà chỉ một số game thủ "sừng sỏ". Chỉ có khoảng 500 game thủ trên toàn thế giới kiếm được hơn 150.000 USD tiền giải thưởng. Chắc chắn là các nhà tài trợ cũng hỗ trợ cho các game thủ trong một số trò chơi, như League of Legends và Counter-Strike: Global Offensive. Tuy nhiên sự hỗ trợ đó chưa đủ để tạo dựng nên môn thể thao chuyên nghiệp. Một số game thủ kiếm nguồn thu với các môn thể thao truyền thống như Philadelphia 76ers và English Premier League. Trong khi đó, một số khác kiếm tiền từ các nền tảng stream game như Twitch.

Một fan hâm mộ đang cầm trên tay poster của Team Secret tại giải đấu Epicenter 2017

Hoạt động chuyên nghiệp

Ivanov có nhiều thứ phải làm bên cạnh việc là một trong những game thủ giỏi nhất thế giới. Trong khi hầu hết các vận động viên chuyên nghiệp đều có huấn luyện viên chỉ dẫn kỹ năng thì phần lớn game thủ đạt đến trình độ chuyên nghiệp mà không hề có huấn luyện viên hay người hướng dẫn. Điều đó có nghĩa, các game thủ phụ thuộc vào đội trưởng sẽ bồi dưỡng cho họ những kỹ năng còn thiếu.

Với vai trò là đội trưởng, trách nhiệm của Ivanov bao gồm việc tuyển mộ các thành viên, huấn luyện các game thủ của mình để tinh chỉnh kỹ năng, tạo lập sự cân bằng trong đội, phối hợp chiến thuật và tất nhiên, cả chơi Dota 2. Và Ivanov thật sự giỏi ở tất cả các việc này. Khả năng dẫn dắt và hướng dẫn của anh được đánh giá rất cao trong giới game.

Như Ivanov từng chia sẻ thẳng thắn, có nhiều con đường dẫn đến thành công của một game thủ chuyên nghiệp nhưng bạn phải thực sự giỏi. "Hiện nay để thành công trong lĩnh vực thể thao điện tử thậm chí còn khó khăn hơn so với game đánh bài poker. Dota cũng như vậy, dẫn tới thành công chỉ là một cánh cửa hẹp. Có 10 triệu người chơi nhưng chỉ khoảng 50 người kiếm được kha khá. Những người khác ở mức trung bình".

Ngay cả khi đã đạt đến thành công lớn thì công việc của bạn vẫn chưa dừng lại. Ở Trung Quốc, nơi thể thao điện tử là niềm tự hào của quốc gia, game thủ sẽ chuyển hẳn đến sống cùng nhà với các thành viên trong đội của mình. Khi người chơi đổi team, họ cũng phải chuyển thành phố và nơi ở. Team Secret thì lại khác, các thành viên của đội chỉ sống cùng nhau vài tuần lễ trước các giải thi đấu lớn và luyện tập từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày.

Tương lai của game thủ chuyên nghiệp

Ivanov không thấy có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo. "Hầu hết những thứ mà mọi người nghĩ sẽ làm thay đổi thế giới game thì chưa thực sự thay đổi gì nhiều", Ivanov cho biết. "Tôi hiểu rất rõ rằng các công nghệ AI được xây dựng cho Dota cạnh tranh với người chơi. Chúng chiếm ưu thế so với người chơi bình thường. Nhưng bởi các giải đấu Dota giới hạn chỉ cho người chơi nên các công nghệ AI sẽ không thể ngay lập tức chiếm mất công việc của những game thủ chuyên nghiệp", Ivanov chia sẻ.

Cái đang thay đổi là sự chấp nhận một nghề nghiệp mới - game thủ chuyên nghiệp. "Không biết nghề game thủ có lâu bền hay không và có tốt như những nghề khác hay không. Chúng ta đang tiến dần tới mốc mà một số đối thủ thi đấu gấp đôi tuổi các đối thủ trẻ hơn".

Cũng như tuổi của các game thủ, người hâm mộ cũng vậy. "Mọi người hiểu rằng chơi game là một phần thuộc nền văn hoá của chúng ta hiện nay. Đó là một phần trong cộng đồng của chúng ta. Tất cả những người 25 tuổi đều biết điều đó. Tuy nhiên hầu hết mọi người trên 50 tuổi thì chưa hiểu, thời gian trôi qua, rồi họ cũng sẽ dần hiểu những gì chúng tôi đang làm", Ivanov cho biết.

Hà Loan

Theo TechnologyReview

Chủ đề khác