VnReview
Hà Nội

“Sống” có văn hoá trên mạng xã hội

Số người dùng Internet ở Việt Nam được xếp ở thứ hạng cao trên thế giới. Tuy nhiên, quyền riêng tư, thông tin cá nhân của người dùng trên mạng xã hội hiện vẫn chưa được coi trọng.

Xâm phạm quyền riêng tư, buông lời thù ghét gia tăng trên mạng xã hội

Theo tin trên báo Tuổi trẻ thuật lại hội thảo "Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng Việt Nam" diễn ra hôm 29/3, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho rằng: "Ngoài các rủi ro đã được nhận diện như tấn công mạng và tội phạm mạng, các rủi ro khác bao gồm xâm phạm quyền riêng tư và khai thác trái phép dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại cũng như phi thương mại, vấn đề tin giả, thông tin không chính xác, phát ngôn thù ghét cũng đã gia tăng đáng kể đối với người dùng Internet, với doanh nghiệp".

Ông Đồng đưa ra nhận định cho rằng quyền riêng tư trên internet ở Việt Nam bị xâm phạm và đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, bài viết trên báo Tuổi Trẻ lại chưa nêu được dẫn chứng cụ thể hoặc những căn cứ để chứng minh cho nhận định trên. Dù vậy, cũng không khó để tìm thấy những hậu quả có thật đến từ môi trường ảo là mạng xã hội.

Chỉ mới đây, ngày 11/3, vụ việc em H.T.N.L, nữ sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Đức Mậu, Nghệ An, tự tử tại ao nước gần nhà đã khiến dư luận không khỏi tiếc thương. Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng này xuất phát từ clip ghi lại cảnh nữ sinh này và bạn trai đang hôn nhau trong lớp bị phát tán trên mạng xã hội. Đoạn clip đã nhận được không ít những lời bình luận ác ý, chế giễu hướng về phía nữ sinh lớp 11. Trước làn sóng dư luận, nữ sinh này đã nghĩ quẩn và tìm đến cái chết ở tuổi 16. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra câu chuyện đau lòng liên quan đến những bình luận trên Facebook.

Vụ việc nữ sinh lớp 11 ở Nghệ An tự tử tại ao nước gần nhà đã khiến dư luận không khỏi xót xa

Còn nhớ, hồi tháng 9/2016, vụ việc em B.Q.H, nam sinh lớp 8 trường THCS U Lâu, Yên Bái treo cổ tự tử khi clip mình bị đánh, bắt quỳ xin lỗi bị đăng tải cũng từng là tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng. Vẫn còn đó rất nhiều vụ tự tử liên quan đến xúc phạm hoặc tung thông tin cá nhân trên mạng xã hội như: nữ sinh lớp 10 ở Đồng Nai, tự tử bằng thuốc diệt cỏ do bị bạn trai tung clip "nóng" lên mạng xã hội (năm 2015); nữ sinh lớp 12 ở Thạch Thất (Hà Nội), tự tử (năm 2013) sau khi nhận được những lời thách thức, trêu đùa từ một tấm ảnh chế (ghép mặt mình với một cô gái có thân hình hở hang) đăng lên mạng xã hội; nữ sinh lớp 12 ở Đà Nẵng uống thuốc an thần tự tử (năm 2013) do bị một fanpage đăng tải bài viết vu khống, xúc phạm danh dự…

Các vụ việc kể trên cho thấy mặt trái của mạng xã hội. Bên cạnh việc tạo kết nối, giao tiếp giữa người dùng, mạng xã hội còn giống như một cái chợ chứa đầy rẫy "rác văn hóa". Trên Facebook, nhiều người tự cho mình được cái quyền đăng ảnh, clip của người khác, hay chửi bới, thậm chí làm nhục bất kỳ ai nếu họ thấy "ngứa mắt". Tệ hơn, sự lan truyền chóng mặt với những lượt chia sẻ ăn theo, a dua, ném đá không thương tiếc trong thế giới ảo đã dẫn đến những hậu quả đau lòng ngoài đời thực. Văn hóa ứng xử trên mạng là chủ đề từng được báo chí nhiều lần nhắc tới, nhưng có vẻ như tới nay nhiều người dùng, đặc biệt là giới trẻ, vẫn chưa ý thức được những phát ngôn trên mạng của mình.

"Sống" trên mạng xã hội, hãy là những người có văn hóa

Chúng ta hiện sống trong thời đại, thế giới của công nghệ. Có lẽ không quá khi cho rằng đang có một thế hệ trưởng thành từ mạng xã hội, một thế hệ "check in". Những thói quen từ mạng xã hội có thể là niềm vui của người này, nhưng đôi khi lại là sự phiền phức của người khác. Mạng xã hội khiến những người ở xa nhau nửa vòng trái đất cũng trở nên gần gũi nhờ tương tác đều đặn hàng ngày. Nhưng đôi khi lại khiến những người ở gần trở nên xa cách… Tất cả là do cách mà mỗi người sử dụng, cũng như ứng xử với mạng xã hội.

Hãy ứng xử có văn hóa trong môi trường mạng xã hội

Có thể nói việc lựa chọn ngôn từ, hình ảnh để sử dụng trên mạng xã hội cũng là thể hiện thái độ, tình cảm và tư cách của người dùng. Ở một mức độ vừa phải, các biểu hiện đó được coi là hành vi có văn hóa. Tuy nhiên, khi người dùng vượt qua các hành vi văn hóa này thì mạng xã hội trở thành công cụ tác động đến nhận thức, tình cảm, thái độ của người xem. Một lời chê bai của một cá nhân có thể chưa mang lại nhiều tác động tiêu cực, nhưng khi một đám đông cực đoan cùng "hùa" vào chê bai thì hậu quả thật khó lường. Sự a dua tập thể chính là một con dao vô hình, nó có thể lấy đi niềm vui, cướp đi ước mơ, hoài bão, thậm chí là cả sinh mạng con người.

Do đó, người sử dụng mạng xã hội nên là những người ứng xử có văn hóa và là người hiểu biết pháp luật. Người có văn hóa sẽ có sự cân nhắc từng câu, từng chữ, từng hình ảnh để không làm vẩn đục môi trường mạng. Người dùng đừng gieo nên nhận thức hoặc suy nghĩ tiêu cực cho người khác, hãy đặt mình vào vị trí người khác và luôn giữ thái độ tôn trọng họ. Ngoài ra, những người hiểu biết pháp luật sẽ tự cân nhắc trường hợp nào có thể đưa lên mạng, nhất là với các hình ảnh của người khác, kể cả là người thân của mình. Bởi các thông tin tiêu cực, các nhận định không tốt đều ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới những cá nhân có liên quan.

Và chắc chắn những nhà sáng lập ra Instagram, Twitter hay Facebook… có thể không bao giờ mong muốn sản phẩm của mình sẽ mang lại phiền toái đau thương cho con người. Mục tiêu phát triển của những trang mạng xã hội thực chất chỉ là phương tiện giải trí, là cầu nối gắn kết mọi người với nhau. Vì thế, những người "sống" trong môi trường mạng chỉ cần phát huy tác dụng đó là đủ, xin đừng biến nó thành những công cụ mang tính sát thương tâm lý.

G.L

Chủ đề khác