VnReview
Hà Nội

Chuyện về nghề streamer: Khi game thủ làm bình luận viên

Đã qua rồi thời kỳ game thủ chỉ biết cày game và "đốt tiền", giờ đây nhiều game thủ đã biết tận dụng công nghệ để chia sẻ các kỹ năng chơi game trực tuyến, qua đó kiếm thêm những nguồn thu nhập không hề nhỏ từ nền công nghiệp trị giá 36 tỷ đô trong năm qua.;

Con đường kiếm triệu USD sau bàn phím của game thủ Dota 2 số 1 thế giới

Bên cạnh yếu tố chính là nhu cầu chia sẻ của các game thủ, loại hình này phát triển mạnh một phần do được chống lưng bởi nền tảng YouTube Gaming được Google dành riêng cho các game thủ trên YouTube, với nền tảng này các game thủ sẽ có dịp tha hồ chia sẻ trải nghiệm chơi game của mình với những người khác thông qua các clip live stream mà YouTube ưu ái hỗ trợ họ.

Sau đó hình thức này lan sang cả Facebook thông qua tính năng Live Stream trên Facebook nhưng do hạn chế về khả năng tìm kiếm và tính năng hỗ trợ game thủ nên không phổ biến bằng nền tảng YouTube Gaming. Bên cạnh các ông lớn YouTube hay Facebook, hiện đã và đang có một số mạng xã hội mới nổi chuyên hỗ trợ các loại hình live stream giải trí nói chung và chơi game nói riêng...

Chơi game thời live stream

Hẳn bạn đã từng nghe về nghề live game streamer (tường thuật chơi game trực tuyến trên mạng), một hình thức tương tác trực tuyến đa chiều về gaming của các game thủ được phát triển từ hình thức chia sẻ video hướng dẫn qua màn chơi (walkthrough) vốn chỉ tương tác một chiều trước đây. Nhưng cụ thể các streamer làm những gì?

Kênh YouTube ViruSs của streamer Đặng Tiến Hoàng thu hút rất nhiều người theo dõi

Hiểu đơn giản, streamer là người chia sẻ về chơi game thông qua hệ thống phát sóng trực tuyến như YouTube, Facebook hoặc TalkTV để nhiều người cùng xem và tương tác. Cùng với sự phát triển của các loại hình tương tác cũng như các cộng đồng game thủ, có thể nói streamer hiện đang là một trong những nghề hot hiện nay trên các mạng video, nhất là trong các cộng đồng của các tựa game nổi tiếng như Liên Minh Huyền Thoại hay PlayerUnknown's Battlegrounds (PUBG). Đây cũng là kênh nhanh và hiệu quả nhất để tiếp cận với người xem cũng như trao đổi và giao lưu với cộng đồng chơi game...

Nhờ các streamer này mà giờ đây người chơi game đã có thêm các kênh tham khảo về những màn chơi khó nhằn hoặc cách vượt qua các "điểm chết" trong game. Khán giả của các streamer này vẫn chủ yếu là giới trẻ và tập trung nhiều vào giới học sinh - sinh viên, những người đang có nhiều thời gian cho giải trí (và chơi game) do chưa phải thực sự lăn lộn mưu sinh. Bên cạnh đó cũng có không ít người chơi chuyên nghiệp là nhân viên văn phòng/những người đã đi làm, với những người này chơi game là sở thích và họ có khả năng làm chủ thời gian cho game hơn.

Những streamer nổi bật ở Việt Nam

Tại Việt Nam, phong trào streamer trong lĩnh vực game đã xuất hiện từ khá lâu và hiện đang có rất nhiều bạn trẻ tham gia hình thức chia sẻ và kiếm tiền này, đặc biệt qua kênh YouTube và gần đây có TalkTV - một mạng xã hội được thiết kế riêng cho live streaming giải trí tương tác tại Việt Nam.

Đặng Tiến Hoàng (ViruSs)

Trong số các streamer nổi tiếng nhất hiện nay có thể kể tới Hoàng ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng), ngoài việc là streamer, Hoàng còn là một caster (bình luận viên/MC về game) - người đóng vai trò tường thuật diễn biến các trận đấu tới người xem tại các sự kiện/giải đấu, thông qua ngôn từ gần gũi và hài hước nhằm tạo ra sự phấn khích cho người xem lẫn người thi đấu. Hiện kênh stream ViruSs của Hoàng trên YouTube đang có hơn 1,2 triệu lượt đăng ký theo dõi thường xuyên và các video live stream của kênh ViruSs thường lên tới hàng trăm ngàn lượt xem.

Từ khi bước vào làng bình luận game DOTA 2 chuyên nghiệp, game thủ sinh năm 1991 Hoàng Văn Khoa đã tự đặt nickname cho mình là PewPew và cựu du học sinh ngành kế toán ở Úc này sau khi quyết định về Việt Nam làm cho TalkTV trước khi mở PewPew Studio dành cho sở thích bình luận game của mình. Hiện kênh YouTube PewPew Studio của Khoa đã thu hút hơn 1,1 triệu lượt đăng ký theo dõi.

Streamer Hoàng Văn Khoa (PewPew Studio, người bên phải) tại giải đấu 360Play Championship 2015

Ở vị trí tiếp theo phải kể tới Optimus (tên thật là Trần Văn Cường, sinh năm 1996) - một trong số những tuyển thủ tài năng nhất của đội Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam và hiện kênh YouTube Optimus của Cường đã thu hút tới hơn 262 ngàn lượt người đăng ký theo dõi. 

Ngoài ra còn phải kể tới các kênh MixiGaming (của streamer Độ Phùng) với tựa game CS:GO và PUBG, trùm sò solo QTV  (Nguyễn Trường Vũ) và kênh Trực Tiếp Game với hàng trăm ngàn lượt người theo dõi, với mật độ các clip live stream tung lên thường nhật khá dày đặc. 

Các game thủ kiếm được bao nhiêu tiền?

Cùng với sự nổi tiếng, yêu thích của hàng ngàn fan hâm mộ, chắc chắn không ít người sẽ thắc mắc các streamer làm thế nào để kiếm tiền? Và với công việc "cả ngày chơi điện tử" thì họ sẽ thu nhập được bao nhiêu? Hay nguồn thu nhập của họ đến từ đâu?

Về cơ bản thì thu nhập của một game thủ sẽ đến từ những nguồn sau: các nền tảng stream game (TalkTV, Twitch, Azubu, Douyo… nay đa phần chuyển qua Youtube), quảng cáo cho các game hoặc sản phẩm mới ra mắt, làm nhân vật đại diện hoặc nhận tài trợ hình ảnh cho các hãng công nghệ, làm MC hay bình luận (caster) cho các sự kiện game. Ngoài ra đặt quảng cáo cho video trên Youtube và chờ người xem donate (đóng góp) trên các trang như Vrdonate, unghotoi… cũng là những nguồn đem lại thu nhập cho streamer.

Các streamer của PewPew Studio trong một buổi bình luận (ảnh: GameK)

Theo một người có 5 năm kinh nghiệm kiếm tiền từ game, các streamer hàng đầu hiện nay của Việt Nam có thể kiếm được số tiền từ 30 – 50 triệu đồng mỗi tháng, tuy nhiên mức thu nhập này không cố định mà chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác. Đơn cử như công việc caster các sự kiện game (diễn ra trong 1-2 ngày) đem lại mức thù lao khoảng 30 - 40 triệu đồng, thu nhập từ Youtube từ vài trăm đến cả triệu đồng, làm nhân vật đại diện hoặc quảng cáo cho các game đem lại số tiền cao hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam các sự kiện về game (giải đấu, ra game mới) diễn ra không nhiều, mỗi tháng chỉ khoảng 1-2 sự kiện nên có tháng streamer kiếm tới 100 triệu, sang tháng khác lại ngồi chơi xơi nước.

Dù vậy, mức thù lao của các streamer hàng đầu Việt Nam vẫn là lớn so với thu nhập bình quân đầu người hiện nay. Thế nhưng, đó chỉ là những trường hợp cá biệt cả ngàn người mới có một. Còn với các streamer ít nổi tiếng (hay các streamer bán chuyên) thì số tiền họ nhận được sẽ nhỏ bé hơn rất nhiều.

Cụ thể, với việc stream những tựa game không thực sự nổi tiếng, hoặc stream để quảng bá những tựa game mà công ty chủ quản yêu cầu, các game thủ bán chuyên gần như không thể thu hút được lượng người xem đông đảo bằng các đồng nghiệp khác. Mức thù lao mà họ nhận được cũng chỉ quanh quẩn mốc 3,5 – 5 triệu đồng mỗi tháng. Với từng đó tiền và phải trang trải cuộc sống ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh là điều khá khó khăn. Thậm chí một số người còn phải ngủ lại công ty để tiết kiệm tiền thuê nhà nhằm giảm thiểu chi phí phát sinh.

Stream game và những mặt trái

Như đã đề cập, streamer đang dần trở thành một nghề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Nếu làm tốt, bạn có thể kiếm được những khoản tiền "trong mơ", tuy nhiên để thu hút người xem và trở nên nổi tiếng là cả một quá trình gian nan và không hề đơn giản. Một khi trở thành người chơi game kiếm tiền, bạn sẽ phải trở thành một "performer" đúng nghĩa đen, tức là vừa phải có kỹ năng chơi game vừa có khả năng ăn nói giống như một MC tạp kỹ, chứ không chỉ là ngồi lỳ trước màn hình máy tính.

Đó là chưa kể, sức khỏe là một thứ mà bản thân các streamer phải đánh đổi để lấy được số lượng view, subscriber khủng: ăn uống tại máy tính, stream game cho người khác xem cả ngày trời, làm việc bất kể ốm đau và giờ giấc... Đó là những công việc sau khi bạn đã có người theo dõi. Còn lúc mới bắt đầu, chưa ai biết bạn là ai thì mọi chuyện còn khó khăn gấp bội.

Trong vòng 1 tháng đầu tiên khi ra mắt, sẽ chẳng ai biết đến kênh stream. Bạn sẽ phải làm hết sức để người xem stream bắt đầu chia sẻ những đoạn clip của bạn, và để làm được điều này thì bạn cần phải có tính kiên trì cao. Kiếm tiền từ game chưa bao giờ dễ dàng, và giàu lên nhờ nghề stream còn khó khăn gấp bội. Dĩ nhiên vẫn có những nhân vật đáng để chúng ta học hỏi và nể phục. Những streamer, hay caster, những bình luận viên game theo hướng chuyên nghiệp đã có được những khoản thu nhập đáng kể, nếu như không muốn nói là đủ để nuôi sống chính bản thân hoặc thậm chí là làm giàu và trở thành tỷ phú. Thế nhưng nếu chỉ dõi theo những thần tượng mà quên đi việc cố gắng hết sức mình, thì đừng mơ mộng tới chuyện trở thành một streamer thành công kiếm ra cả trăm triệu mỗi tháng.

TM - GL

Chủ đề khác