VnReview
Hà Nội

Modern Tech, iFan đã lừa người chơi tiền ảo 15.000 tỉ đồng như thế nào?

Vào sáng qua (8/4), nhiều người dân đã kéo tới trước trụ sở công ty cổ phần Modern Tech tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Q1, TP.HCM để tố cáo bị công ty này và các đối tác lừa đảo chiếm đoạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, thông qua hình thức huy động vốn để kinh doanh tiền ảo.

Các nạn nhân giăng biểu ngữ trước công ty Modern Tech ở TP.HCM (Ảnh:;VietnamFinance)

Theo các nạn nhân, liên danh ma quỷ giữa ModernTech, iFan và Pincoin là chủ mưu của vụ lừa đảo tiền tỷ này. Cụ thể, iFan và Pincoin là dự án huy động vốn được 7 người Việt lập ra nhưng lại mượn danh nước ngoài. Theo đó, iFan được tuyên bố là dự án đến từ Singapore trong khi Pincoin đến từ Ấn Độ.

Để qua mặt các cơ quan chức năng, iFan và Pincoin đã ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện pháp lý tại Việt Nam và công ty đại diện này đã công khai tổ chức các sự kiện huy động vốn (IOC - Initial Coin Offering) tại TP.HCM và Hà Nội. Tiếp đó, để qua mặt sự kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Modern Tech đã phát hành đồng tiền ảo này để huy động vốn một cách nhanh chóng thay vì phát hành cổ phiếu như thông thường, qua đó đặt hàng ngàn nhà đầu tư vào bẫy thòng lọng tiền ảo. Nhưng vì sao các kẻ lừa đảo này lại dễ dàng lợi dụng hình thức ICO tiền ảo này để chiếm đoạt tiền bạc của những người nhẹ dạ như vậy? 

Mật ngọt chết ruồi

Một buổi sự kiện ICO "hoành tráng" tại Hà Nội của Modern Tech và iFan

ICO (Initial Coin Offering) là hình thức huy động vốn cho một liên doanh tiền ảo mới. Theo đó, trong đợt chào bán ICO thì các nhà đầu tư sẽ dùng tiền thật của mình để mua tiền ảo của một công ty, tương tự như các giao dịch phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO). Về lý thuyết, mức giá tiền ảo bán ra lúc này rất rẻ và các nhà đầu tư đều kỳ vọng vào việc tiền ảo sẽ tăng giá sau đó để bán ra kiếm lợi ở mức gấp 5 gấp 10 so với mức giá ban đầu họ mua. Đáng tiếc rằng thực tế thường không như mong đợi, nhất là khi ngay từ đầu những kẻ bán ra đã có chủ ý lừa đảo người mua. 

Bài PR đánh bóng tên tuổi của iFan và Modern Tech được đăng tải công khai trên một trang báo lớn

Để ICO thành công, chúng phải tạo ra được hiệu ứng lan tỏa càng rộng càng tốt, nhằm kiếm được nhiều "gà" rót tiền vào các đợt ICO. Cụ thể, những kẻ lừa đảo đã nhanh tay chạy một loạt quảng cáo trên Facebook và các trang tin lớn với những bài viết PR (quảng cáo) đánh bóng tên tuổi cũng như tô vẽ để tăng độ uy tín của iFan, Modern Tech và Pincoin với những người đang ham hố tìm kênh đầu tư làm giàu. Thậm chí, chúng còn không ngần ngại mạo danh những người nổi tiếng trong showbiz để quảng cáo, trong đó có cả ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng?!

Để chiếm trọn lòng tham của các nhà đầu tư, trong các đợt huy động vốn ICO, Modern Tech hứa hẹn chia sẻ 48% lợi nhuận mỗi tháng, trong đó thời gian hoàn vốn tối đa là 4 tháng. Bên cạnh đó, nếu ai giới thiệu thêm nhà đầu tư tham gia thì sẽ được hưởng thêm 8% mức đầu tư của người đó. Mật ngọt chết ruồi, chiếc bẫy đa cấp tiền ảo theo mô hình hình thang huyền thoại này đã lập tức phát huy tác dụng, lôi kéo nhiều người tham lam nhảy vào...

Avatar và khuôn mặt của những kẻ cầm đầu trong vụ lừa đảo tiền ảo trị giá 15 nghìn tỷ đồng được các nạn nhân in ra để tố cáo

Đúng kịch bản đã định, sau khi thu về hàng tỷ đồng từ các đợt ICO tại các thành phố lớn, chúng bất ngờ công bố chuyển hình thức trả thưởng sang… tiền ảo iFan với mức giá "quy ước" 5 USD/đồng, trong khi chỉ một thời gian ngắn sau đó giá trị của đồng tiền ảo này đã chạm đáy ở mức… 0,01 USD/đồng khiến các nhà đầu tư vỡ mộng, ôm "coin rác" và thậm chí là không lấy lại được số tiền đã trót đầu tư vào Modern Tech.

Chung cuộc, với nhiều chiêu trò khác nhau, theo VietnamFinance ước tính đã có 32 ngàn nạn nhân bị sập bẫy iFan, giúp chúng huy động được tới 15 nghìn tỷ đồng và sau đó ôm tiền rồi đột ngột "biến mất", khiến hàng trăm "nhà đầu tư" dở khóc dở cười khi rơi vào cảnh tan cửa nát nhà vì rót vốn vào "tiền ảo" của Modern Tech hàng trăm triệu đồng và thậm chí là hàng tỷ đồng.  

Chiêu cũ, nạn nhân mới

Lê Ngọc Tuấn (biệt danh Tuấn Cam) - một trong số những kẻ cầm đầu của nhóm lừa đảo tiền ảo này - đang rao giảng về kinh doanh trên YouTube.

Các mô hình đa cấp và huy động vốn như Modern Tech với các đồng tiền ảo iFan và Pincoin không xa lạ gì với các nhà đầu tư. Trước đó, thế giới đã chứng kiến nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo, trong đó có thể kể đến vụ sụp đổ của sàn tiền ảo Bitconnect - vụ lừa đảo lớn nhất trên thị trường tiền ảo do Ủy ban chứng khoán Mỹ "bóc phốt" khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay, trong đó có không ít người Việt. 

Dù vậy, Modern Tech vẫn biết cách quảng bá trên Facebook và các trang tin lớn, lợi dụng khe hở của các nhà quản lý cũng như lòng tham của chính các nhà đầu tư để gài bẫy. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã quá ngây thơ khi tin vào hình thức kiếm tiền không đổ mồ hôi này dù các cơ sở pháp lý và pháp nhân của chúng quá mơ hồ. Các nhà đầu tư lần này không chỉ là những người "nhà quê" khờ dại như các vụ lừa đảo đa cấp trước đó, mà chủ yếu là những người nhàn rỗi đang sinh sống ở các thành phố lớn có nhiều thời gian lướt Facebook và đọc báo mạng, đó có thể là những người chỉ mới "nghe nói" nhiều về tiền ảo hay cả những kẻ tự coi mình là "am tường" tiền ảo, nhưng có lẽ do quá kỳ vọng và nóng vội nên họ đã tự đưa mình vào cái bẫy mà ModernTech và iFan, Pincoin đã giăng sẵn.

Theo luật Việt Nam, kể từ 1/1/2018 các hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán tiền ảo bất hợp pháp tại Việt Nam đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong vụ lừa đảo ngàn tỷ này cơ hội lấy lại tiền của các nhà đầu tư tiền ảo này là rất thấp...

TM

Chủ đề khác