VnReview
Hà Nội

6 dấu hiệu nhận biết một ICO lừa đảo

Gần đây, thị trường tiền ảo Việt Nam xôn xao vì vụ lừa đảo lên đến 15 ngàn tỷ đồng của mô hình đa cấp tiền ảo iFan và Pincoin. Quy mô vụ việc lớn đến mức đã được đưa lên các trang tin nổi tiếng thế giới như diễn đàn Reddit, CoinTelegraph. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết một đợt phát hành tiền ảo đáng ngờ?

Dưới đây là một số lời khuyên của doanh nhân trẻ Deep Patel được đăng trên trang TechCrunch.

< Modern Tech, iFan đã lừa người chơi tiền ảo 15.000 tỉ đồng như thế nào?

< Bị gọi là mô hình lừa đảo Ponzi, tiền mã hoá vẫn tiếp tục đà tăng trở lại

< ‘Tôi trở thành nạn nhân của iFan như thế nào?'

Deep Patel là một nhà văn, doanh nhân trẻ, tác giả quyển sách 11 nguyên tắc thành công (A Paperboy's Fable: The 11 Principles of Success) được Success Magazine bình chọn là quyển sách kinh doanh hay nhất năm 2016, từng lọt vào danh sách 25 người có ảnh hưởng tiếp thị lớn nhất của tạp chí nổi tiếng Forbes.

Các đợt phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) đã mở ra cho công chúng những cơ hội đầu tư vào các công ty bitcoin. Chỉ tính riêng quý 3 của năm 2017, các ICO đã huy động hơn 1,3 tỉ USD cho các công ty tiền mã hóa, gấp 5 lần số vốn huy động được qua đầu tư mạo hiểm thông thường vào lĩnh vực blockchain.

Năm 2017 có hơn 200 ICO nên việc thực hiện kiểm tra chi tiết (due diligence, hoạt động của các nhà bảo lãnh phát hành bao gồm nghiên cứu, điều tra, các buổi họp thu thập thông tin về một công ty và chứng khoán sắp chào bán) sẽ cực kỳ tốn thời gian, kể cả với các nhà phân tích có chuyên môn chứ chưa nói tới các nhà đầu tư nghiệp dư đơn độc. Việc này phức tạp vì trong thực tế, blockchain vẫn chỉ được xem là một công nghệ giai đoạn đầu, với các cơ chế đồng thuận và các trường hợp sử dụng (use case) đang được xây dựng mỗi ngày.

Với việc ngày càng được công chúng quan tâm, hệ thống thuật ngữ khó hiểu và thể chế quy định lỏng lẻo, không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện một số ICO lừa đảo và gian lận tiền của các nhà đầu tư.

Dù không có điều gì so sánh được với hoạt động due diligence chất lượng, có kiến thức nhận ra những cảnh báo để định hướng rõ ràng trước các ICO xấu hoặc lừa đảo vẫn sẽ rất có ích cho bạn.

1. Các use case không cần blockchain

Không phải mọi công ty đầu tư đều cần blockchain, và không phải mọi thứ đều cần được phân quyền. Điều này khá rõ ràng, nhưng với tất cả những lời cường điệu về công nghệ blockchain và tiềm năng to lớn của nó, bạn sẽ dễ dàng bám theo một ý tưởng trong một ngành công nghiệp lớn nào đó được đề cập trong các "sách trắng" (whitepaper) mà dự án nhắm tới.

Kể cả các dự án yêu cầu thanh toán bằng tiền mã hóa (ví dụ như dự án Steemit trao thưởng cho những người viết tham gia nó bằng "hệ thống điểm kỹ thuật số" Steem) cũng có thể sống tốt với những đồng tiền mã hóa hiện hành như Bitcoin và Ether.

Câu hỏi hay đầu tiên cần đặt ra khi đánh giá một dự án ICO là "Chúng ta có cần một blockchain hay một token riêng cho dự án này?". Nếu câu trả lời của hai vế đều là không, nhiều khả năng đó là một dự án ICO lừa đảo.

2. Các dự án nguồn mở là repositories rỗng

Nếu một dự án ICO sử dụng mã nguồn mở, nếu trang Github của dự án đó rỗng hoặc không tồn tại, đó chính là một dấu hiệu của lừa đảo.;

Một trong những đặc điểm chính của nhiều dự án blockchain công cộng là có mã nguồn mở, nghĩa là mã nguồn thường được tải lên các repository uy tín như GitHub để tất cả mọi người có thể vào kiểm tra. Những người đã có kinh nghiệm lập trình blockchain sẽ đánh giá được tính hợp lệ của một dự án khi xem qua mã nguồn của chúng.

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của một dự án lừa đảo là nó thiếu thông tin chi tiết về cách vận hành công nghệ. Với các nhà đầu tư không có chuyên môn kỹ thuật, họ đơn giản chỉ cần kiểm tra xem dự án đó đã có các tập tin được đăng lên hoặc đã có sản phẩm hoàn thiện hay chưa.

Tuy Reddit thông thường không phải là một nơi đáng tin cậy để xin lời khuyên kinh doanh, các subreddit (các diễn đàn quy mô nhỏ hơn thuộc Reddit) dành riêng cho việc thảo luận một dự án ICO hay một loại tiền điện tử nào đó vẫn đáng để bạn tham khảo.

3. Cấu trúc đào tiền thiên vị cho nhóm phát triển

Lịch cung cấp và cấu trúc đào tiền có thể được dùng làm tham chiếu chéo tới các điểm dữ liệu khác và xác nhận ý định của các nhà sáng lập, dù cách kiểm tra lừa đảo này không phải lúc nào cũng chính xác.

Một cách đơn giản, đào tiền sớm (premine) là tình huống mà một phần token của một dự án tiền mã hóa được bán cho một nhóm nhỏ trước khi được chào bán rộng rãi ra công chúng. Thỉnh thoảng, premine có thể là một phương tiện cần thiết để tặng thưởng cho các nhà phát triển và các nhà đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ phần trăm tổng số token của vòng đời dự án được dự trữ cho một premine quá nhiều thì bạn cần phải lo ngại.

Ví dụ như Paycoin, dự án tiền ảo lừa đảo nổi tiếng mà công ty điều hành GAW Miners tuyên bố đã đầu tư đến 8 triệu USD, đã dự trữ phần lớn token cho các nhà phát triển dự án (8 triệu USD cũng chỉ là một tuyên bố không có thật). Thiên vị cho nhóm phát triển có thể là một bằng chứng cho thấy ý định của nhóm muốn tối đa hóa thu nhập tài chính cá nhân của họ qua việc chào bán token, thay vì duy trì khả năng tồn tại của mạng lưới blockchain theo thời gian.

4. Đội ngũ vô danh hoặc ít kinh nghiệm

Hiểu rõ những người trong đội ngũ đứng sau một dự án blockchain có thể là bước quan trọng nhất trong hoạt động due diligence của bạn. Kể cả khi thị trường đáp ứng nhu cầu (addressable market, một chỉ số đo lường nhanh tiềm năng cơ sở của một cơ hội sản phẩm/dịch vụ) và bất động sản của doanh nghiệp có vẻ hấp dẫn, một trong những yếu tố lớn nhất quyết định thành công của một doanh nghiệp là thành phần đội ngũ.

Thông thường, nếu đội ngũ đứng sau ICO không có bất kỳ nhà phát triển toàn thời gian có tên tuổi nào thì đó cũng là một cảnh báo. Bạn càng phải thận trọng hơn nếu không có ai trong nhóm có kiến thức chuyên môn trong một ngành cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng phải thẩm tra xem các cố vấn của nhóm có đúng luật không. Danh sách cố vấn cũng thường được liệt kê trên website.

Các nền tảng Twitter và LinkedIn sẽ hữu ích cho bạn khi tìm kiếm các thành viên nhóm, cố vấn và thẩm định kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc kiểm tra của bạn vẫn có thể thất bại vì các hồ sơ bị giả mạo. Nếu các thành viên trong nhóm tuyên bố có quan hệ hợp tác trước đó với các công ty hay trường đại học, hãy kiểm tra lần nữa qua các nguồn thứ ba uy tín (ví dụ như website công ty hay báo của trường đại học) để biết được sự thật.

5. Không có đủ thông tin trên website/whitepaper

Nếu một cái gì đó có vẻ giống lừa đảo thì có thể sự thật là vậy. Khi bạn không chắc chắn một dự án có phải là lừa đảo hay không, tốt nhất là hãy thận trọng. Dù việc thiếu các website được thiết kế tốt và thông tin chi tiết về một dự án tiền mã hóa có thể là vì dự án vẫn đang trong quá trình "phôi thai", bạn khó mà xác định được đó là một dự án chưa phát triển đầy đủ hay một vụ lừa đảo. Trong nhiều trường hợp, có thể là cả hai. Trong những trường hợp đó, các nhà đầu tư quan tâm có thể chờ thêm thông tin (ví dụ như các ICO ở châu Á, thông tin chỉ được dịch sang tiếng Anh ở giai đoạn sau của dự án), hoặc đơn giản hơn là né tránh các ICO mà họ chưa hiểu rõ hoàn toàn.

Không gì có thể so sánh với hoạt động due diligence chất lượng.

Một nguồn thông tin quan trọng khác về tất cả các ICO là "sách trắng" (white paper) - tài liệu tóm tắt sứ mệnh, các chi tiết kỹ thuật, đội ngũ và các chi tiết quan trọng khác đằng sau doanh nghiệp. Dù các nhà đầu tư nghiệp dư không có nền tảng kỹ thuật để hiểu trọn vẹn mọi khía cạnh của một sách trắng, hiểu biết chung về các khái niệm blockchain là điều bắt buộc phải có khi đánh giá các sách trắng. Một số dự án chính thống hơn (ví dụ Ethereum) cung cấp một sách trắng ở trình độ cao, tóm tắt các điểm chính của doanh nghiệp cùng với một tài liệu kỹ thuật chi tiết để giải thích công nghệ phía sau dự án.

Ảnh minh họa sách trắng của Ethereum

6. Không có lộ trình phát triển rõ ràng

Thông thường, các dự án ICO liệt kê các mục tiêu phát triển và cấp vốn của họ trên một dòng thời gian (timeline) rõ ràng cho các nhà đầu tư cùng xem. Việc thiếu một lộ trình phát triển (roadmap) rõ ràng cho thấy nhóm phát triển không có kế hoạch dài hạn cho dự án, do đó có thể động lực chủ yếu của nhóm là lợi tức tài chính ngắn hạn. Dấu hiệu này cùng với dự trữ premine lớn cho nhóm phát triển là những cảnh báo mạnh mẽ rằng dự án ICO đó không đáng để bạn bỏ tiền vào ký quỹ.

Thông thường, các dự án ICO sẽ có các kênh Slack hay Telegram dành riêng cho công chúng tham gia. Các nhà đầu tư tiềm năng có thể hiểu được cách dự án phát triển thông qua các bản cập nhật hàng tháng trên các kênh này.

Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo ác độc có thể dễ dàng tạo ra một timeline từ "hư không" hoặc cung cấp các cập nhật giả mạo trên ứng dụng chat. Điều này có nghĩa là, việc thiếu timeline chắc chắn là một điều đáng ngờ, nhưng có timeline cũng chưa phải là một điều kiện đủ của một dự án ICO hợp pháp.

ợ

Linh Trần (Theo TechCrunch)

Chủ đề khác