VnReview
Hà Nội

Phó tổng giám đốc Samsung lý giải nguyên do năng suất lao động Việt Nam thấp

Nhìn từ câu chuyện đội tuyển U23 Việt Nam, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng một CEO giỏi cũng giống như một huấn luyện viên biết dùng người sẽ khai thác được tiềm năng và giá trị của người lao động.

Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam

Gần 1 năm trước, các cầu thủ đội tuyển U22 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng đã phải nhận thất bại cay đắng tại SEA Games 29 năm 2017 khi bị loại ngay từ vòng bảng.

Chỉ vài tháng sau đó, vẫn những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải với sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo đã làm vinh danh thể thao nước nhà khi đạt á quân giải vô địch U23 châu Á trước sự ngỡ ngàng của bạn bè khắp năm châu.

Câu chuyện thể thao này tưởng chừng như không liên quan gì đến kinh tế nhưng theo ông Woo, thực chất cả hai lĩnh vực này lại có cùng một điểm chung: dù là cầu thủ bóng đá hay người lao động trong các doanh nghiệp, ai cũng sẽ có những tiềm năng và lợi thế riêng của mình; tuy nhiên, nếu không được khai phá đúng cách, tiềm năng sẽ vẫn mãi chỉ là tiềm năng.

Trong thời gian gần đây, câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực đã chẳng còn quá xa lạ. Theo thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan; khoảng cách này được các chuyên gia nhận định vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2017 cũng chỉ đạt 4,7%, thấp hơn nhiều so với 9,07% của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khá bất ngờ khi vừa qua Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định năng suất lao động của người Việt Nam tại nhà máy của Samsung hiện nay bằng 99% so với năng suất lao động tại các nhà máy của Samsung ở các quốc gia khác, kể cả so với Hàn Quốc – một quốc gia rất phát triển.

Ông Bang Hynn Woo cho biết, hiện đang có hai đối tượng lao động chính tại các nhà máy của Samsung là công nhân và kỹ sư. Trong đó, tổng số công nhân tại các nhà máy Samsung ở Việt Nam là 170 nghìn người Việt với khoảng 240 quản lý người Hàn trong khi dây chuyền về chất lượng công nghệ và quy chuẩn khá tương đồng với các nhà máy tại Hàn Quốc. Điều này chứng tỏ năng suất lao động của người Việt khá tương đồng so với các nước khác, kể cả một quốc gia phát triển như Hàn Quốc.

Đối với nguồn lao động chất lượng cao, ông Woo nhìn nhận, chất lượng đầu vào, cụ thể là trình độ và năng suất lao động của kỹ sư Việt Nam vẫn thấp hơn so với kỹ sư Hàn Quốc do sự khác biệt về cơ chế đào tạo.

Tuy nhiên, sau quá trình đào tạo tại doanh nghiệp khoảng 1 – 2 năm, kỹ sư Việt Nam đã được nâng cao tay nghề và đạt được trình độ tương đương so với các kỹ sư Hàn Quốc.

Lãnh đạo Samsung cho rằng tiềm năng của người lao động Việt Nam rất cao tuy nhiên năng suất lao động còn thấp chủ yếu do quá trình đào tạo, tổ chức và và quản lý sử dụng lao động, đây là những yếu tố chính quyết định đến năng suất lao động của một doanh nghiệp.

"Nếu người lao động Việt Nam có được sếp giỏi thì năng suất lao động cũng sẽ được nâng lên giống như việc các cầu thủ U23 Việt Nam trong chiến thắng vừa qua đã gặp huấn luyện viên tốt, biết dùng người và biết cách khai thác tiềm năng học trò", ông Woo đánh giá.

Đồng quan điểm với ông Woo, tại diễn đàn CEO 2018, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup cho rằng, chính người sử dụng lao động quyết định và chịu trách nhiệm tuyệt đối về năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo môi trường văn hoá cạnh tranh lành mạnh, thưởng phạt phân minh để thu hút và giữ chân người tài.

Đồng thời, người đứng đầu cũng cần biết đầu tư xây dựng và hoạch định chiến lược sử dụng lao động cũng như phát triển doanh nghiệp vì chính những điều này sẽ quyết định năng suất lao động.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cũng cho rằng lãnh đạo đóng vai trò quyết định trong vấn đề năng suất lao động của một doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Deloitte, để có thể khai thác được tiềm năng của lao động, Việt Nam cần phải khai phá được các yếu tố bao gồm: hệ chính sách tiền lương, thưởng; đào tạo nghề gắn với người lao động; hệ thống quản trị công ty và văn hóa doanh nghiệp phải có sức sáng tạo, tạo cho người lao động môi trường làm việc có kỷ luật. Lúc này, chính các CEO, những người sử dụng lao động sẽ khai phá các yếu tố này.

Tuy nhiên bà Thanh cho biết, hiện nay công tác đào tạo lao động vẫn không được các CEO đánh giá cao. Theo một khảo sát của Deloitte về dự án lớn nằm trong kế hoạch của các doanh nghiệp, lĩnh vực được kể tên nhiều nhất vẫn là dự án bất động sản và gần như không có lãnh đạo doanh nghiệp nào xem đào tạo lao động như một dự án lớn trong kế hoạch hoạt động của họ.

Một trong những nguyên nhân mà các chuyên gia đưa ra trong thời gian gần đây là do các chủ doanh nghiệp có tâm lý lo sợ người lao động sau khi được nâng cao tay nghề sẽ tìm đến một nơi làm việc mới trả lương hậu hĩnh hơn. Chính điều này sẽ gây nên một sự tổn thất rất lớn về chi phí đào tạo cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các chủ doanh nghiệp cần phải coi đầu tư cho đào tạo lao động là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí sản xuất.

Trước đó, trao đổi với TheLEADER, ông Stephan Ulrich, Quản lý dự án Vùng dự án phát triển doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng lao động không rời bỏ công ty mà họ rời bỏ sếp của mình.

Về cơ bản, các doanh nghiệp và đặc biệt là các nhà lãnh đạo cần đảm bảo rằng nhân viên của họ thấy được tiềm năng phát triển của công ty sẽ mang lại cơ hội thăng tiến cho họ, đồng thời cho họ thấy được sự tôn trọng từ chính người quản lý của mình.

Theo đó, các CEO cần thay đổi lối tư duy cũ mòn của mình sang hướng coi nhân viên là trung tâm tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; có như vậy thì mới có thể giữ chân được người tài, những người sẵn sàng cống hiến thời gian và tài năng; góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp.

Theo Theleader.vn

Chủ đề khác