VnReview
Hà Nội

Việt Nam nhiều khả năng sẽ “thua” trong cuộc chiến đòi nợ thuế Uber

Cả Grab và Uber đều không có trụ sở chính ở Việt Nam, khi thương vụ Grab mua Uber diễn ra thì Grab tuyên bố không trả nợ thuế thay Uber, bản thân thương vụ này cũng có nhiều khả năng vi phạm quy định về tập trung kinh tế… Việc thu đòi khoản nợ thuế này chắc chắn không đơn giản.

Uber rút khỏi Việt Nam với khoản nợ thuế lên đến gần 54 tỉ đồng, để lại tranh cãi ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả khoản thuế này và làm thế nào để thu đòi thuế. Cục Thuế TP.HCM khẳng định "không có chuyên Cục Thuế TP.HCM để thất thu khoản thuế 53 tỷ đồng còn nợ của Uber". Đơn vị này đã gửi văn bản "cảnh báo" Grab về việc Cục thuế TP hết sức quan tâm đến số thuế mà Uber đang còn nợ, song tất cả mới chỉ dừng ở mức "cảnh báo".

Tuyên bố trên báo chí, phía Grab cho rằng Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.

Trên thực tế, dù cả Grab và Uber đều kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ tại Việt Nam, nhưng được thu thuế theo hai phương thức khác nhau. Grab là doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có hai thành viên, một là đại diện cá nhân trong nước góp vốn 51% và 49% còn lại của nước ngoài. Do vậy, Grab áp dụng nộp thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí. Còn với Uber, do đây là công ty nước ngoài thành lập ở Hà Lan và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nên không đủ điều kiện để tính theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí. Công ty Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho đại diện thương mại tại Việt Nam là Công ty TNHH Uber Việt Nam để khai và nộp thuế nhà thầu thay. Như vậy, Uber B.V Hà Lan là người đang kinh doanh, ký các hợp đồng vận tải với Việt Nam nên nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ nhất định.

Theo báo Hải Quan, nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan được tính như sau: Tỷ lệ % để tính thuế Giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế Thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%. Cá nhân ký kết hợp đồng với Công ty Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế được xác định là tỷ lệ % để tính thuế giá trị trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế Thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng là 1,5%. Như vậy, chính sách thuế áp dụng cho hai doanh nghiệp này là khác nhau.

Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam, cả hai doanh nghiệp này đã được Tổng cục Thuế và cơ quan Thuế quản lý trực tiếp thực hiện hướng dẫn kê khai thuế đầy đủ. Theo thông tin từ Grab, doanh nghiệp này đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2017. Tính đến hết tháng 10/2017, Grab đã nộp ngân sách nhà nước hơn 142 tỷ đồng.

Còn với Uber, năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra và truy thu, xử phạt thuế với Uber 67 tỷ đồng. Hiện Uber đã nộp 13 tỷ đồng. Cơ quan Thuế đã nhiều lần thúc giục nhắc nhở để thu đòi phần nợ thuế còn lại (gần 54 tỷ đồng) mà chưa được.

Về nguyên tắc, khi thực hiện chuyển nhượng thì Grab và Uber đăng ký lên Sở Kế hoạch Đầu tư về việc Grab mua lại phần vốn của Uber tại Việt Nam, sau đó Sở mới cấp phép điều chỉnh thay đổi và thông báo cho Cục Thuế TP.HCM, đồng thời Grab phải đăng ký với cơ quan thuế, để căn cứ trên kết quả kinh doanh sẽ làm nghĩa vụ thuế.

Luật Quản lý thuế hiện hành cũng quy định rõ doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, nếu Uber sáp nhập vào Grab tại Việt Nam mà Uber vẫn còn nợ thuế thì công ty nhận sáp nhập là Grab phải chịu trách nhiệm.

Thế nhưng, tất cả các yêu cầu này đều chưa được Grab thực hiện. Bản thân nội dung hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên như thế nào cũng không được Grab báo cáo rõ với cơ quan chức năng. Uber đã dừng hoàn toàn mọi hoạt động tại Việt Nam, việc sáp nhập đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương xác nhận đã hoàn tất, nhưng việc thu đòi khoản nợ thuế của Uber vẫn dậm chân tại chỗ. Thương vụ sáp nhập giữa hai công ty đang được Cục cạnh tranh tiến hành điều tra sơ bộ trong thời hạn 30 ngày, nhưng kết luận chính thức thì còn phải chờ ít nhất 6 tháng nữa.

Theo trả lời của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật TNHH Basico trên báo Hải Quan, trong các khâu quản lý Uber hay Grab, nhiều vấn đề chúng ta đang còn lúng túng. Do Uber vào Việt Nam trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam còn chưa rõ ràng về loại hình dịch vụ vận tải này, nên mất khá nhiều thời gian để đưa ra kết luận về tính pháp lý của nó để giải quyết các vấn đề liên quan. Hiện nay cả Grab và Uber đều không có trụ sở chính ở Việt Nam, vì vậy trong quá trình điều tra chỉ những hoạt động kinh doanh nào có liên quan tới Việt Nam cơ quan quản lý mới có quyền yêu cầu phía họ hợp tác. Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với nhiều nước, trong đó có Hà Lan. Điều này không chỉ khiến việc truy thu thuế gặp nhiều thách thức mà còn khiến ta khó giành quyền kiểm soát thuế, đánh thuế với các doanh nghiệp nước ngoài như Uber.

"Theo tôi, phía Việt Nam nhiều khả năng sẽ "thua" trong cuộc chiến đòi nợ thuế Uber nếu áp dụng theo các quy định hiện hành. Khi Uber ngưng hoạt động và ở tận Hà Lan thì không thể ép được đơn vị này bỏ tiền ra nộp thuế", Luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra một nhận định tương tự: Uber chuyển giao lại cho Grab toàn bộ mảng kinh doanh của mình tại khu vực Đông Nam Á để đổi lại, Uber sẽ nắm 25% - 30% cổ phần trong công ty mới sau sáp nhập. Như vậy, không phải toàn bộ Công ty Uber sẽ sáp nhập vào Grab mà chỉ là một mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á. Uber vẫn tồn tại và hoạt động độc lập tại những thị trường khác. Do không có sự sáp nhập về mặt pháp nhân, nên việc kế thừa của Grab đối với các quyền và nghĩa vụ trước đây mà Uber đang nợ đọng với các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ cần phải quy định rõ trong Hợp đồng sáp nhập giữa Uber và Grab.

"Khả năng cơ quan quản lý thuế tại Việt Nam phải sang tận Hà Lan để đòi nợ là rất cao bởi nhiều lý do. Thứ nhất, tư cách pháp nhân của Uber vẫn còn tồn tại nên nếu trong hợp đồng giữa Uber và Grab không quy định về việc chuyển giao cả nghĩa vụ nộp thuế thì mặc nhiên hiểu là Uber Hà Lan vẫn là người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế. Thứ hai, theo quy định của Bộ Luật dân sự Việt Nam, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý (Điều 370). Nghĩa là, nếu Uber muốn chuyển nghĩa vụ nộp thuế cho Grab thì phải có sự đồng ý của cơ quan Thuế Việt nam. Trên thực tế thì chưa thấy ai nói về điều này", Luật sư Hà Huy Phong cho biết.

Doanh thu mà Uber có được nhờ thu từ tài xế được chuyển thẳng về Hà Lan, nên người nợ thuế là Uber Hà Lan. Quản lý thuế, trong đó có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là hoạt động mang tính hành chính – nhà nước, chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán mà Việt Nam có quyền. Các biện pháp hành chính của Chính phủ Việt Nam sẽ không có giá trị trên lãnh thổ của quốc gia khác. Hiện nay, theo quy định tại Điều 26 Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và Hà Lan, hai bên có thể có sự trao đổi thông tin với nhau về quản lý thuế, cưỡng chế, truy tố… nhưng không bên nào có quyền buộc bên kia "thực hiện các biện pháp hành chính khác với luật pháp hay thông lệ về quản lý hành chính của nước ký kết đó hay nước ký kết kia".

"Có thể hiểu rằng, nếu Chính phủ Việt nam có biện pháp cưỡng chế thu hồi thuế với Uber Hà Lan thì cũng không có quyền yêu cầu cơ quan chức trách Hà Lan thực hiện quyết định cưỡng chế đó tại Hà Lan và đối với Uber Hà Lan. Nói một cách thẳng thắn, có thể cho rằng, nếu Uber Hà Lan nhất quyết không chịu nộp thuế, thì việc thu hồi số thuế nợ đọng đó là nằm ngoài khả năng của cơ quan thuế và thậm chí là coi như bị mất trắng!", Luật sư Hà Huy Phong nói.

A.M

Chủ đề khác