VnReview
Hà Nội

5 lời khuyên để từ bỏ thuốc lá

Chúng ta đều biết thuốc lá có hại, và đã xác định được những "thủ phạm" gây hại nhất trong những điếu thuốc. Vậy làm thế nào để giảm thiểu tác hại của thuốc lá?

Trong bài viết trước, VnReview đã liệt kê ra những "thủ phạm" gây hại trong điếu thuốc lá: các hóa chất được sinh ra khi điếu thuốc bị đốt cháy có thể gây ung thư, và khói thuốc lâu ngày thành hắc ín bám vào phổi, cuống họng là tập hợp các chất gây hại. Ngoài ra, không thể bỏ qua nicotine, chất gây nghiện khiến người hút khó bỏ được thuốc.

Vậy, làm thế nào để giảm thiểu và loại bỏ tác hại của thuốc lá?

Cách triệt để duy nhất chính là bỏ hoàn toàn, không hút thuốc lá! Đúng vậy, ngoại trừ bỏ hoàn toàn thì không có cách nào loại bỏ được tác hại của thuốc. Nghiên cứu mới được công bố đầu năm 2018 đã chỉ ra, những người hút "ít", chỉ 1 điếu mỗi ngày vẫn có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch vành cao đáng kinh ngạc. Rõ ràng là khi hút thuốc, dù ít, cơ thể vẫn phải chịu nhiều nguy cơ về sức khỏe.

https://vnreview.vn/image/17/59/71/1759710.jpg?t=1516861792146

Không chỉ phổi, tim cũng là cơ quan bị ảnh hưởng bởi các tác hại của thuốc lá

Một tin mừng là khi bỏ thuốc, những tổn thương về phổi có thể được hồi phục một phần. Theo Live Science, sau khi dừng hút thuốc, những lớp hắc ín bám trên phổi có thể dần bị loại bỏ, qua đó khả năng thải chất nhầy ở lớp lông tơ mới phát triển trở lại sẽ tăng lên.

Thế nhưng, đây là câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi". Chắc chắn rất nhiều người đã từng quyết tâm bỏ thuốc lá, thậm chí đã bỏ được vài tuần, vài tháng và cuối cùng lại hút lại. Có rất nhiều cám dỗ khiến người nghiện thuốc quay lại với thuốc lá: chất gây nghiện nicotine, cảm giác quen thuộc khi cầm điếu thuốc, và cả môi trường nhiều người hút xung quanh.

Mỗi cá nhân sẽ có cách khắc phục khác nhau với các vấn đề nói trên. Dưới đây là một số gợi ý do VnReview tổng hợp để bạn có thể giảm dần lượng thuốc lá hút hàng ngày, qua đó bỏ hẳn thuốc:

Lên kế hoạch chi tiết: Việc bỏ thuốc sẽ dễ hơn nếu như bạn chuẩn bị kỹ càng bằng một kế hoạch chi tiết. Phần lớn người bỏ thuốc sẽ hút trở lại trong vòng 3 tháng, nếu có kế hoạch thì bạn có thể vượt qua được những "cám dỗ" trong giai đoạn đầu như thèm cảm giác do nicotine mang lại.

Hãy liệt kê ra tất cả những gì bạn thích khi hút thuốc và lý do vì sao bỏ thuốc lại khó khăn. Với mỗi lý do, hãy tìm ra một cách để vượt qua nó. Ví dụ, nếu lý do là "nghiện vì có nicotine", bạn có thể vượt qua bằng "các giải pháp thay thế nicotine". Còn nếu lý do là "hút thuốc mỗi khi căng thẳng", thì cách khắc phục là "đi dạo mỗi khi căng thẳng".

Bạn cũng có thể nhìn lại và xem mình thường hút thuốc vào những lúc nào, ví dụ như sau khi ăn cơm xong hoặc khi uống rượu, và hạn chế những khoảng thời gian rảnh đó. Hãy tìm hiểu những tác động lên cơ thể khi bỏ thuốc để sẵn sàng đối mặt, ví dụ như tăng cân hoặc dễ căng thẳng hơn. Cuối cùng, hãy chuẩn bị một loạt các hoạt động để làm mỗi khi lên cơn thèm thuốc.

Tìm đến sự trợ giúp của người thân: Điều này có thể đơn giản chỉ là nói với người nhà, bạn bè bạn chuẩn bị bỏ thuốc. Họ sẽ mang lại những lời động viên, khích lệ khi bạn cần. Nếu tìm được một người cùng chí hướng, quyết tâm bỏ thuốc cùng bạn thì càng hay!

Tập thể dục: Hoạt động thể chất nhiều hơn có thể giúp giảm cảm giác thèm thuốc và một số tác động tiêu cực khi bỏ thuốc. Mỗi khi thèm thuốc, bạn có thể dành ra vài phút để làm một vài động tác, hoặc thậm chí chỉ cần ra ngoài hoặc dắt chó đi dạo cũng đủ để làm xao nhãng bộ não. Hoạt động thể chất giúp tiêu hao năng lượng cũng giúp bạn đỡ tăng cân khi bỏ thuốc.

Tạo môi trường "không hút thuốc": Khi đã quyết tâm bỏ thuốc, hãy bỏ hết những gì liên quan đến thuốc lá khỏi môi trường xung quanh. Ở nhà, bạn có thể cất thật kỹ gạt tàn và bật lửa, lau dọn nhà luôn sạch đến nỗi muốn hút cũng ngại vì sẽ làm bẩn nhà.

Ngoài ra, nhiều người cũng có thói quen hút thuốc mỗi khi uống rượu, bia. Do đó bạn có thể hạn chế cả những dịp ăn nhậu để giảm bớt lý do cần hút thuốc.

Một trong những lời khuyên khá thú vị là hãy chuẩn bị một lọ thủy tinh, và bỏ số tiền mua thuốc vào đó hàng ngày. Qua một tuần hoặc một tháng, bạn sẽ nhận ra mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền khi không mua thuốc, từ đó càng quyết tâm bỏ thuốc hơn!

Dùng sản phẩm thay thế thuốc lá ít hại hơn:hiện nay có những sản phẩm thay thế có thể đem lại tác dụng gần giống như thuốc lá nhưng ít hại hơn. Cụ thể, chúng được chia thành hai loại: sản phẩm nicotine thay thế và thuốc lá thay thế.

Nhiều sản phẩm như miếng dán, kẹo cao su chứa nicotine giúp hỗ trợ bỏ thuốc

Đối với các sản phẩm nicotine có dạng như miếng dán hoặc kẹo cao su chứa nicotine, chúng cung cấp nicotine cho bộ não để tạo ra hiệu quả như khi bạn hút thuốc mà không cần phải hút một điếu thuốc thật. Đây là cách khắc phục sự phụ thuộc vào nicotine của não sau thời gian dài hút thuốc. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh để giảm dần nhu cầu nicotine, qua đó có thể bỏ thuốc.

Với các sản phẩm thuốc lá thay thế, việc hút thuốc vẫn diễn ra nhưng được điều chỉnh để giảm tác hại. Có hai loại sản phẩm chính: thuốc lá điện tử và thuốc lá "hun nóng chứ không đốt cháy" (HNB). Thuốc lá điện tử sử dụng các dung dịch chứa nicotine, khi đốt lên sẽ tạo thành hơi để người dùng hít vào.

Trong khi đó, thuốc lá HNB sử dụng lá thuốc thật như thuốc lá thông thường, nhưng dùng thiết bị đặc biệt để hun nóng đến mức nhiệt thấp hơn nhiều so với thuốc lá thường (350 độ, còn thuốc lá thường khi cháy lên tới 900 độ). Nhờ đó, các chất gây hại sinh ra khi lá thuốc bị đốt cháy sẽ ít hoặc không xuất hiện với loại thuốc lá này, qua đó giảm thiểu tác hại khi hút.

Cả hai sản phẩm thuốc lá thay thế nói trên đều được coi là những sản phẩm hỗ trợ bỏ thuốc, thậm chí cơ quan Y tế công cộng Anh còn cho rằng thuốc lá điện tử giúp tới 20.000 người Anh bỏ thuốc mỗi năm. Tuy những tác hại của chúng được cho là thấp hơn thuốc lá truyền thống, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu độc lập về vấn đề này, nên người dùng cũng nên cân nhắc.

AT

Chủ đề khác