VnReview
Hà Nội

Giá xăng chưa đủ sức hạ nhiệt vụ "bầu" Kiên

Khác với nhiều lần trước, việc doanh nghiệp đề xuất tăng giá xăng lúc này hầu như bị chìm nghỉm trong thế giới mạng bởi sức hút của vụ "bầu" Kiên còn rất lớn.

Theo VTC News, chiều hôm qua (ngày 23/8), một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã gửi đăng ký tăng giá lên Bộ Tài chính với mức từ 1.100-1.200 đồng/lít đối với xăng và 700-800 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu. Nguyên nhân là do giá thế giới lên cao và doanh nghiệp phải chịu lỗ hơn 1.100 đồng/ lít đối với xăng và 600 đồng/ lít đối với dầu.

Như vậy, chỉ sau 10 ngày tăng giá xăng 1.100 đồng/lít lên 23.000 đồng/lít, giá xăng lại nhấp nhổm tăng. Nếu như Bộ Tài chính không có ý kiến gì về đề nghị của doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp sẽ chủ động chọn thời điểm để điều chỉnh giá. Điều đáng lưu ý là nếu áp dụng mức tăng như đề xuất thì giá xăng bán lẻ có thể là 24.100-24.200 đồng/lít - mức giá kỷ lục từ trước tới nay, vượt qua giá đỉnh 23.800 đồng/lít xăng áp dụng từ 20/4 - 9/5/2012.

Tuy nhiên, xem ra đề xuất tăng giá xăng lần này không gây ồn ào dư luận như những lần trước. Một phần có thể người dân đã "trơ" với tin xăng tăng giá, phần khác do diễn biến của vụ án "bầu" Kiên bị bắt đã như cục nam châm, thu hút mọi sự chú ý hiện nay.

Tăng giá xăngBình luận về đề xuất tăng giá xăng, nhiều thành viên diễn đàn webtretho "hiến kế": Tăng một lèo lên vài chục nghìn đồng nữa để những lần sau tăng đỡ phải giải thích, lại hạn chế được phương tiện ô tô, xe máy. Một số thành viên khác thì ngao ngán, thôi, chuyển sang đi xe đạp điện. Trên diễn đàn VOZ, Facebook hoặc bình luận ngay dưới bài báo về doanh nghiệp đề nghị tăng giá xăng của các báo điện tử Dân trí, VietnamNet… có thành viên "chán chả buồn nói", "tin này giờ không hot nữa rồi" hoặc ngao ngán "điệp khúc doanh nghiệp thua lỗ, đòi tăng giá bao giờ mới chấm dứt?".

Trái ngược với sự "nhờn" với tin giá xăng có thể tăng, những thông tin mới đăng trên các báo điện tử hôm nay (ngày 24/8) liên quan đến vụ việc "bầu" Kiên bị bắt mới thu hút độc giả hơn cả. Trên trang tổng hợp tin tức các báo là Báo Mới, 10 bài được đọc nhiều nhất của mục Kinh tế là liên quan đến "bầu" Kiên, ông Lý Xuân Hải - nguyên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Chỉ riêng bài "Khám nhà Tổng giám đốc ACB" vừa đăng được 4 giờ đã có gần 28 nghìn lượt đọc.

Theo TTXVN, hôm qua (ngày 23/8), Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện Lệnh bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lý Xuân Hải, sinh năm 1965; nguyên TGĐ ngân hàng ACB. Ông Hải bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, trong cùng ngày, ông Lý Xuân Hải đã có đơn từ nhiệm. Hội đồng Quản trị ngân hàng ACB đã chấp thuận đơn của ông Hải và quyết định bổ nhiệm Phó TGĐ Đỗ Minh Toàn làm TGĐ ACB từ ngày 23/82012.

Việc "bầu" Kiên, tức ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội bị bắt hôm 20/8 đã có tác động đến không chỉ thị trường chứng khoán mà cả lĩnh vực bóng đá.

Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnhTheo báo Dân trí, thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh sau tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về tội kinh doanh trái phép. Theo thống kê của Vietstock, so với ngày 20/8, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán đến sáng 23/8 là 687.645,12 tỷ đồng (tương ứng khoảng 32,7 tỷ USD), bị mất tới 5,62 tỷ USD. Trong đó, các gia đình "đại gia" chịu thiệt hại nặng nề nhất là "bầu" Đức (Hoàng Anh Gia Lai): 805 tỷ đồng, vợ chồng bầu Kiên (cổ phiếu ACB) mất 361 tỷ đồng, "bầu" Long (Hòa Phát): 330 tỷ đồng, gia đình ông Đặng Văn Thành (STB) mất 308 tỷ đồng, gia đình ông Trầm Bê mất 223,46 tỷ đồng,

Về bóng đá, hai CLB Hà Nội và Trẻ bóng đá Hà Nội của bầu Kiên tuy được lãnh đạo Câu lạc bộ trấn an sẽ không có chuyện giải tán CLB nhưng tương lai không chắc chắn vẫn treo lơ lửng trên đầu cả huấn luyện viên và cầu thủ. Phát biểu với báo chí, ông Lê Hùng Dũng, PCT Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết rất khó tìm được người mua các đội bóng trong hoàn cảnh hiện nay. Một người nổi tiếng khác cũng "nếm trái đắng" là cầu thủ Công Vinh. Ngay trước khi ký hợp đồng mới với CLB Hà Nội T&T, Công Vinh bất ngờ "lật kèo" để nghe theo tiếng gọi của "bầu" Kiên về CLB bóng đá Hà Nội với số tiền "lót tay" cho Công Vinh được đồn là từ 10 đến 15 tỷ đồng. Nay "bầu" Kiên bị bắt, Công Vinh được cho là không những "trắng tay" mà còn có thể phải lo đi xin việc. Song hôm qua, Công Vinh đã lên tiếng phủ nhận, nói anh đã nhận đủ số tiền "lót tay" và giữa anh và "bầu" Kiên chẳng ai nợ ai.

Ngày nay, sự sôi động trên cộng đồng mạng đã phản ánh sát thực hơi thở của xã hội thực. Nhưng các chủ đề nóng thu hút cộng đồng mạng thường nhanh chóng xẹp xuống và bị trôi đi bởi những chủ đề nóng khác. Còn với vụ "bầu" Kiên, xem chừng khó có thể xẹp ngay xuống bởi đây là một "đại gia" nức tiếng và rất nhiều người vẫn đang "lót gạch hóng".

Thanh Xuân

Chủ đề khác