VnReview
Hà Nội

Châu Á đã học cách "yêu" robot, và phương Tây nên học hỏi theo

Có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta nên học cách yêu robot, giống như nhiều người châu Á. Ở phương tây, robot bị báo chí chỉ trích khủng khiếp. Nào là robot sẽ lấy hết công ăn việc làm của con người, nào là robot sẽ xóa sổ tất cả nhân loại…. Tất cả những sợ hãi này còn được nuôi dưỡng bằng quá nhiều những bộ phim như Terminator và nỗi sợ hãi về một loại robot siêu thông minh.

Tuy nhiên, ở châu Á, robot lại là một câu chuyện khác. Robot xuất hiện rất phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trái ngược với những phân tích kinh tế nặng nề của nhiều nhà tư tưởng phương Tây về mối đe dọa hiện đại đối với nạn thất nghiệp vì công nghệ, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã công bố một báo cáo hồi tuần trước, cho rằng sự gia tăng của robot đang tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, chứ không phải là phá hủy.

Phân tích của ADB về 12 nền kinh tế đang phát triển của châu Á trong giai đoạn 2005 và 2015 cho thấy nhu cầu tăng cao đã bù đắp cho các công việc bị mất vì tự động hóa. Việc áp dụng các công nghệ mới, như các công cụ máy móc và hệ thống máy tính hiện đại trong các nhà máy và văn phòng, đã kích thích năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi này ước tính đã tạo ra 134 triệu việc làm mới, so với 101 triệu việc làm bị mất do công nghệ.

Tại sao lại có sự tương phản hoàn toàn giữa châu Á và phương Tây trong quan điểm về tương lai công nghệ? Đó là một câu hỏi thú vị. Và những người máy Nhật Bản sẽ mang đến một số câu trả lời hấp dẫn.

Theo trang Finantial Times, một nhà bình luận giải thích rằng các thế hệ trẻ em Nhật Bản đã được nuôi dưỡng suy nghĩ về robot giống như những anh hùng hữu ích. Chẳng hạn Astro Boy, một bộ truyện tranh nổi tiếng đã bán được 100 triệu bản trên toàn thế giới. Astro Boy kể câu chuyện về một robot hình người được tiến sỹ Umataro Tenma tạo ra để thay thế đứa con trai đã mất của mình. Được hỗ trợ bởi bảy siêu quyền năng, bao gồm một khẩu súng máy có thể thu gọn trong hông, Astro Boy chiến đấu với cái ác và sự bất công. Tham quan bảo tàng khoa học và đổi mới Miraikan ở Tokyo, bạn sẽ thấy trẻ em Nhật Bản thích thú ra sao trước robot Asimo.

Masatoshi Ishikawa, một giáo sư người máy tại trường đại học Tokyo, có một cách giải thích khác nữa. Ông cho rằng có ảnh hưởng từ niềm tin tôn giáo. Trong khi các tôn giáo độc thần của phương Tây khó khăn khi chấp nhận việc có một "cơ thể phi hữu cơ", một vật thể mang hình hài con người và có trí thông minh, thì các tôn giáo tâm linh của phương Đông lại thấy dễ dàng hơn khi tin rằng robot có thể có một tinh thần riêng biệt.

"Tâm trí tôn giáo Nhật Bản có thể dễ dàng chấp nhận loại máy móc như robot tồn tại", ông nói. "Chúng tôi coi họ như bạn bè và tin rằng họ có thể giúp con người".

Giáo sư Ishikawa nói rằng có hai loại robot: loại làm công việc của con người và loại giúp con người tăng hiệu suất. Chúng ta đã nghe quá nhiều về loại robot đầu tiên và quá ít về loại thứ hai. Vì người rô bốt không bao giờ phàn nàn, nên chúng có thể giúp con người đối phó với những công việc liên quan đến sự bẩn thỉu, mất vệ sinh, những việc tay chân nặng nhọc và những việc nguy hiểm. Những quốc gia có mức độ sử dụng robot cao nhất có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.

Điều này cho thấy những nền kinh tế mạnh của châu Á ngày càng sử dụng nhiều robot. Robot đang giúp giải quyết một vấn đề nhân khẩu học cấp tính khi dân số xã hội nhanh chóng già đi. Một số xã hội châu Á thích sử dụng robot để bổ sung lực lượng lao động bị thu hẹp của họ, hơn là sử dụng người nhập cư. Điều đó ngụ ý rằng robot sẽ ngày càng được dùng nhiều hơn, không chỉ trong các nhà máy, mà còn cả trong các gia đình và bệnh viện, nơi chúng sẽ cần những khả năng khác nhau. Sự tương tác giữa con người và robot đang bùng nổ trên khắp thế giới.

Kaname Hayashi, người sáng lập và giám đốc điều hành của GrooveX, nói rằng một thế hệ robot thứ ba cần được sinh ra, để kết hợp phần cứng và phần mềm, tạo ra các robot hình người biết cảm nhận tình cảm.

Ông Hayashi, người đã giúp phát triển Pepper trong khi đang làm việc tại SoftBank, đang tạo ra một robot như vậy có tên là LOVOT (kết hợp giữa tình yêu (love) và robot) ở công ty mới thành lập của ông. "LOVOT không phải là một cơ thể sống nhưng nó giúp bạn bớt gánh nặng, khiến bạn cười, khiến bạn hạnh phúc. Nó làm trái tim bạn ấm áp".

"Chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ giữa con người và máy móc mà chúng tôi có thể tin tưởng", ông Hayashi nói.

Terah Lyons, giám đốc điều hành của hãng Partnership on AI, một tập đoàn công nghệ bao gồm các thành viên ở Mỹ và châu Á, cho thấy sự nhiệt tình của xã hội Nhật Bản đối với xu thế tự động hóa, tương phản hoàn toàn với nỗi "hoảng sợ đang lan rộng" khắp nước Mỹ. "Công nghệ không phải là định mệnh", Terah Lyons nói. Nó phụ thuộc lớn vào văn hóa chính trị và kinh doanh.

Chúng ta có sức mạnh để tạo ra những kết quả như mong muốn. Các xã hội phải vận dụng công nghệ theo những khát khao mà chúng ta muốn và nói cho robot biết phải làm gì.

Hoàng Lan

Chủ đề khác