VnReview
Hà Nội

Uganda đánh thuế WhatsApp và Facebook nhằm “ngăn chặn tin đồn nhảm”

Quốc hội Uganda đã thông qua một đạo luật áp đặt tiền thuế gây tranh cãi cho những người sử dụng nền tảng mạng xã hội tại nước này.

Theo đó, mức phí cần phải đóng sẽ là 200 Shilling (đồng tiền Uganda, vào khoảng 0.05 đô la Mỹ, 0.04 bảng Anh hay hơn 1000 đồng) mỗi ngày cho những người sử dụng các nền tảng nhắn tin qua mạng như Facebook, WhatsApp, Viber và Twitter.

Tổng thống Yoweri Museveni đã xúc tiến triển khai đạo luật mới vì cho rằng truyền thông xã hội đang khuyến khích chia sẻ những tin đồn nhảm.

Tổng thống Museveni nói rằng sẽ không đánh thuế dữ liệu mạng vì nó hữu ích cho giáo dục (Ảnh: AFP)

Đạo luật mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ trong việc triển khai thực hiện việc này như thế nào.

Dự luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng sẽ áp đặt các loại thuế khác, bao gồm 1% số tiền trên tổng giá trị giao dịch bằng tiền qua mạng di động – điều này đã làm cho các nhóm xã hội dân sự phàn nàn rằng nó sẽ ảnh hưởng đến người nghèo ở Uganda, vốn hiếm khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Quốc trưởng bộ Tài chính Uganda, ông David Bahati nói với quốc hội rằng việc tăng thuế là cần thiết để giúp Uganda trả hết khoản nợ quốc tế đang tăng lên của nước này.

Theo báo cáo của phóng viên BBC, Catherine Byaruhanga từ Uganda, các chuyên gia và có ít nhất một nhà cung cấp dịch vụ internet lớn tại Uganda đã nêu lên những nghi ngại về việc chính phủ sẽ làm thế nào để thực hiện chính sách thuế mới đối với người dùng mạng xã hội.

Chính phủ nước này đang vật lộn để đảm bảo tất cả các thẻ SIM điện thoại di động được đăng ký đúng cách. Theo Reuters , trong số 23,6 triệu thuê bao điện thoại di động trong nước, chỉ có 17 triệu người sử dụng Internet. Do đó, không rõ các nhà chức trách sẽ xác định người Uganda truy cập các trang mạng xã hội như thế nào.

Ông Museveni đã đề xuất triển khai luật áp dụng cho các công cụ truyền thông xã hội hồi tháng Ba qua. Ông đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Matia Kasaija nhấn mạnh rằng doanh thu thu được từ thuế áp lên các ứng dụng truyền thông xã hội sẽ giúp đất nước "đối phó với hậu quả của những tin đồn nhảm".

Nhưng ông lập luận rằng không nên đánh thuế trên dữ liệu mạng vì nó hữu ích cho "mục đích giáo dục, nghiên cứu hoặc tham khảo".

Các nhà phê bình vào thời điểm đó nói rằng luật sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Ông Kasaija bác bỏ những lo ngại rằng luật mới có thể hạn chế việc sử dụng Internet của mọi người. Ông nói với Reuters vào tháng Ba qua: "Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn tiền để duy trì an ninh của đất nước và mở rộng nguồn điện năng để mọi người có thể tận hưởng các phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn, thường xuyên hơn, thường xuyên hơn".

Phóng viên của BBC tại nước này cho biết, các phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một công cụ chính trị quan trọng ở Uganda cho cả đảng cầm quyền và phe đối lập. Người dân tại đây đã không thể truy cập vào các nền tảng này trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. Tổng thống Museveni nhấn mạnh vào thời điểm đó việc ngăn chặn truy cập đã được thực hiện để "chấm dứt sự lan truyền những điều dối trá".

Các quốc gia Đông Phi khác đang thông qua các điều luật bị các nhà hoạt động chỉ trích vì ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.

Chính phủ Tanzania đã giành phần thắng trong một vụ kiện vào ngày 29/5 chống lại các đối thủ chống lại các quy định mới, yêu cầu các blogger phải trả phí cấp phép và phải tiết lộ những người ủng hộ tài chính của họ.

Ở Kenya, một đạo luật mới về tội phạm mạng cũng có hiệu lực vào ngày 30/5. Các nhà báo và các blogger đã giành chiến thắng trong một phiên tòa nhằm ngăn chặn lệnh cấm trong luật pháp Kenya về những thông tin bị cho "sai lệch", họ cho rằng đó là cách chính phủ dùng để "bịt miệng" các phương tiện truyền thông độc lập.

Thanh Long

Chủ đề khác