VnReview
Hà Nội

7 câu hỏi quan trọng cần đặt ra khi lựa chọn phần mở rộng tên miền

Việc gia tăng các lựa chọn về tên miền trong vài năm trở lại đây đã đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra khá nhiều rắc rối khi mà người dùng bị "choáng ngợp" bởi quá nhiều lựa chọn khác nhau và nhiều thắc mắc liệu phần mở rộng tên miền nào là phù hợp nhất cho họ và thương hiệu của họ. Dưới đây là 7 câu hỏi quan trọng mà chủ doanh nghiệp cần đặt ra khi lựa chọn phần mở rộng.

1. Liệu khách hàng có biết đến và tin tưởng phần mở rộng tên miền mà tôi lựa chọn không?

Có rất nhiều phần mở rộng tên miền đáng tin cậy dùng cho hàng loạt các mục đích khác nhau. Khi nghĩ đến Internet, nhiều người nghĩ ngay đến các phần mở rộng đã được công nhận như .COM hay .NET. Điều này hoàn toàn có thể do trong hơn 30 năm qua, phần lớn các trang web về tin tức, thương mại, truyền thông và giải trí đều đã sử dụng chúng. Các phần mở rộng tên miền khác cũng trở lên phổ biến như .org, một gTLD được hầu hết các tổ chức phi lợi nhuận sử dụng.

Một số các gTLD mới chắc chắn sẽ được thiết lập và tin dùng trên mạng internet toàn cầu. Tuy nhiên cho đến ngày đó, các doanh nghiệp nên cẩn thận khi đặt cược thương hiệu của mình vào một gTLD mới. Việc sử dụng một tên miền mới hoặc lạ tai để trở lên nổi bật nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng với ba thập kỷ gây dựng niềm tin và thói quen sử dụng của người dùng, những phần mở rộng tên miền đã có sẵn có thể sẽ là một trở ngại lớn cần vượt qua.

Thậm chí một số công ty có kinh nghiệm nhất cũng nhận thấy rằng việc chọn sai phần mở rộng tên miền có thể gây ảnh hưởng lớn. Ví dụ, khi Overstock.com chuyển sang O.co, họ đã nhanh chóng phải chuyển lại tên cũ sau khi mọi người theo bản năng thường gõ thành O.com và mở ra một trang lỗi bởi O.com không phải là một tên miền đang hoạt động. Overstock đã báo mất một lượng khách truy cập, khiến công ty phải đổi lại tên thành Overstock.com trong vòng chưa đầy một năm – tốn hàng triệu đô la chi cho việc tiếp thị và niềm tin của khách hàng cũng bị lung lay.

2. Tôi có cần đăng ký tên miền với nhiều phần mở rộng không?

Việc các doanh nghiệp và cá nhân chọn đăng ký nhiều tên miền, tạo ra một danh mục tên miền để thúc đẩy các chiến lược số của mình là rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp hiện nay nhắm đến các địa điểm và sở thích cụ thể của người mua, vì vậy việc họ đăng ký nhiều tên miền để phản ánh mục tiêu đó, dù là theo địa điểm, sản phẩm hay đối tượng khách hàng là hoàn toàn hợp lý. Một số doanh nghiệp, cá nhân cũng có thể chọn đa dạng hóa danh mục tên miền bằng cách đăng ký một tên miền trên nhiều phần mở rộng. Trong khi .COM là phần mở rộng tên miền được hầu hết các doanh nghiệp ưa thích, vẫn còn các phần mở rộng khác mang lại hiệu quả.

Ví dụ, nếu trang web của bạn có một phần dành cho video, bạn có thể đăng ký "TênDoanhnghiệp.tv" và trỏ tên miền tới phần đó của website. Chìa khóa để xây dựng danh mục tên miền là phải nắm được các lựa chọn, xây dựng một chiến lược và lựa chọn phần mở rộng tên miền phục vụ mục đích cụ thể mà bạn hướng tới.

3. Làm sao tôi có thể đảm bảo tên miền của mình sẽ hoạt động tốt?

Mỗi phần mở rộng tên miền được điều hành bởi một nhà đăng ký tên miền có trách nhiệm duy trì và vận hành cơ sở hạ tầng để các tên miền đó có thể hoạt động trơn tru và luôn khả dụng trên toàn thế giới. Ví dụ, Verisign là nhà đăng ký một số tên miền cấp cao, trong đó có .COM và .NET. Độ tin cậy mà nhà cung cấp vận hành một phần mở rộng tên miền trực tiếp ảnh hưởng đến độ tin cậy của tất cả các tên miền dùng chung phần mở rộng đó. Tính chuyên môn, sự đầu tư và kết quả hoạt động cần thiết để đạt được điều này là những yếu tố quan trọng về độ tin cậy của mọi website, nhưng lại thường bị bỏ qua.

Nhiều chủ website có thể cho rằng nhà cung cấp dịch vụ internet có trách nhiệm kết nối người dùng tới website của họ, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Ngoài kết nối mạng, chính những nhà đăng ký tên miền mới là người cho phép việc điều hướng diễn ra, đó cũng là lý do vì sao bạn nên xem xét kinh nghiệm và quá trình hoạt động trước đây của nhà cung cấp tên miền để có được một TLD mong muốn. Hầu hết các doanh nghiệp sẽ không tin tưởng vào chiến lược tiếp thị của một đại lý chưa được chứng thực hoặc của một chuyên gia tiếp thị cấp cơ sở. Bởi lẽ đó, các doanh nghiệp cũng nên cẩn thận khi giao phó cơ sở tiếp thị quan trọng nhất của mình cho một nhà đăng ký chưa được chứng thực. Chọn một nhà cung cấp dịch vụ với kết quả hoạt động ổn định và thành công đã được chứng minh rõ ràng luôn là bước tiến thông minh.

4. Tôi có nên chọn một gTLD mới với tên miền ngắn hơn thay vì tên miền .COM?

Một số người cho rằng vì các tên miền ngắn hơn thường chỉ có sẵn với những phần mở rộng tên miền mới nên chúng đáng cân nhắc hơn nhiều so với phần mở rộng tên miền đã có từ trước. Tuy nhiên có rất nhiều điều cần cân nhắc trước khi chọn một tên miền. Độ dài là một yếu tố cần xem xét nhưng quan trọng hơn là liệu những khách truy cập tiềm năng hoặc khách hàng có nhận ra và tin tưởng phần mở rộng tên miền đó hay không. Nhiều phần mở rộng mới có thể có ý nghĩa hơn những cái khác. Tuy nhiên, các chuyên gia về tên miền và SEO như Mike Mann, giám đốc điều hành và sáng lập SEO.com, một trong những nhà đầu tư tên miền nổi tiếng nhất thế giới đồng ý rằng một tên miền .COM dài còn tốt, dễ nhớ và đỡ gây hoang mang cho khách hàng hơn là tên miền ngắn trên một phần mở rộng tên miền ít được biết đến.

Trong thế giới mới với hơn 1000 phần mở rộng tên miền, người dùng internet phổ thông dễ bị choáng ngợp và bối rối. Nhiều người đang tìm cách đăng ký một tên miền có thể cảm thấy không chắc chắn về cách chọn phần mở rộng tên miền phù hợp, đáng tin cậy và dễ nhớ nhất. Khách ghé thăm hay khách hàng cũng có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những phần mở rộng tên miền mà họ phải gõ vào để truy cập đúng trang web.

Đó là lí do mà mọi công ty trong danh sách Fortune 500 và hầu hết các công ty khởi nghiệp hàng đầu đều có tên miền .COM. Các công ty như Tesla, Facebook và Apple đều mua tên miền .COM ở thị trường thứ cấp, bỏ qua các lựa chọn phần mở rộng tên miền khác vì họ biết .COM là một sự đầu tư thông minh và an toàn cho tương lai của mình.

5. Các gTLD mới liệu sẽ hoạt động tốt trên tất cả các ứng dụng kinh doanh mà tôi sử dụng để vận hành hoạt động công ty không?

Nhiều doanh nghiệp và tổ chức gần đây đã thử các phần mở rộng tên miền mới hiện đang gặp nhiều vấn đề, chẳng hạn như sự nhầm lẫn của khách hàng về địa chỉ web và các hạn chế kỹ thuật đi kèm với sự nhầm lẫn đó. Nhà tư vấn CNTT Jon DeMersseman đã viết về trải nghiệm khó chịu của mình với gTLDs mới trong "Các Vấn Đề Kinh Doanh với Tên Miền Cấp Cao Dùng Chung Mới".;

Ông nhấn mạnh đến sự hoài nghi của khách hàng về tên miền của mình, kể rằng nhiều người đã nhanh chóng cho là danh thiếp của ông có lỗi đánh máy vì "Với người bình thường, các tên miền kết thúc bằng .com, .org, hay .mil". Ông đã chỉ ra vấn đề mình đã gặp phải khi thiết lập tài khoản kinh doanh với địa chỉ email mới trong nhiều hệ thống CRN và website khác. Các vấn đề được DeMersserman và những người khác thảo luận, thật không may, không phải là duy nhất.  Đó là lý do tại sao ông khuyên các doanh nghiệp nhỏ khác "Hãy cân nhắc cẩn thận trước khi áp dụng một gTLD mới và nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng".

6. Có phải tất cả các phần mở rộng tên miền đều có mức độ an toàn như nhau?

Thật không may, như với nhiều sáng kiến mới, những kẻ lừa đảo đã nhanh chóng tận dụng sự mơ hồ của người dùng về gTLD mới bằng việc sử dụng một trong số đó để thực hiện các cuộc tấn công và các hoạt động lừa đảo nguy hiểm qua mạng khác. Một số tổ chức an ninh mạng theo dõi xu hướng này đã khuyên mọi người nên chặn một vài gTLD mới nhất định khỏi mạng của mình, vài cá nhân cũng đã làm điều này vì mật độ thư rác cao.

Với các báo cáo dữ liệu thường nhật về vi phạm dữ liệu và các cuộc tấn công mạng, người tiêu dùng đã ngày càng trở nên thận trọng hơn với các loại website mà họ truy cập. Việc khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đặt hiện diện trực tuyến của mình trên những phần mở rộng tên miền chưa được biết tới, chưa được tin cậy và chứng thực là một lời khuyên cần được cân nhắc. Tốt hơn hết là nên lựa chọn những tên miền phổ biến và đảm bảo cho đến khi nhiều gTLD mới được chứng minh là an toàn và đáng tin cậy.

7. Một số phần mở rộng tên miền nhất định liệu có giúp tên miền của tôi xếp hạng cao hơn khi tối ưu hoá công cụ tìm kiếm (SEO)?

Các công cụ tìm kiếm, như Google và Bing, có phương pháp để xác định tính liên quan và độ uy tín của nội dung web cùng với cách xếp hạng chúng cho người dùng. Trong khi có rất nhiều biến số quyết định thứ hạng tìm kiếm bao gồm cả chất lượng nội dung, liên kết trả về, cấu trúc trang web, tốc độ tải thì một trong số những yếu tố quan trọng nhất là thu hút khách hàng ghé thăm trang web của bạn. Nếu có càng nhiều người ghé thăm và tương tác với trang web thì các công cụ tìm kiếm càng đánh giá nó phù hợp hơn.

Việc lựa chọn để định vị trang web của bạn trên một phần mở rộng tên miền mới có vẻ là ý tưởng mới lạ, nhưng nếu không ai nhấn chuột hoặc chia sẻ liên kết, hay liên kết bị chặn thì nó lại là nguyên nhân tiềm ẩn khiến bạn không có mặt trên các công cụ tìm kiếm. Tương tự như vậy, liên kết với các phần mở rộng tên miền bị gắn cờ vì nguy cơ rủi ro an ninh có thể làm giảm khả năng xếp hạng trang web của bạn.

Minh Long

Chủ đề khác