VnReview
Hà Nội

Facebook ra mắt công cụ làm việc WorkPlace cho các tổ chức, doanh nghiệp

Nền tảng Workplace hỗ trợ công việc cho các tổ chức, doanh nghiệp vừa được Facebook ra mắt, trong đó bộ tính năng Premium sẽ được miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận và nhân viên thuộc các tổ chức giáo dục trên toàn cầu.

Sử dụng Workplace, các tổ chức có thể thực hiện các báo cáo ngay lập tức từ hiện trường với video trực tiếp (Live video), huy động mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ vùng khó khăn trên khắp thế giới qua tính năng nhóm (Group) hoặc đơn giản là đẩy nhanh tốc độ chia sẻ thông tin tại một trường học trên phần bảng tin (News Feed)...

"Workplace for Good" (Workplace vì Những điều tốt đẹp) được định hướng là một chương trình trả phí, tính phí theo số lượng người dùng với giá 3USD/người/tháng, cho phép dùng thử miễn phí trong 90 ngày. Các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức giáo dục có thể đăng ký sử dụng miễn phí. Hiện tại, khá nhiều tổ chức lớn trên thế giới đã và đang sử dụng Workplace để phục vụ công việc của mình, như: Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Comic Relief, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Save the Children, RNIB, NRC, It Gets Better, Đại học Công giáo Úc và Trường trung học công lập Miami Dade... Tại Việt Nam, Bảo hiểm Bảo Việt là một trong số các doanh nghiệp sử dụng Workplace của Facebook để kết nối nhân viên.

"Workplace for Good" đã được Facebook triển khai thử nghiệm tại hơn 70 quốc gia trên thế giới, với các tính năng chính:

• Trò chuyện video. Tổ chức It Gets Better sử dụng tính năng trò chuyện video HD của Workplace để tổ chức các cuộc họp hàng tuần, cập nhật các thông tin quan trọng với các tổ chức liên kết thuộc mạng lưới toàn cầu tại hơn 20 quốc gia với 500 người tham gia.

• Nhóm. Tổ chức Vision India sử dụng một nhóm trên Workplace để cập nhật thông tin về chiến dịch mới cho 5.000 cựu sinh viên và tình nguyện viên. Việc các nhân viên cùng sử dụng Workplace đã giúp tổ chức từ thiện này giảm chi phí vận hành và giảm thời gian cho các cuộc họp.

• Bảng tin. Tại Đại học Công giáo Úc, một người quản lý đã đăng một thông điệp về loại cốc cà phê dùng một lần lên Bảng tin cá nhân. Hàng trăm sinh viên và nhân viên đã tham gia chia sẻ và bình luận về thông điệp này, tạo nên một chiến dịch cắt giảm đồ nhựa trong toàn trường.

• Bot. Oxfam sử dụng Bot để giải thích các thuật ngữ trong ngành. OxBot là một bot chuyên về thuật ngữ chuyên ngành. Nó sẽ giải thích cho các nhân viên ý nghĩa của các từ viết tắt, và thậm chí có thể cung cấp liên kết đến nguồn tin nội bộ khác nếu họ muốn tìm hiểu thêm.

• Công cụ tích hợp. Oxfam ra mắt phiên bản Workplace tích hợp với Okta để cung cấp cổng đăng nhập một lần cho 10.000 nhân viên. Họ cũng tích hợp với Box để cho phép cùng lúc làm việc trên nhiều công cụ.

• Khả năng tiếp cận. Workplace cung cấp công cụ đọc màn hình cho 20% người lao động khiếm thị của RNIB.

Ric Sheldon - giám đốc thông tin UNICEF tại Anh - chia sẻ: "Workplace đã tạo nên sự khác biệt lớn trong cách nhân viên của chúng tôi giao tiếp với nhau. Bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ những thông tin quan trọng một cách nhanh chóng, thu thập ý kiến, quan điểm đa chiều từ nhiều người chỉ bằng một nút bấm, và chia sẻ video trực tiếp từ khắp mọi nơi trên thế giới.

 

Chủ đề khác