VnReview
Hà Nội

Bóng đá và sự phi lý của những quả phạt đền

Phạt đền (tên tiếng anh: Penalty) là thứ hoàn toàn có thể thay đổi cục diện của cả trận đấu, nhưng nó đã là giải pháp tối ưu chưa?

Ngay cả khi bạn không xem bóng đá từ những năm 2000 với Ronaldo, Ronaldinho và Péle, bạn chắc hẳn cũng đã từng nghe đến thuật ngữ "đá phạt đền". Những quả phạt đền là "phần thưởng" cho một đội nào đó nếu như đội đối phương phạm lỗi trong vòng cấm của mình, bao gồm truy cản trái phép và cố tình dùng tay chơi bóng. Ngoài ra, khi những trận đấu loại trực tiếp kết thúc hai hiệp phụ với kết quả hòa, hai đội sẽ phân định thắng thua bằng loạt luân lưu cân não.

Theo Qz, sự kịch tính của những quả phạt đền là không cần phải bàn cãi: người thực hiện cú sút và thủ môn, một chọi một, với sự kỳ vọng của cả hai đội đè nặng lên vai. Đó là lý do tại sao ngay cả những cầu thủ xuất sắc nhất của lịch sử đương đại như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo đều có những lúc thất bại khi đá phạt đền, và do tính chất quan trọng của nó, World Cup 2018 đã trở thành kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài – VAR (Video Assistant Referee) để giúp các trọng tài đưa ra quyết định trong những tình huống nhạy cảm một cách chính xác nhất có thể.

Tuy nhiên, sự kịch tính ấy lại có một "lỗ hổng" không đáng có: trong một trò chơi mà mục tiêu tối quan trọng là để bị thủng lưới càng ít càng tốt, những quả phạt đền để lại hệ quả quá lớn tới cục diện của trận đấu.

Ví dụ, trận đấu giữa nước chủ nhà Nga và Tây Ban Nha tại World Cup 2018 diễn ra vào ngày 1/7 vừa qua đã phải phân định thắng thua sau loạt sút luân lưu cân não. Việc sút luân lưu có phải là cách tốt nhất để tìm ra người chiến thắng hay không là một chuyện khác – trước khi sút luân lưu ra đời, các đội sẽ bốc thăm hoặc đá lại cả trận (cúp FA của nước Anh vẫn áp dụng thể thức này). Trận đấu phải cần đến loạt sút luân lưu bởi vì Nga được hưởng một quả phạt đền sau khi Gerard Pique, hậu vệ của Tây Ban Nha dùng tay chơi bóng trong vòng cấm. Quả phạt đền đó đã thay đổi hoàn toàn kết quả của trận đấu, và khiến Tây Ban Nha - đội bóng luôn được người hâm mộ yêu mến - phải về nước.

Hình phạt quá nặng nề?

Trọng tài sẽ chỉ thổi phạt đền nếu như một đội cố tình phạm lỗi trong vòng cấm như đã nói ở trên. Những lỗi ở bên ngoài vòng cấm thì đội bị phạm lỗi sẽ được hưởng một quả đá phạt bình thường. Tất nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu như một đội đang có cơ hội ghi bàn "mười mươi" thì bị phạm lỗi trong vòng cấm, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Bạn hãy thử xem xét điều này: Đá phạt đền có tỷ lệ chuyển hóa thành bàn thắng rất lớn, lên tới 75%. Để dễ so sánh, tỷ lệ cú sút/đánh đầu thành bàn thắng cao nhất lịch sử giải Ngoại hạng Anh trong suốt hơn 1 thập kỷ qua chỉ là 11%. Sau đó, xem tình huống dùng tay chơi bóng của Gerard Pique: Nếu như không có tình huống dùng tay này, chúng ta không thể biết được rằng liệu bóng sẽ bay ra ngoài, chạm xà ngang/cột dọc, bay vào lưới hay nằm gọn trong tay thủ môn. Nhưng với việc được hưởng một quả phạt đền, cơ hội có bàn thắng của Nga đã tăng cao lên đáng kể. Ngay cả khi mục đích của thổi phạt là ngăn chặn các hành vi xấu trong tương lai, một quả phạt đền vẫn là một phần thưởng quá lớn so với cơ hội đã bị bỏ lỡ.

Tình huống để bóng chạm tay của Gerard Pique

Ai nên là người thực hiện quả phạt đền?

Về mặt logic mà nói, cầu thủ bị phạm lỗi thực hiện quả phạt đền là hợp lý nhất, vì suy cho cùng thì cơ hội bị tước mất là của họ. Nhưng; trên thực tế, người thực hiện lại là cầu thủ giỏi nhất của đội đó, khiến tỷ lệ chuyển hóa thành bàn thắng cao hơn nữa. Khi cầu thủ đó luôn là người thực hiện đá phạt, họ sẽ quen với áp lực hơn. Và vì những bàn thắng từ chấm đá phạt đền vẫn được tính vào tổng số bàn thắng, cầu thủ này lại càng có cơ hội giành vua phá lưới/giày vàng,… Ví dụ, Harry Kane, tiền đạo của đội tuyển Anh tại World Cup 2018 hiện đã có 6 bàn thắng, dẫn đầu danh sách vua phá lưới, nhưng 3 bàn trong số đó là từ đá phạt đền.

Hệ quả không được lường trước

Theo thống kê, số trận đấu có tổng bàn thắng lớn hơn 3 đang ngày càng giảm, nên bất kỳ quả phạt đền nào cũng có thể là cơ hội để một đội bóng định đoạt trận đấu. Do đó, các cầu thủ trên sân đều làm mọi cách để có thể giúp đội nhà được hưởng một quả phạt đền: giả vờ ngã, ăn vạ, tiểu xảo,… Mặt khác, các trọng tài cũng nhận thấy tầm quan trọng của những quả phạt đền, từ đó ít có xu hướng thổi phạt hơn, khiến những pha va chạm trong vòng cấm trở nên "rắn hơn". Những tình huống lẽ ra phải thổi phạt đền nhưng trọng tài lại không thổi diễn ra rất phổ biến, đơn cử là trận bán kết UEFA Champions League giữa Chelsea và Barcelona. Đây cũng là một phần khiến công nghệ VAR được triển khai.

Giải pháp

Những tình huống thổi phạt trong vòng cấm nên xảy ra thường xuyên hơn, nhưng hình phạt cần phải được thay đổi. Thổi phạt nhiều hơn sẽ khiến các đội phải cân nhắc trước khi thực hiện bất kỳ pha truy cản nào, và phần thưởng kém hấp dẫn hơn sẽ khiến các cầu thủ không còn "vấp cỏ" nữa. Một giải pháp hợp lý là chia những tình huống phạm lỗi thành 2 nhóm: Những tình huống cố tình triệt hạ hay cố tình dùng tay trong vòng cấm để ngăn cản bàn thắng mười mươi sẽ bị thổi phạt đền như ngày nay, và những tình huống lỗi không ảnh hưởng hoặc khó xác định tầm ảnh hưởng đến cơ hội ghi bàn như trường hợp của Gerard Pique thì trọng tài sẽ thổi phạt gián tiếp (indirect free kick – tình huống sút phạt trong vòng cấm địa, có hàng rào che chắn, và bóng phải qua chân ít nhất 2 cầu thủ của đội thực hiện thì bàn thắng mới được công nhận) tại điểm phạm lỗi. Đội bị phạm lỗi sẽ vẫn được thưởng, công lý đã được thực thi, nhưng phần thưởng đã kém hấp dẫn hơn và ít ảnh hưởng đến cục diện trận đấu hơn.

MQ

Chủ đề khác