VnReview
Hà Nội

Thành phố thông minh được Google xây dựng trông như thế nào?

Thành phố này hiện đang được xây dựng tại thành phố Toronto, Canada.

Ai cũng biết Google có thể làm ra những chiếc điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, bộ cảm biến nhiệt (thermostat), đồng hồ, kính thông minh và xe hơi không người lái, nhưng không phải ai cũng biết Google còn lên kế hoạch xây dựng một thành phố thông minh trong tương lai. Sidewalk Labs, một chi nhánh của Google, thuộc Toronto, Canada đã được công ty này lựa chọn vào năm ngoái để tạo ra một thành phố thông minh rộng 83 mẫu (khoảng 336.000 mét vuông) nằm ngay phía đông trung tâm thành phố.

Dự án với vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu USD sẽ bắt đầu thí điểm vào cuối năm nay, mục tiêu là chuyển đổi khu vực công nghiệp truyền thống nằm bên bờ hồ Ontario trở thành thành phố thông minh tham vọng nhất thế giới. Thành phố sẽ là nơi tập hợp công nghệ mới nhất về giao thông, cơ sở hạ tầng, và tất nhiên chúng sẽ được xây "từ internet mà lên". Sau đây là 5 điểm đáng chú ý nhất về thành phố thông minh do Google tạo ra.

1. Sử dụng robot ngầm để giao hàng và giao thư tới tận nhà

Sidewalk Labs không muốn những chiếc xe giao hàng công cộng lẻ tẻ gây lộn xộn khu phố mới của họ. Thay vào đó, tất cả được xử lý bằng một mạng lưới robot ngầm chạy dọc theo các đường tiện ích và mang những bưu kiện tới thẳng thùng thư cá nhân nhà bạn.

Bất cứ mặt hàng nào cũng đều chuyển tới trung tâm phân phối đầu tiên. Sau đó, chúng sẽ được đặt trên một hệ thống mạng lưới ngầm, và vận chuyển tới người dân lẫn doanh nghiệp trong khu vực.

"Bưu kiện sẽ được định tuyến theo các mức độ khác nhau như khẩn cấp, đồ dễ hỏng hoặc đồ ưu tiên cũng những chế độ bổ sung được sử dụng như giao hàng bằng xe đạp hoặc máy bay không người lái",;Sidewalk Labs nói. Mục đích là để làm giảm ùn tắc cũng như đảm bảo gói hàng sẽ giao đúng giờ và không bị thất lạc.

Giao hàng bằng robot không có gì là mới mẻ - một công ty tên Starship Technologies cũng đã bắt đầu giao thực phẩm cho người lao động theo đơn đặt hàng của thung lũng Silicon hồi đầu năm nay, nhưng kế hoạch của Sidewalk Labs có thể xem là bài bản nhất từ trước tới nay.

2. Đèn LED điều chỉnh chiều rộng đường phố tương ứng với lượng người tham gia giao thông

Đường phố ở thành phố Sidewalk Labs sẽ được lắp đặt cảm biến đo lường tắc nghẽn, tiếng bước chân, và lượng người đi lại. Dữ liệu này sẽ cho phép áp dụng một số công nghệ vô cùng tuyệt vời kiểu như đường phố và vỉa hè "lưu động" có thể thay đổi dựa trên số lượng xe hơi và người đi bộ.

Sidewalk Labs dự định đặt những đèn LED trên các con đường và độ rộng của lòng đường, vỉa hè hay làn xe đạp, đều được đánh dấu bằng một màu nhất định và làn đường sẽ thay đổi dựa trên các màu sắc đó. Cụ thể, nếu cảm biến phát hiện có rất nhiều người đang đi bộ nhưng lại không có chiếc xe ô tô nào thì vỉa hè sẽ được mở rộng dành cho người đi bộ, đồng thời làn xe đạp cũng sẽ được bật lên nếu có nhu cầu.

Ngoài ra, nó còn được kết hợp với đèn giao thông thay đổi tín hiệu dựa vào làn đường sử dụng - hiện cũng đang được thử nghiệp tại Phòng thí nghiệm Semaphore của Sidewalk – cùng ứng dụng đỗ xe hướng dẫn người lái đi thẳng tới các điểm đỗ còn trống.

3. Thiết kết vỉa hè thích nghi với điều kiện thời tiết

Canada được biết đến là một đất nước có khí hậu khắc nghiệt và Toronto cũng không nằm ngoài ngoại lệ, thời tiết nắng nóng vào mùa hè và giá rét vào mùa đông. Tuy nhiên, Sidewalk Labs muốn mọi người dành nhiều thời gian bên ngoài hơn bất chấp thời tiết như thế nào, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ sự trợ giúp từ công nghệ.

Để giữ cho người đi bộ luôn khô ráo, thành phố sẽ cài đặt các mái che ở những không gian công cộng và lối đi bộ được mở ra hay thu lại tùy thuộc vào dữ liệu thời tiết trong thời gian thực. Điều này đồng nghĩa, Sidewalk Labs muốn sử dụng mái che khi trời mưa, thu lại khi thời tiết tạnh ráo hoặc sử dụng vào mùa hè để tạo bóng râm.

Khung cảnh thành phố tương lai do Sidewalk Labs  nằm tại Eastern Waterfront thuộc Toronto, Canada

Khu phố mới sẽ bao gồm lối đi bộ, đường dành cho xe đạp cùng một hệ thống sưởi ngầm để tất cả có thể đi lại ngay cả khi trời băng giá. Công ty ứng dụng các nghiên cứu điển hình tại Reykjavik, Oslo và Sapporo, Nhật Bản làm nóng một số vỉa hè để tránh tuyết rơi, và Montreal cũng bắt đầu thí điểm dự án lặp đặt lò sưởi tại khu vực trung tâm dài 670m.

Trước đây, từng có một số dự án sử dụng điện để tạo nhiệt hoặc như thành phố Reykjavik đã tận dụng năng lượng lấy từ suối nước nóng. Mặc dù không phải là quá mới mẻ nhưng kế hoạch của Sidewalk Labs cung cấp năng lượng cho toàn bộ đường phố vẫn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

4. Đội taxi không người lái

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những chiếc xe không người lái là trung tâm trong kế hoạch của Sidewalk Labs. Họ muốn tạo một mạng lưới toàn diện chủ yếu sử dụng phương tiện này, giảm lượng người sở hữu xe hơi xuống chỉ còn 1/5 dân số. Với những chuyến đi đường dài, người dân thành phố dễ dàng đặt xe tại các công ty như Zipcar, nhưng với những chuyến đi ngắn hạn họ muốn tất cả mọi người sử dụng nhóm xe độc lập có tên gọi taxibots.

Taxibots luôn sẵn sàng phục vụ thông qua chiếc điện thoại thông minh của bạn, cũng như chia sẻ nhu cầu với những người khác trong khu vực. Bạn sẽ được quyền lựa chọn muốn đi một mình hay đi cùng với những người khác – tất nhiên mức phí đi một mình luôn cao hơn mức phí còn lại – đối với những người thu nhập thấp sẽ nhận được các mã giảm giá cho chuyến đi của họ. Ngoài ra, đội xe cũng luôn khuyến khích đặt xe sớm hay đặt trước.

Sẽ có nhiều loại xe khác nhau về hình dáng và kích thước, từ xe thông thường cho đến "xe tải nhỏ có sáu hay mười hai chỗ ngồi", và thậm chí còn có những loại xe đơn "giống như một chiếc đạp nhưng có kích cỡ một chiếc ô tô". Sidewalk Labs cho biết họ sẵn sàng làm việc với các công ty xe hơi độc lập bên thứ ba, tuy nhiên dự án xe hơi không người lái Waymo của Google hoàn toàn đáp ứng được khu vực này.

5.Thay đổi kích thước cửa hàng theo ý thích mỗi ngày

Sidewalk Labs muốn những tòa nhà của họ phải linh hoạt nhất có thể. Để làm được điều đó, buộc phải có một bộ khung vững chãi cùng nội thất tối thiểu để dễ dàng thay đổi hình dạng theo ý muốn. Dầm nhà sẽ được đặt theo đều đặn sao cho tường, sàn nhà, các tấm trần và mặt tiền có thể di chuyển được. Một tòa nhà đơn giản chỉ bao gồm các căn hộ, văn phòng, nhà sản xuất, khách sạn và cửa hàng, với tỷ lệ dịch chuyển đáp ứng được nhu cầu người sử dụng.

Không chắc tòa nhà có thể liên tục giữ cân bằng hay không, nhưng hệ thống sẽ cho phép những nhà bán lẻ thay đổi của hàng thường xuyên theo ý muốn. Cửa hàng có thể "mở rộng hoặc thu gọn một cách nhanh chóng, cùng mức chi phí thấp khi nhu cầu ngày càng tăng cùng xu hướng bán lẻ sẽ thay đổi theo", Sidewalk Labs tuyên bố. Họ cũng có thể thay đổi nội thất nếu muốn gây sự chú ý với phẩm mới hoặc đơn giản chỉ là thay đổi cách bố trí mà thôi.

Đối với những người muốn tìm địa điểm bán hàng tạm thời, sẽ có một khu vực "hỗ trợ kỹ thuật" bao gồm những cửa hàng nhỏ lẻ hay những cửa hàng được dựng lên để sử dụng trong thời gian ngắn. Khu vực này được gọi là NextGen Bazzar phù hợp với cả nhà bán lẻ lẫn người mua sắm. Nhà bán lẻ có thể thử những dòng sản phẩm mới mà không cần tốn quá nhiều chi phí như thuê một cửa hàng thực thụ, trong khi đó người mua lại có thể nhận được những sản phẩm mẫu hay được trải nghiệm các mẫu thực phẩm hàng hóa mới chưa được bày bán trên thị trường.

Tất cả những ý tưởng của Sidewalk Labs đều đang trong giai đoạn đầu, và chắc chắn phải mất nhiều năm thử nghiệm trước khi chúng thực sự đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đây quả là một kế hoạch thú vị và mang tính ứng dụng cao, chỉ hy vọng chúng không phải là ý tưởng nằm trên giấy mà sẽ sớm được Google xây dựng và hoàn thiện trong tương lai gần.

Hạnh Nhi

Theo Techradar

Chủ đề khác