VnReview
Hà Nội

Sự trỗi dậy của AI nhận dạng gương mặt là một con dao hai lưỡi với tất cả chúng ta

Công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận dạng gương mặt ngày càng hoàn thiện sẽ mang lại nhiều lợi ích cho số đông nhưng cũng có thể bị lạm dụng cho những cuộc chiến tranh vô nghĩa, điều đó tùy vào mục đích sử dụng của chúng ta.

Trong vài năm qua, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã tham gia sứ mệnh đưa các công cụ trí tuệ nhân tạo vào tay các coder. Lợi ích của việc này đã rõ: coder quen thuộc với các nền tảng AI của Google, Amazon, Microsoft, hay Facebook sẽ có khuynh hướng làm việc cho một trong những ông lớn khát nhân tài này một ngày nào đó. Kể cả khi không thu hút được các coder, việc bán các công cụ AI làm sẵn cũng trở thành nguồn thu không nhỏ của Google, Amazon, Microsoft.

Hiện nay, các ông lớn nói trên đang chịu sự chỉ trích từ các nhân viên của họ về những người mà họ đang rao bán công nghệ mới. Trong số này có các cơ quan chính phủ Mỹ, điển hình là Bộ Quốc phòng, cơ quan Di trú và Thực thi Hải quan (Immigration and Customs Enforcement-ICE). Công nhân các công ty Google, Microsoft và gần đây có thêm Amazon đã ký đơn thỉnh nguyện và nghỉ việc để phản đối việc hợp tác với chính phủ (các công nghệ nhận dạng gương mặt và xe tự lái giúp định hướng mục tiêu tốt hơn có nguy cơ gây chết người hoặc bị chính phủ lạm dụng).

Những sự kiện trên đã gây ra một số tác động: Google đã phát hành các nguyên tắc đạo đức AI và khẳng định công khai là hãng sẽ không gia hạn hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ từ 2019. Trong một email gửi cho các nhân viên, Microsoft cũng nói rằng mình đã không cung cấp các dịch vụ AI cho ICE, dù việc này mâu thuẫn với các mô tả hợp đồng trước đó được đăng tải trên website công ty, theo tin từ Gizmodo.

Ảnh chụp lại thư nội bộ các nhân viên Amazon gửi CEO Jeff Bezos đề nghị dừng hợp đồng với chính phủ (Ảnh: Scribd)

Cuộc tranh cãi diễn ra một cách rất công khai này đã đánh dấu một sự dịch chuyển lớn trong cách mà các công ty công nghệ và nhân viên của họ nói về trí tuệ nhân tạo. Cho đến nay, mọi người đều đã thuyết giảng Phúc âm về AI tốt: CEO Microsoft Satya Nadella gọi AI là công nghệ có tính chuyển hóa nhất của một thế hệ, còn CEO Google Sundar Pichai còn đi xa hơn khi nói rằng AI sẽ có tác động đáng kể đến cuộc sống của chúng ta giống như điện và lửa. Tác động đó đã đi xa hơn nhiều việc nhắm vào quảng cáo và gắn thẻ (tag) hình ảnh trên Facebook, dù các nhà nghiên cứu có thích nó hay không, đó là ý kiến của Gregory C. Allen, một nhà nghiên cứu bán thời gian (adjunct fellow) ở trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, đồng tác giả báo cáo "Trí tuệ nhân tạo và an ninh quốc gia" xuất bản năm ngoái. Trong khi tất cả chúng ta đều hài lòng với việc AI được dùng để nhận ra các ngôi sao ở lễ cưới hoàng gia, một số lại có suy nghĩ khác khi nói về việc lựa chọn những người bảo vệ trong một đám đông.

"Không có lựa chọn nào để dừng lại, khi tôi, là một nhà nghiên cứu AI, nói rằng, sẽ không bao giờ có những hậu quả an ninh quốc gia về AI. Thomas Edison đã không ở trong một tình huống cụ thể để nói rằng, sẽ không bao giờ có những hệ quả an ninh quốc gia về điện", Quartz trích dẫn lời nhà nghiên cứu AI. "Đó là một tài sản vốn có của các công nghệ hữu ích, những công nghệ có khuynh hướng trở nên hữu ích cho các ứng dụng quân sự".

AI nhận dạng gương mặt là những gì được gọi là công nghệ sử dụng nhị nguyên (hai mặt), nghĩa là việc thực thi nó có ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tùy vào cách sử dụng nó (như một con dao hai lưỡi). Trong một báo cáo về các hiểm họa tiềm năng của AI vào tháng 2/2018, các nhà nghiên cứu từ OpenAI, Future of Humanity Institute và Allen đã cố gắng tìm cách giải quyết điểm đặc biệt này: "Các công cụ do thám có thể được dùng để bắt giữ những kể khủng bố hoặc ngược đãi các công dân bình thường. Các bộ lọc nội dung thông tin có thể được dùng để chôn vùi tin giả hoặc thao túng ý kiến công chúng. Các chính phủ và các công ty tư nhân có tầm ảnh hưởng lớn sẽ được tiếp cận nhiều công cụ AI dạng này và có thể dùng chúng vì mục đích tốt hoặc có hại cho công chúng", Quartz dẫn lại nguyên văn báo cáo.

(Ảnh: Teslarati)

Trong nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu đã tìm cách dạy máy móc nhận dạng gương mặt con người. Công trình đầu tiên bắt đầu từ những năm 1960, nhưng mãi tới các cuộc tấn công vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 thì công nghệ nhận dạng gương mặt hiện đại mới bắt đầu được đẩy mạnh nhờ nguồn tài trợ cho an ninh quốc gia đã gia tăng, theo Boston Globe.

Để khuyến khích những tiến bộ xa hơn, các hãng công nghệ đã xuất bản nghiên cứu của mình và lan truyền code trên internet mở, một lợi ích cho các nhà nghiên cứu khắp toàn cầu. Nhưng thủ tục đó cũng có nghĩa là các nhà thầu quốc phòng cũng truy cập được code. Điển hình như Palantir đã nổi lên như một nhà thầu chính phủ (chuyên cung cấp các phần mềm hợp tác, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho các sở cảnh sát trên toàn nước Mỹ) nhờ vào khả năng phân tích dữ liệu và các giải thuật học máy của họ, rồi các công ty như NEC đã đăng ký công nghệ nhận dạng gương mặt từ giới học thuật để độc quyền bán nó cho các nhà thực thi pháp luật.

Dù Google, Microsoft, Amazon đều có thể có năng lực tốt nhất để cung cấp dịch vụ điện toán trên quy mô lớn cho các cơ quan chính phủ, còn lâu lắm họ mới trở thành những nhà cung cấp duy nhất. Nhưng bất kể người thực hiện công nghệ là ai, công chúng có thể thúc đẩy sự minh bạch và gây áp lực để đòi hỏi việc thiết lập các hướng dẫn đạo đức đúng chỗ.

Linh Trần

Chủ đề khác