VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu cho thấy người nghèo càng dễ san sẻ tiền bạc hơn so với người giàu

Một nghiên cứu xã hội mới đây của các nhà khoa học Luân Đôn, Anh cho thấy những người nghèo, tài chính thiếu thốn hóa ra lại là những người dễ dàng chia sẻ tiền bạc với người khác nhất so với những người có điều kiện.

Theo báo;Independent, các các nhà khoa học thuộc Đại học Queen Mary, Luân Đôn, Anh mới đây đã thực hiện một nghiên cứu xã hội học tìm hiểu mối liên hệ giữa mức độ giàu có và tác động tới sự hào phóng của một người.

Những người tham gia vào nghiên cứu được phân thành hai nhóm "những người có tình hình tài chính tốt" và "những người có tài chính thấp". Sự phân chia này lấy cơ sở từ số tiền mà họ được nhận từ các nhà nghiên cứu.

Trong quá trình thử nghiệm, những người tham gia sẽ phải quyết định giữ lại bao nhiêu tiền cho bản thân và bao nhiêu tiền cho một quỹ chung của mọi người.

Kết quả khá bất ngờ khi những người được xếp vào nhóm có tài chính kém lại là những người dám chi tiền cho quỹ chung nhiều hơn so với những người có tài chính tốt. Thú vị thay, những cá nhân giàu có hơn người khác nhờ đi lên từ nỗ lực của bản thân thay vì cơ hội ngẫu nghiên thậm chí lại là những người kém hào phóng nhất.

Tiến sĩ Magda Osman, một nhà nghiên cứu tâm lý thực nghiệm tại Đại học Queen Mary chia sẻ: "Đối với những cá nhân có địa vị cao, cách họ trở nên giàu có, cho dù bằng cơ hội hay nỗ lực của bản thân là yếu tố then chốt quyết định mức độ hợp tác chung".

Bà giải thích, những người trở nên giàu có từ sự nỗ lực của họ có xu hướng muốn giữ tiền cho chính họ. Trong khi những người nghèo hơn nhiều khả năng sẽ chọn cách san sẻ và chung sức với người khác để vươn lên làm giàu.

Osman nhấn mạnh: "Có một yếu tố rủi ro trong nghiên cứu này. Bởi nếu bạn đóng góp bất cứ thứ gì vào quỹ chung, bạn sẽ không thể biết và đảm bảo bất kỳ ai trong nhóm cũng sẽ làm như vậy. Nhưng ngạc nhiên thay, những cá nhân nghèo và có tài chính ít sẵn sáng chấp nhận rủi ro và đánh cược vào quỹ chung nhiều hơn so với những người giàu có, tài chính tốt".

"Khi bạn nghèo, chiến lược hợp lý nhất có thể làm đó là hợp tác để kiếm tiền và làm giàu. Vấn đề ở chỗ là ngay cả khi một người có ý định hợp tác và chia sẻ, thật khó để biết họ có vì những lý do vị tha hay không", Osman nói thêm.

Nhìn từ góc độ khác của nghiên cứu, có thể hiểu những người nghèo và nguồn tài sẵn sàng chấp nhận rủi ro bằng cách bỏ tiền vào một quỹ chung dù họ không biết liệu có người khác cũng hùn tiền giống họ hay không.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, sự đồng cảm không có tác động nhiều tới quyết định của những người tham gia, đặc biệt là thiện ý của những người giàu có.

Nói cách khác, sự đồng cảm không ảnh hưởng đến việc thúc đẩy các hành vi xã hội như quyên tiền vào quỹ chung. Quan điểm này của nghiên cứu gần như phản bác lại nhiều tuyên bố trước đây cho rằng, sự đồng cảm là chất keo gắn kết mọi người trong mọi hành động mang tính xã hội.

Kết quả từ nghiên cứu đã phơi bày một sự thật rằng, khi tiền bạc trở nên quan trọng, sự đồng cảm hầu như không giúp gì nhiều trong việc cải thiện hành vi và sự thiện chí của những người giàu có đối với xã hội.

Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Basic and Applied Social Psychology mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác