VnReview
Hà Nội

Không chỉ Việt Nam, khắp mọi nơi thế giới đều đang phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục

Trong những tuần qua, người dân thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải hứng chịu một trận nóng kỷ lục kéo dài vô cùng gay gắt. Đây là hậu quả nhãn tiền mà chúng ta có thể cảm nhận rõ nhất về biến đổi khí hậu.

Chỉ mới hồi đầu tháng Sáu, NOAA đưa ra báo cáo khẳng định, tháng 5/2018 tiếp tục là tháng 5 nóng nhất trong lịch sử. Không bất ngờ khi đà tăng nhiệt độ và những trận nóng cho đến nay vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Bắc Phi tới Trung Đông và Đông Nam Á, mọi nơi đều chìm trong vòm nhiệt khổng lồ, bao trùm một khu vực rộng lớn từ Bắc Phi, Châu Âu, toàn bộ Châu Á, Bắc Mỹ và một phần Nam Mỹ. Có lẽ người dân sinh sống tại các vùng ôn đới cũng không thể ngờ có ngày, họ phải chịu đựng tình trạng nắng nóng khủng khiếp giống với các nước nhiệt đới.

Châu Âu

Theo tờ Daily Mail, nắng nóng khủng khiếp đã khiến đường nhựa và mái nhà nứt toác tại Anh. Ở Scotland, nhiệt độ thậm chí đã chạm mốc kỷ lục 33 độ C, vượt kỷ lục trước đây là 32,9 độ C vào tháng 8/2003.

Tại Ireland, một quốc gia ôn đới và hiếm khi xảy ra tình trạng nắng nóng đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 30 độ C. Khí hậu điển hình của Ireland vào mùa hè thường là mát mẻ, ẩm uớt và ôn hòa, nên tình trạng nhiệt độ lên tới 30 độ C quả là một sự thay đổi bất thường. Hồi tháng trước cũng là tháng Sáu nóng nhất từng được ghi nhận tại Bắc Ireland và xứ Wale.

Ở miền nam nước Nga, chủ nhà World Cup 2018 cũng đang phải trải qua những ngày với mức nhiệt độ lên tới 37 độ C tại Rostov-On-Don, một trong những địa điểm tổ chức World Cup. Hay tại Yerevan, Nga, nhiệt độ đã đạt ngưỡng nóng kỷ lục, khoảng 42 độ C.

Trung Đông

Thị trấn Quriyat ở Oman đã ghi nhận mức nhiệt độ ban đêm nóng nhất trong lịch sử, đạt 42,6 độ C trong khi mức nhiệt độ ban ngày đạt xấp xỉ 50 độ C.

Nhiệt độ kỷ lục phải kể đến các quốc gia ở Trung Đông với nhiệt độ cao nhất được ghi nhận tại Pakistan lên tới 50,2 độ C

Nhiệt độ ở Ahvaz, Iran, đạt 54 độ C trong tuần này, mức cao nhất mà đất nước từng trải qua. Hay nhiệt độ tại Yerevan, Armenia đã lên 42 độ C trong ngày. Đây cũng là mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại Armenia từ trước đến nay.

Bắc Mỹ

Nhiều thành phố tại Bắc Mỹ đã ban hành cảnh báo thiên tai nắng nóng, thậm chí đã có nhiều người chết vì nắng nóng. Tại Denver, bang Colorado, nhiệt độ đạt tới 40,5 độ C, mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 2005 tới nay.

Ở các bang miền đông như New York và New Jersey, chỉ số nhiệt đã có lúc chạm tới 41 độ C. Vòm nhiệt khổng lồ trải dài khắp nước Mỹ và Canada đã xuất hiện từ hồi cuối tháng Sáu và đang có dấu hiệu lan rộng hơn trong suốt tuần.

Những đứa trẻ chơi đùa bên những vòi nước ở Montreal, Canada để giải nhiệt

Ở miền nam Ontario, Ottawa, Canada, nhiệt độ đạt tới 47 độ C, cao nhất từng được ghi nhận của thành phố. Hay như ở Montreal, bang Quebec, Canada, người dân cũng phải chịu đựng nắng nóng khủng khiếp với mức nhiệt độ; lên tới 37 độ C trong ngày 2/7. Nhiệt độ cao kết hợp độ ẩm lớn khiến không khí oi nóng và được cho là nguyên nhân khiến 11 người chết tại đây trong tuần qua.

Châu Á

Gần như toàn bộ Châu Á chìm trong vòm nhiệt khổng lồ và các sóng nhiệt liên tục đẩy nhiệt độ các quốc gia ở gần tâm nóng lên mức kỷ lục.

Tại Việt Nam, người dân các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung không chỉ phải chịu sóng nhiệt mạnh mẽ từ vùng áp thấp nóng phía Tây mở rộng mà còn phải chịu thêm hiệu ứng gió Phơn do địa hình gây nên.

Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây (vùng màu càng sẫm, nhiệt độ càng cao)

Trong suốt đợt nóng kéo dài 6-8 ngày, nhiệt độ có lúc đã lên tới 40 độ C, đặc biệt tại các thành phố lớn, hiệu ứng đô thị còn khiến nhiệt độ thực tế ngoài trời và cảm nhận của người dân còn ngột ngạt hơn thế.

Nguyên nhân nào các sóng nhiệt lan rộng khắp toàn cầu?

Sóng nhiệt không phải là điều gì mới mẻ vào mùa hè, tuy nhiên sự lan rộng một cách bất thường của sóng nhiệt chắc chắn có mối liên hệ với biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên toàn cầu. Các chuyên gia tình rằng, sự ấm lên toàn cầu và hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tăng nhiệt bất thường ở Bắc Bán Cầu.

Chuyên gia về sóng nhiệt Friederike Otto tại Đại học Oxford chia sẻ: "Sóng nhiệt đang ngày càng mạnh hơn so với những năm 1950. Nếu chúng ta không thể làm gì để giảm phát thải khí nhà kính, hiện tượng tăng nhiệt cực đoan mà chúng ta thấy trong mùa hè này sẽ trở thành ‘điều hiển nhiên' của đời con cháu sau này".

Theo nhà khí hậu học Blair Feltmate tại Đại học Waterloo cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện đã ấm hơn 1 độ C so với thế kỷ trước.

Khi thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, nắng nóng, lạnh giá và bão lũ cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, thế giới chỉ có thể kỳ vọng về sự chung tay khẩn cấp ngay lúc này để giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Tiến Thanh

Chủ đề khác