VnReview
Hà Nội

"Thám tử" cư dân mạng điều tra lý do điểm thi THPT 2018 cao bất thường của Hà Giang

Ngay sau khi báo chí nêu lên những bất hợp lý về điểm thi THPT 2018 cao bất thường của Hà Giang, cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều "giải pháp" để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này.

Như tin đã đưa, theo kết quả kỳ thi THPT 2018,; tỉnh Hà Giang có đến 36 thí sinh đạt điểm khối A1 từ 27 trở lên trong tổng số 76 thí sinh của cả nước đạt ngưỡng điểm này. Những điểm bị cho là bất hợp lý là trong khi số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018 gấp gần 168 lần số lượng thí sinh ở Hà Giang (5.500 thí sinh), trong khi số thí sinh đạt điểm cao nhất cả nước của khi Hà Giang chiếm đến 47,37% số thí sinh. Thứ hai, theo các chuyên gia, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỉ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên mới hợp lý. Tuy nhiên, điểm thi ở Hà Giang lại ngược lại. Cụ thể, ở môn Toán, số thí sinh ở địa phương này đạt điểm 9 trở lên có 57 thí sinh (cả nước có 577 thí sinh đạt điểm 9 - 10, chiếm 0,06%), trong khi chỉ có 50 thí sinh đạt điểm 8-8,75 điểm. Ở môn Vật lý, có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi chỉ có 28 thí sinh đạt mức điểm 8 từ đến dưới 9. Thứ ba, có thí sinh học chuyên Văn nhưng đạt điểm Toán gần tuyệt đối trong khi đề thi Toán năm nay được cho là rất khó, ngay cả với học sinh chuyên Toán cũng chỉ đạt điểm 8-0.

Trong khi Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu Hà Giang báo cáo về việc này trước ngày 17/7/2018, cư dân mạng đã đưa ra những dự đoán cũng như giải pháp họ cho là tốt nhất để giải thích cho lý do tại sao thí sinh Hà Giang lại đạt điểm cao bất thường như vậy.

Trước hết, những lý do rằng thi trắc nghiệm nên may mắn đạt điểm cao bị bác bỏ ngay lập tức bởi tuy có yếu tố may mắn nhưng để tick bừa kết quả mà đạt tỷ lệ chính xác gần 100% khó hơn cả trúng vé số Vietlott. Do đó, điểm cao như vậy là rất bất thường.

Một số ý kiến cho rằng có vấn đề trong quá trình coi thi. Mặc dù là kỳ thi quốc gia nhưng việc thi cử lại diễn ra ở địa phương nên khó có sự công bằng trong thi cử khi có địa phương (ở thành phố) trông chặt, còn ở huyện, xã lại coi thi lỏng hơn. Vấn đề này nếu có thanh tra cũng không thể phát hiện ra được điều gì bởi "tất cả đều đúng quy trình". Thực tế, lãnh đạo Học viện Ngân hàng (Hà Nội) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đều khẳng định khâu coi thi đều đảm bảo theo đúng quy định, không xảy ra điều gì bất thường.

Với việc mỗi thí sinh trong một phòng có một mã đề riêng (nội dung câu hỏi có thể giống nhau nhưng được tráo đổi vị trí để tạo thành mã đề khác nhau), chấm thi tự động bằng phần mềm, nên có ý kiến cho rằng nếu có vấn đề thì chỉ có thể xảy ra ở khâu làm bài. Do đó, nên lọc các bài thi có nghi vấn, sau đó xem mã đề có giống nhau không? Có thi cùng phòng không? Thí sinh có quen biết nhau không?

Trong khi đó, có ý kiến nghi ngờ ở khâu chấm thi khi phần mềm chấm thi có thể bị lỗi; hay giám thị ngay sau khi thu bài đã "giúp" thí sinh chỉnh sửa kết quả vì thi trắc nghiệm sử dụng bút chì nên việc tẩy xoá không khó khăn gì.

Nhiều ý kiến khác cho rằng nên để các thí sinh này thi lại. Không cần thay đổi đề. Nếu các em đạt trên 7 điểm thì coi như là "minh oan" cho các em còn nếu không thì rõ ràng kết quả thi của các em là không đúng.

Tuy nhiên, các ý kiến này đều có phản bác lại và cho rằng chúng khó có thể giúp tìm ra tiêu cực. Chỉ có ý kiến mời công an vào cuộc điều tra là được đồng tình ủng hộ hơn cả.

Có người đề xuất soát học bạ THPT của 36 thí sinh Hà Giang đạt mức điểm 27 điểm trở lên, sau đó lọc dăm thí sinh để công an "phỏng vấn" là sẽ biết ngay kết quả. Có ý kiến "bày vẽ" bài bản hơn: bước 1. Lập đoàn thanh tra có bộ công an vào cuộc vì tính chất của kì thi và công bằng cho các em khác; bước 2. Kiểm tra lại giấy làm bài trắc nghiệm, đặc biệt của các em điểm cao vì đang khoanh vùng nghi vấn tại đây. Khâu này quan trọng để thu nhận thêm thông tin và dấu vết phục vụ điều tra. Bởi vì giấy thi có tốt thế nào khi gôm tẩy vẫn để lại dấu vết. Thường các em điểm cao và làm bài tốt thật sự sẽ ko thay đổi đáp án nhiều khi làm bài. Nếu bất thường cần nghi vấn và/ hoặc đến bước tiếp theo; bước 3. Điều tra, thẩm vấn diện rộng những nhân vật liên quan, cam kết giữ bí mật nhạy cảm cho các em thí sinh, người thân. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ vì tin tưởng công an sẽ tìm ra được sự thật trong khi đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến thí sinh.

Chưa rõ kết quả các cơ quan chức năng Hà Giang sẽ phản hồi như thế nào về hiện tượng điểm thi cao bất thường của tỉnh mình, nhưng chắc chắn dư luận sẽ khó đồng tình được với câu trả lời "tất cả đều đúng quy trình".

Hương Hà

Chủ đề khác