VnReview
Hà Nội

Tối nay xem chung kết World Cup, coi chừng bị đau tim

Hóa ra với các bộ môn thể thao, bạn chẳng phải hoạt động gì cả mà chỉ cần ngồi xem thôi cũng đủ… mệt rồi.

Natt Garun, biên tập viên trang tin The Verge khá bất ngờ khi chiếc vòng Fitbit trên tay cô ghi nhận mức nhịp tim trên 100 nhịp mỗi phút khi xem trận tứ kết World Cup giữa Nga và Croatia.

"Quả là trận đấu căng thẳng! Khi bước vào loạt luân lưu, tôi luôn ôm mặt và không dám nhìn". Lần gần đây nhất Natt nhìn thấy nhịp tim cao như vậy là khi cô đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc.

Trước đó, chiếc Apple Watch trên tay biên tập viên trang The Independent cũng cảnh báo nhịp tim tăng cao khi Colombia và Anh thực hiện sút luân lưu trong loạt trận tứ kết.

Hóa ra với các bộ môn thể thao, bạn chẳng phải hoạt động gì cả mà chỉ cần ngồi xem thôi cũng đủ… mệt rồi.

Cổ động viên đội tuyển Croatia ăn mừng khi vượt qua Anh để tiến vào chung kết World Cup 2018

Kết quả trận đấu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người xem. Bên cạnh những điều tích cực mà bóng đá mang đến như cơ hội trò chuyện, gặp gỡ bạn bè, niềm tự hào dân tộc khi đội tuyển giành chiến thắng thì trái ngược là những ảnh hưởng có phần tiêu cực.

John Ryan, chuyên gia tim mạch tại Đại học Utah Health Care cho biết: "Mọi người thường lo lắng cho các cầu thủ, nhưng tôi lại lo hơn cho khán giả đặc biệt khi họ ngồi tại sân vận động. Họ khát nước, sau đó uống rượu bia khiến cơ thể nóng lên và căng thẳng".

Nhờ những chiếc Apple Watch hay Fitbit mà chúng ta có thể thấy xem bóng đá ảnh hưởng đến trái tim như thế nào. Những yếu tố ảnh hưởng lâu dài đến tim mạch có cao huyết áp, hút thuốc và lười vận động, nhưng một số tác nhân cũng có thể gây nhồi máu cơ tim bao gồm gắng sức, cảm xúc mạnh và, theo các nhà nghiên cứu, xem một trận bóng căng thẳng.

Các chuyên gia tim mạch từng ghi nhận nhiều trường hợp đau tim xảy ra với các fan bóng đá trong hàng chục năm qua, đặc biệt khi đội ưa thích của họ thua cuộc. Tại Euro 1996, Pháp đánh bại Hà Lan 5-4 trong loạt sút luân lưu, ngay trong hôm đó đã có 14 người Hà Lan chết vì đau tim. Tình trạng tương tự xảy ra khi Anh và Argentina đối mặt trong tứ kết World Cup 1998, lúc ấy Argentina đã vượt qua Anh bằng loạt sút luân lưu. 55 khán giả Anh sau đó phải nhập viện do nhồi máu cơ tim.

"Cảm xúc mạnh từ các trận đấu bóng đá đã ảnh hưởng đến hoạt động tim mạch", Robert Kloner, Giám đốc nghiên cứu tim mạch tại Viện nghiên cứu Huntington cho biết.

Nhịp tim một khán giả khi xem trận bóng đá World Cup

Sau nhiều nghiên cứu, Robert khẳng định tình trạng đau tim xảy ra nhiều hơn với các trận có tính chất quan trọng và căng thẳng. Anh không yêu cầu mọi người ngừng xem thể thao nhưng nếu có tiền sử về bệnh tim, tốt nhất là nên có bác sĩ hỗ trợ để an toàn hơn khi theo dõi trận đấu.

Trái lại thì Ryan, chuyên gia tim mạch tại Đại học Utah Health Care cho rằng nguy cơ đau tim khi xem thể thao không quá lớn, nhưng cũng đưa ra nhiều lời khuyên để duy trì sức khỏe trong suốt trận đấu: giữ ẩm, thân nhiệt mát mẻ, không hút thuốc, ăn uống nhậu nhẹt vừa phải.

Nhưng làm sao thể thao lại có thể truyền cảm xúc mạnh mẽ đến vậy? Theo Ed Hirt, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Indiana (Bloomington), việc trở thành fan một đội nào đó khiến tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. "Khi đội tôi thích thắng, mọi thứ đều tuyệt vời, cảm xúc thật phấn khởi. Nhưng nếu đội tôi thua, thế giới dường như sụp đổ".

Cảm xúc fan tuyển Anh khi thất bại trước Croatia

Mọi người thường nói "chúng ta thắng rồi" khi đội ưa thích giành chiến thắng, chữ "chúng ta" cho thấy tất cả trái tim, cảm xúc đã hòa vào làm một. Nhưng đôi khi cảm xúc quá lớn lại dẫn đến nhiều hành động không mấy tốt đẹp lắm. Tại Mỹ, nhiều fan cuồng đã giật đổ cột đèn, lật xe hơi và đốt pháo khi đội tuyển của họ giành chiến thắng.

Hiện tượng này gọi là "ăn mừng kiểu bạo lực" (celebratory violence). Đội của bạn thắng, đó là lúc ăn mừng chứ không phải phá hoại. Các fan cuồng thường gây náo loạn nhiều hơn là fan trung lập.

Jason Lanter, giáo sư tâm lý tại Đại học Kutztown đang nghiên cứu về hành vi của các fan thể thao, cho rằng sự kết hợp giữa cảm xúc và rượu bia dễ gây ra bạo lực hơn.

Không chỉ bạo lực ngoài đường mà ngay cả trong gia đình cũng xảy ra căng thẳng. Theo BBC, sau các trận đấu tại World Cup thì báo cáo về bạo lực gia đình tại Anh đã tăng 30% bất kể đội của họ thắng hay thua.

Dù nghiên cứu theo cách nào, các báo cáo thường kết luận chung một điều: đại đa số fan bóng đá không bị đau tim hay bạo lực "kìm hãm" đam mê của mình.

Dù gì thì bạn vẫn nên đảm bảo sức khỏe của mình trước khi xem trận chung kết World Cup giữa Pháp và Croatia diễn ra vào 22h đêm nay (giờ Việt Nam).

Phúc Thịnh

Chủ đề khác