VnReview
Hà Nội

Cùng nhìn lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của Emoji

Trên mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin và SMS, emoji đã trở thành một phương thức được nhiều người sử dụng để biểu đạt cảm xúc trong giao tiếp thời đại kỹ thuật số. Dưới đây là lịch sử đầy thú vị của chúng.

Trước thời emoji, người ta biểu đạt cảm xúc bằng emoticons - các hình mặt cười được tạo thành từ sự kết hợp các dấu ngoặc đơn, ngoặc kép, chấm câu, các con số và ký tự... Emoticons được sử dụng lần đầu vào năm 1881, trên một số của tạp chí châm biếm Puck. Được miêu tả là "nghệ thuật đánh máy", có 4 emoticon đã được tạp chí này sử dụng để diễn tả niềm vui, u sầu, thờ ơ, và kinh ngạc.

Emoticons lần đầu được sử dụng trong thế giới số bởi Scott Fahlman tại Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, vào ngày 19/9/1982. Ông đã gõ :-) và :-( để phân biệt các bài viết khôi hài và nghiêm túc trên bảng thông tin điện tử của trường đại học.

Trong vài năm tiếp theo đó, các biến thể của emoticon bắt đầu phổ biến. Kaomoji - một loại emoticon sử dụng các dấu hoa thị, dấu gạch dưới và dấu ngoặc đơn, như (*_*) - được đưa vào sử dụng tại Nhật vào khoảng năm 1986. Ảnh dưới là danh hài Kintaro cầm một tấm biển kaomoji tại Lễ trao giải Simeji Keomoji của năm tổ chức ở Tokyo vào ngày 14/12/2015.

Emoji - các chữ tượng hình và mặt cười vốn được sử dụng trên các nền tảng kỹ thuật số - khởi nguồn từ Nhật Bản vào cuối những năm 1990.

Từ "emoji" được kết hợp từ hai từ Nhật Bản: "e", có nghĩa là hình ảnh, và "moji" có nghĩa là tính cách.

Shigetaka Kurita, một nhân viên của công ty di động Nhật Bản NTT DoCoMo, đã phát triển bộ emoji đầu tiên vào năm 1999. Anh lấy cảm hứng từ các dự báo thời tiết, các ký tự Trung Quốc, biển báo hiệu giao thông, truyện tranh, và các ký hiệu quốc tế để chỉ...phòng tắm. Sử dụng một lưới 12 x 12 px, Kurita và nhóm của anh đã tạo nên đến 176 biểu tượng.

Khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007, nó đã hỗ trợ bộ emoji của SoftBank để tìm đường tiến vào thị trường Nhật Bản. Không lâu sau đó, hiện tượng văn hóa này lan rộng sang Bắc Mỹ và xa hơn nữa. Apple chính thức hỗ trợ Emoji trên toàn cầu với iOS 5 ra mắt vào năm 2011. Android của Google cũng "học theo" ngay trong năm đó.

Chuẩn Unicode là một hệ thống mã hóa ký tự, được thiết kế để hỗ trợ việc xử lý và hiển thị các văn bản. Từ năm 2010 đến nay, chuẩn này đã cho phép các bộ emoji của từng nhà mạng có thể xuất hiện trên các thiết bị đối thủ.

Năm 2012, bản cập nhật iOS 6 của Apple đã lần đầu giới thiệu các emoji dành cho các cặp đôi gay và les.

Hai năm sau đó, bộ emoji của Apple bắt đầu có thêm các khuôn mặt người Mỹ gốc Phi.

Năm 2015, Apple bắt đầu đưa ra các tùy chọn màu da. Cuối năm đó, 184 emoji mới, bao gồm biểu tượng ngón tay giữa, món bánh burrito và khuôn mặt bị khóa miệng, đã được thêm vào bộ emoji của hãng.

Với tác động của emoji lên văn hóa đại chúng và giao tiếp xã hội, Từ điển Oxford đã vinh danh biểu tượng "Khuôn mặt khóc hạnh phúc" là Từ của năm 2015. Cộng đồng Phương ngữ Mỹ chọn emoji hình trái cà tím là Emoji đáng chú ý nhất năm 2015 tại buổi lễ Từ vựng của Năm của họ.

Năm 2016, Apple tiếp tục giới thiệu hơn 100 nhân vật mới nhằm đa dạng hóa giới tính của emoji, đồng thời thay đổi emoji súng lục thành súng phun nước màu xanh trong bản cập nhật iOS 10.

Emoji đạt được một cột mốc mới vào ngày 28/7/2017, khi bộ phim "The Emoji Movie" được công chiếu trên toàn thế giới. Đội ngũ lồng tiếng cho phim vô cùng hùng hậu, với T.J. Miller, Anna Faris, James Corden, Sofia Vergara và Patrick Stewart.

Vào ngày 27/5/2018, một Kỷ lục Guinness Thế giới liên quan emoji đã được thiết lập - đám đông mặc trang phục hình emoji lớn nhất thế giới - 932 người tập hợp tại Fuyang, Trung Quốc.

Công ty Unicode xem xét các emoji mới mỗi năm. Vào tháng 6/2018, họ tung ra các nhân vật tóc đỏ trong bản cập nhật 11.0. Bản cập nhật này có 157 emoji mới, gồm các siêu anh hùng, các loại bánh mỳ, và kangaroo. Sau khi cập nhật bản 11.0, hiện đã có tổng cộng 2.823 emoji!

Minh.T.T

Chủ đề khác