VnReview
Hà Nội

Quartz: Việt Nam và con đường giảm thải carbon bằng cách...biến phân heo thành năng lượng

Sử dụng khí biogas trong sinh hoạt hàng ngày là "một mũi tên trúng hai đích" trong con đường giảm thải carbon ra môi trường.

Căn bếp nhỏ của nhà chị Lê Thị Vinh từng đầy khói bụi bồ hóng tạo ra từ bếp củi mà cả gia đình thường dùng. Nhưng điều đó đã thay đổi từ cuối năm 2016, khi chị ngừng sử dụng than củi và chuyển hẳn sang biogas. Khí này được tạo ra từ phân của 46 chú heo chị nuôi, đủ dùng để nấu 3 bữa ăn mỗi ngày cho một gia đình 4 người. Tuy nhiên, nó không hề rẻ: hầm ủ gas này có giá xây dựng lên đến 600 USD (gần 14 triệu đồng), tức gấp 5 lần thu nhập hàng tháng của gia đình chị Vinh, vốn chỉ 3 triệu đồng mà thôi.

Chị Vinh là một nông dân 53 tuổi sống tại Hà Nội, thành phố đông dân thứ hai tại Việt Nam. Tại đây có khoảng 5 triệu xe máy chạy xăng, xả khói mù mịt vào không khí và gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Nhưng Hà Nội đang thay đổi. Bên cạnh kế hoạch cấm xe máy đầy tham vọng vào năm 2030, Thủ đô nước ta là một trong 63 tỉnh thành phố trên cả nước đưa khí biogas vào phục vụ cho việc nấu ăn trong các hộ gia đình. Chị Vinh dùng tiền tiết kiệm của mình và vay mượn thêm một ít từ họ hàng để xây dựng các hầm ủ gas - một phần trong chương trình do Chính phủ Hà Lan tài trợ, sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Mục tiêu của việc sử dụng khí biogas là giúp bầu không khí trong sạch hơn, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu - một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ.

Hai hầm ủ khí biogas

Cũng như toàn thế giới, Việt Nam cần phải giảm lượng khí thải nhà kính. Chăn nuôi gia súc đóng góp khoảng 5% vào GDP nước ta. Hiện sản lượng thịt heo của Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới, và nếu không được xử lý cẩn thận, phân heo không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn dần dần sản sinh ra khí methane. Đốt methane sẽ tạo ra carbon dioxide - một khí nhà kính - nhưng để methane thoát ra còn tệ hơn, bởi so với khí CO2, methane làm Trái Đất nóng lên nhanh gấp 84 lần!

Đàn heo nhà chị Vinh

Hơn nữa, những người không có điều kiện sử dụng khí biogas sạch phần lớn đều phải dựa vào các lò than củi vốn thải khí carbon vào không khí. Những phân tử khí carbon này dễ dàng lọt vào phổi và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi hoặc các bệnh tim mạch. Tình trạng ô nhiễm không khí khu dân cư vì các phương thức nấu ăn không hiệu quả giết chết gần 4 triệu người mỗi năm tại các quốc gia nghèo.

Do đó việc chị Vinh sử dụng khí biogas có thể nói là một chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hộ gia đình. Đó cũng là lý do tại sao biogas rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, nơi 60% dân số vẫn sống ở vùng nông thôn. Vào năm 2003, SNV, một tổ chức phi chính phủ Hà Lan, đã bắt đầu giúp đỡ Việt Nam xây dựng các hầm ủ khí biogas - nơi lưu trữ phân động vật - ở vườn sau nhà các hộ dân. Đến tháng 6/2018, toàn đất nước có xấp xỉ 170.000 hầm ủ khí biogas - theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, cố vấn của SNV tại Việt Nam.

Hầm ủ gas có kích cỡ trung bình khoảng 12 mét vuông, giúp Việt Nam giảm được 1,3 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Cả nước thải ra 230 triệu tấn khí thải carbon vào năm ngoái, chiếm khoảng 0,7% tổng lượng khí thải carbon lên đến 32,5 tỷ tấn của toàn thế giới.

Trong giai đoạn đầu của dự án - diễn ra từ 2003 đến 2012 - mỗi hộ gia đình ở Việt Nam được trợ cấp 100 USD để xây dựng các hầm ủ gas. Trong giai đoạn 2 - diễn ra từ 2013 đến 2016 - SNV sẽ giúp toàn bộ quá trình trở nên bền vững hơn bằng cách thuê người địa phương thực hiện việc xây dựng các hầm ủ. SNV cũng làm việc với các ngân hàng trong nước để cho người dân vay vốn với lãi suất thấp nhằm xây dựng các hầm ủ gas. Tổ chức này kỳ vọng giai đoạn cuối của dự án - bắt đầu vào năm ngoái - sẽ giúp cải thiện chất lượng của các hầm ủ gas đã đi vào hoạt động.

Nhưng SNV hiểu rằng những biến động trên thị trường thịt heo sẽ quyết định sự thành công của dự án hầm ủ gas. Năm 2017, giá thit heo trong nước giảm một nửa sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo sống từ Việt Nam, khiến quá trình lắp đặt các hầm ủ bị chậm lại. Hoàng Văn Tân, một "thợ nề" 42 tuổi đã tham gia lắp đặt ít nhất 1.000 hầm ủ từ khi vào nghề 7 năm về trước, cho biết ông từng lắp đặt 10 hầm ủ mỗi tháng vào năm 2015, nhưng từ khi giá thịt heo giảm, ông chỉ còn lắp được từ 2 - 3 hầm ủ mỗi tháng mà thôi.

Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía. Một mặt, các nhà soạn thảo quy chế về năng lượng của nhà nước cho biết Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện trong 5 năm tới, khi nhu cầu vượt quá mức cung. Để vượt qua thách thức này, nước ta đã phải sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, đặc biệt là than đá, cho việc tạo ra năng lượng. Mặt khác, Việt Nam cần phải cắt giảm khí thải. Một cách để đạt được điều này là sử dụng các loại năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nếu dự án biogas của SNV tiếp tục hoạt động và tăng trưởng, nó sẽ là một ví dụ sáng giá về việc các dự án năng lượng tái sinh có thể được phát triển mạnh mẽ với sự giúp đỡ từ viện trợ nước ngoài đối với các quốc gia đang phát triển.

Minh.T.T

Chủ đề khác